Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đẩy mạnh triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Kéo màn nhung hiện rõ hình đất nước

Thứ Sáu 14/01/2022 | 09:45 GMT+7

VHO- Những ngày còn ở Đức, tôi chịu đi nhiều nơi, từ Đông sang Tây… Đi nhiều, tôi canh cánh một nỗi buồn là người Đức hiểu biết rất ít về Việt Nam. Đa số họ luôn lầm lẫn người Việt ta với người Trung Hoa hay Nhật Bản. Số người già phía Đông có ai biết hai từ Việt Nam, thì chủ yếu dính dấp đến chiến tranh, khi nhân dân và Chính phủ Đông Đức (DDR) ủng hộ ta đánh Mỹ đến khi thắng Mỹ…

 Kiều Suite (Tổ khúc Kiều), tác phẩm viết cho đàn ghi ta cổ điển của GS Đặng Ngọc Long

Sâu sắc hơn, họ nhắc với tụi tôi rằng, họ biết Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ. Chỉ có thế, rồi bá vai bá cổ thân thiết lắm, ăn nem, xơi phở, rối rít, tấm tắc khen, chứ còn sâu hơn nữa là chịu. Có ai nói cho họ biết dung mạo Việt Nam chúng ta thế nào ở tầng nấc sâu bền ngàn năm Thăng Long, hơn 2000 năm Vương Bá phía Nam từng dõng dạc phân định bờ cõi, lịch sử, văn hóa Tộc Việt để rằng: Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư!

Phía Tây cũng na ná biết về chúng ta như thế, ấy là người Đức ở Tây Berlin, ở Bonn, còn đi tới vùng xa xa, không một người Đức nào biết có một nước Việt Nam trên địa cầu này. Thi thoảng, hiếm như đáy bể mò kim, có một người Tây Đức già nhắc đến Việt Nam là mắt sáng lên. Hóa ra anh ta đã từng xung vào đội quân Lê Dương, bị bắt ở Điện Biên Phủ. Vài người nữa biết, đó là vợ hay họ hàng các anh lính Mỹ từng tham chiến ở Đông Dương. Tôi quen một gia đình như thế ở Hamburg, đi bán chung chợ với tôi ở thành phố nhỏ Teltow. Anh ấy - trước khi sang Việt Nam trở thành kẻ thù của tôi - đã vào nước ta qua Quân cảng Đà Nẵng. Nhiều người Mỹ ở Đức trong khuôn khổ Hiệp định Potsdam, họ đóng quân rải rác phía Tây Đức, yêu cô gái Đức và thường sau vài lần chạm súng với quân đội Việt Nam thì không chết cũng bị thương. Anh bạn Mỹ tôi quen, 1969 bị thương ở Pleiku, sang Guam chữa chạy và quay thẳng về Đức tìm cô bạn cũ. Nhưng anh ta cũng chỉ biết đến những cánh rừng chết chóc, sự nguy hiểm của một tộc người gan lì “lẩn như trạch” đã làm anh bị thương ở sọ và một cái sẹo dài dọc xương sống. Còn Việt Nam ngày nay ra sao, tâm hồn tôi hay chúng ta ra sao thì anh ta mù tịt. Tôi đưa cái đĩa CD nhạc cho anh nghe. Anh rơm rớm nước mắt khi nghe bản tổng phổ cho ghi ta do bạn tôi, GS Đặng Ngọc Long gieo vào lòng anh những Lý qua cầu, Bèo dạt mây trôi, Tiếng đàn ta lư…

Chuyện ấy hiếm vô cùng. Thế thì người trẻ Đức hỏi làm sao biết được Việt Nam?! Chung một nhà máy, một phân xưởng, người Đức trẻ chỉ biết một “tầng lớp đi lao động xuất khẩu” cùng họ xây dựng, kiến tạo nước Đức. Những người Đức trẻ ấy cho rằng Việt Nam như thế tức là đói, phải làm anh thợ khách đi làm thuê. Từng ấy thôi khiến những người Việt quan tâm tới lòng tự tôn dân tộc vừa giận, vừa tủi vì Việt Nam, hai từ thiêng liêng ấy đâu chỉ đánh nhau, đâu chỉ đói nghèo.

Nhạc sĩ, GS âm nhạc Đặng Ngọc Long mà tôi kể trên, hơn ai hết biết sâu xa điều ấy. Gặp gỡ, tâm sự niềm đau đáu với tôi và chúng tôi thân nhau từ độ ấy. Suốt 40 năm nay, từ 1987 khi đoạt giải Nhất cuộc thi ghi ta ở Tiệp, ông tự đặt cho mình một nhiệm vụ, dùng âm nhạc quê hương để thuyết phục con người thế giới. Ông mang âm nhạc Việt Nam đến Đức, những bản dân ca Quan Họ, những bài hát hợp xướng được ông tổng phổ cho ghi ta… Ông dạy sinh viên và buộc họ chơi nhạc do ông mang từ Việt Nam sang. Đặng Ngọc Long có lợi thế và uy tín khi từ 2006 đến nay, làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan - thi Guitar quốc tế tại Berlin. Ông soạn ra các bản nhạc bắt buộc thí sinh trình diễn, toàn là các bản nhạc Việt. Muốn chơi ghi ta cho hay để đoạt giải, thí sinh tất cả các nước phải để tâm nghiên cứu về Việt Nam. Có người bay về Việt Nam và “bị” tình yêu nam nữ mắc lại, và họ lại có thêm một vùng đất để tôn thờ. Đặng Ngọc Long gần đây soạn ra Tổ khúc Kiều được giới âm nhạc bác học Đức chú ý, dàn dựng. Hai từ Việt Nam đã vang lên khi cánh màn nhung sân khấu Đức, Pháp, Tiệp, Italia, Ba Lan… kéo ra, và ông với bộ comle sang trọng đã tự tay đàn. Trong những dịp lễ, giới âm nhạc quý tộc Đức mời ông biểu diễn. Âm nhạc chỉ là một góc trong nền văn hóa mỗi sắc tộc. Quan trọng hơn là Đặng Ngọc Long đã dành suốt đời mình để làm, để giúp người thuộc thế giới văn minh nhận ra “khuôn trăng” đầy đặn nhất, sang trọng nào có kém ai của Việt Nam. Nó phá tan ấn tượng vừa đẹp vừa xấu xí trói gọn trong hai từ chiến tranh mà kẻ thù buộc ta phải cầm súng, cầm gươm.

 Đồng Xuân là Trung tâm thương mại, là nơi có sự tham gia buôn bán lớn nhất của người Việt tại Đức

Ở Berlin hôm nay, cùng với âm nhạc của Đặng Ngọc Long, bà Tôn Nữ Nguyệt Minh, ông Đặng Thái Sơn… làm giới trí thức bàng hoàng, thì người bình dân Đức (không ngoại trừ có cả một bộ phận trí thức Đức quanh Berlin) còn biết đến vùng văn hóa ẩm thực Việt với những món ăn truyền thống và các món ăn hội nhập do người Việt cầu kì, thông minh, nhạy cảm chế biến vô cùng ngon miệng để làm hài lòng thực khách. Các quán ăn mượn biển hiệu Trung Hoa của người Việt không còn nữa, người ta tự hào, tự tin trương lên biển hiệu với những cái tên thuần Việt: Lan, Hương, Đồng Quê, Đồng Xuân, Hà Nội, Thăng Long, Nam Định, Saigon… Nó nổi tiếng đến mức bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, cách đây tròn 10 năm, khi ghé đến Leipzig vận động bầu cử, đã phải rẽ vào quán ăn nhanh Nem và Pho của TS Nguyễn Sỹ Phương. Ấy là chưa kể Trung tâm buôn bán Đồng Xuân do ông Nguyễn Văn Hiền quản lý, có hẳn một chợ châu Á khép kín, óng ánh đào Nhật Tân mỗi khi Xuân về, xanh mềm bánh chưng, bánh cốm... Thợ làm tóc, thợ vẽ móng tay cho các quý bà Đức đều rải rác xung quanh cái chợ to vật vã nằm ngay Trung tâm Berlin…

Về bản chất, văn hóa là lĩnh vực khá rộng, nhất là khi bàn tới nó trong thế giới hội nhập thì người ta cần biết điều gì thuộc về Sự giao thoa có tính tương đồng của Văn hóa Việt tộc ta với Văn hóa thế giới. Điều gì, dầu có là vương vấn bản sắc, mà chưa đẹp, không đồng tông, đồng bộ với văn hóa thế giới thì nên khéo léo cất giấu đi để làm tốt sự quảng bá Văn hóa ra xứ người. Là như ta kéo màn nhung sân khấu ra, cho khán giả thấy khuôn mặt đẹp của Tổ quốc, của sơn hà xã tắc, của dân tộc Việt Nam!

Làm hay làm tốt, điều này vừa là trách nhiệm của nhiều ngành, vừa là lương tâm thời đại trong từng con dân xứ Việt. Nếu ai cũng nghĩ để làm như thế, và làm được như nghệ sĩ ghi ta, GS Đặng Ngọc Long tôi ví dụ trên, thì sự quảng bá văn hóa Việt ra thế giới sẽ mang lại những quyền lợi và nguồn lợi vật thể, phi vật thể không thể tính đếm và coi thường. 

 Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top