Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Mùi Tết” ở làng nghề tranh dân gian làng Sình

Thứ Sáu 14/01/2022 | 09:44 GMT+7

VHO- Cứ vào tháng giáp Tết, ngược dòng Hương Giang ven về phía hạ nguồn, sẽ cảm nhận không khí rộn ràng của làng nghề tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên (đều ở xã Phú Mậu, TP Huế). Với lịch sử gần 450 năm, nghề làm tranh dân gian làng Sình đã trở thành nét văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô.

 Các tác phẩm tranh trang trí (của tranh làng Sình)

Những ngày tháng Chạp, căn nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (75 tuổi) lúc nào cũng bày biện in tranh, khắc bản vẽ cho tranh làng Sình. Người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu làng nghề có thể trải nghiệm công đoạn in tranh rất thú vị. Dù suốt hai năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng tranh được sản xuất cầm chừng, nhưng không khí làm tranh ngày Tết ở làng Sình vẫn rộn ràng. Các cao niên trong làng cho biết, nghề làm tranh làng Sình xuất hiện từ xa xưa, sau khi làng được lập không lâu. Và “ông tổ” của làng cũng là người từ Bắc Ninh vào. Chính vì thế, ban đầu tranh làng Sình có nhiều đặc điểm giống với tranh Đông Hồ; song, với mục đích chủ yếu làm tranh thờ cúng, mang nét văn hóa tâm linh nên nhiều nghệ nhân cũng dần khắc các bản vẽ khác, phù hợp hơn.

“Chính vì phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng, nên tranh làng Sình thường được làm nhiều trong vòng 2-3 tháng, từ trước Tết cho đến sang đầu năm mới. Để người dân dâng cúng ông bà tổ tiên, làm lễ cầu an…”, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết. Tranh làng Sình là tranh mộc bản, với các bản khắc được làm từ gỗ mít, gỗ thị có độ dày tương đối phù hợp với việc lưu giữ lâu dài. Việc in ấn tranh cũng thuận lợi, nhanh gọn; riêng với những tranh màu thì được thực hiện công phu hơn. Trước đây, màu sắc cho tranh được tạo ra từ tự nhiên, như: Màu vàng làm từ lá đung và búp hòe non, màu xanh dương làm từ hạt mồng tơi, màu đen làm từ tro rơm nếp… Sau này, chỉ có màu đen được pha chế từ than lá tre, còn lại những màu sắc khác của tranh được pha chế từ các màu công nghiệp. Loại giấy vẽ tranh cũng dần chuyển sang giấy công nghiệp, chỉ còn gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn làm giấy dó. Tranh làng Sình có 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Điểm nổi bật của tranh làng Sình chính là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ, chất phát một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo của dòng tranh này chính ở cách tô màu.

Theo PGS.TS, họa sĩ Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, trong tranh làng Sình, sự bố trí phối hợp các màu đạt được sự hài hòa, thuận mắt, không mang tính công thức quá chặt chẽ, bởi kết quả của nó được đánh giá bằng cảm nhận về tương quan màu vừa mang tính dân gian thuần khiết, vừa chịu ảnh hưởng cung đình trên nền tư tưởng triết lý vũ trụ, nhân sinh phương Đông. Kết quả tạo màu trong tranh làng Sình rất phong phú do cảm nhận thị giác và thói quen khác nhau. Mỗi nghệ nhân tạo ra một xu hướng phối màu riêng của họ từ cách đặt các màu cạnh nhau. Do mùa làm tranh tập trung vào dịp cuối năm, cũng là thời gian việc đồng áng đã ổn, nên nhiều gia đình đã duy trì nghề làm tranh dân gian truyền thống này. Một phần vừa kiếm thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, một phần để duy trì nghề truyền thống của tổ tiên để lại. Nhiều gia đình làm tranh kéo dài cho đến hết ngày hội làng Sình (lễ hội vật truyền thống) vào mồng 10 tháng Giêng hằng năm.

Tranh dân gian làng Sình luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của người dân xứ Huế và các vùng lân cận. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người duy nhất được phong tặng “nghệ nhân” của làng nghề này, kể rằng: Nếu tính đến con cái của tôi, thì gia đình đã có 10 đời theo nghề làm tranh dân gian truyền thống của làng. Đã có những thời gian, nghề làm tranh làng Sình bị cấm, những bản khắc để in tranh bị tịch thu và đốt cháy, nhưng tôi đã “liều” mình đào hầm rồi cất giấu các bản khắc mà cha ông để lại. Khi nghề truyền thống được phục hồi, nhờ được cha ông chỉ dạy trước đó, tôi đã khắc thêm các bản vẽ (từ bản gốc còn giữ được) để tặng lại cho các hộ gia đình trong làng.

Để nghề làm tranh và khắc bản vẽ (mộc bản) của tranh làng Sình không bị mai một, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã truyền dạy cách khắc bản vẽ cho các thanh niên trong làng. Hiện nay, có gần 70% số gia đình của làng Lại Ân tham gia làm tranh dân gian truyền thống này. Những hộ dân này gần như chỉ làm dòng tranh thờ cúng thuần túy, riêng nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn khắc bản vẽ và in thêm dòng tranh trang trí. Chính việc sáng tạo ra các bản vẽ tranh trang trí đã tạo nhiều nét mới lạ, bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề tranh truyền thống nơi đây. Căn nhà của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã trở thành điểm được nhiều đơn vị lữ hành kết nối, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. 

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top