Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sáng tạo văn hóa từ chất liệu truyền thống

Thứ Sáu 14/01/2022 | 11:57 GMT+7

VHO- Lặng nhìn cách Vũ Thùy Dương viết tiếp những giá trị quý giá, mà các thế hệ đi trước đã tạo dệt, gửi gắm qua dòng tranh dân gian Hàng Trống, có lẽ sẽ khiến nhiều người vô cùng ấn tượng và bất ngờ… Bởi ngày hôm nay, người lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian để tìm cho mình lối đi riêng không hiếm, thế nhưng việc đưa những giá trị văn hóa đó vào sáng tạo và nâng lên thành nghệ thuật mới, tạo ra những tác phẩm độc lập lại là điều không dễ dàng!

Bộ môn nghệ thuật mới mẻ

Ở nhiều nước trên thế giới nghề trang trí đồng hồ không còn xa lạ, nhưng tại Việt Nam đây vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật nhiều mới mẻ. Số lượng người đủ đam mê để theo đuổi nghề này không nhiều và Vũ Thùy Dương thường được giới mộ điệu xem là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp.

Vũ Thùy Dương tỉ mẩn sáng tạo tác phẩm của mình

Đối với nghệ thuật chế tác đồng hồ, tiểu hoạ là một trong những bảo chứng cho sự hoàn thiện về kỹ thuật, cũng như mỹ thuật ở các sản phẩm cao cấp. Nghệ thuật tranh tiểu họa đòi hỏi sự tinh thông về những kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mẩn và vô cùng tinh tế. Để có thể thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 3cm, người họa sĩ cần có sự tập trung cao độ và làm việc dưới kính hiển vi. Có như thế từng chi tiết nhỏ nhất cũng thể bị bỏ qua. Khác với hội họa thông thường, yếu tố quyết định sự ấn tượng của tranh tiểu họa sẽ căn cứ ở hình khối, hình dạng, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện, để mường tượng ra thứ mình cần họa trên đó sao cho phù hợp, tương xứng nhau.

Điểm đặc biệt của nghệ thuật tiểu họa nói chung và nghề vẽ trên mặt đồng hồ nói riêng đó là người họa sĩ đôi khi dùng những dụng cụ vẽ rất nhỏ. Phần lớn những hoạ cụ sẵn có rất khó đáp ứng được yêu cầu vẽ chi tiết. Khi ấy người thợ phải đem chế lại. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2-3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế. Ngoài ra có những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08mm.

Và nếu không có một tinh thần làm việc nghiêm túc, một tâm hồn giàu mỹ cảm hội họa thì rất khó để có thể làm nên những tác phẩm tiểu họa mặt đồng hồ sống động lạ lùng. Như lời của Dương bộc bạch: “Muốn người khác mê đắm tác phẩm của mình là một hành trình nhọc nhằn và nhiều gian. Ở đó không chỉ có tình yêu mà còn cần tới sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Và nữa, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm. Hay nói như danh họa Nguyễn Sáng, nếu nghệ sỹ không moi ký ức gan ruột của mình ra để làm nghệ thuật, để sáng tác thì chỉ tạo ra những thứ vô giá trị mà thôi”.

Tranh dân gian mang hơi thở hiện đại

Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam và đã tạo hứng thú cho Dương rất nhiều. Trong hành trình đó, tranh dân gian Hàng Trống khiến Dương ấn tượng hơn cả!

Bức tiểu họa mặt số đồng hồ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Ngũ Hổ

Cô họa sĩ trẻ chân thành: “Không giống với các dòng tranh dân gian quý của Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng sử dụng hoàn toàn kỹ thuật in khắc gỗ, tranh dân gian Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ. Do đó, các nét trong tranh Hàng Trống rất tinh tế và giống với kỹ thuật đi nét của nghệ thuật tiểu họa đồng hồ. Dựa trên những giá trị truyền thống đã được sàng lọc, định danh làm căn cốt, Dương đã tiếp tục sáng tạo, chế tác bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ Ngũ Hổ Thần Tướng theo nội dung bức tranh Ngũ Hổ nổi tiếng của dòng tranh này. Không chỉ là một tác phẩm để chào đón xuân Nhâm Dần, đây còn là mốc khởi đầu trong hành trình đem đến cho mọi người hiểu thêm về “những điều xưa cũ mới mẻ”.

Thông qua chất liệu sơn ta, sơn dầu và vàng lá, Vũ Thùy Dương đã mất gần 2 tháng để hoàn thiện những tác phẩm đặc biệt ấy. Vẫn các họa tiết của bức tranh Ngũ Hổ, nhưng qua tác phẩm của Dương, người xem như được dẫn vào một câu chuyện mới, một không gian mới. Luôn luôn suy nghĩ, sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải đau đáu tìm lối đi khác, thậm chí khác với các tác phẩm trước đó của chính mình, cô chia sẻ: “Dương luôn nỗ lực sao cho bản thân có thể trưng ra một phong cách mang dấu “vân tay” của mình chứ không đơn thuần là một bức tiểu họa chuyển thể từ tranh dân gian. Bởi rõ ràng, với người thuộc tuýp người thèm hoài niệm, cần ký ức, trót nặng lòng với văn hóa truyền thống sẽ chẳng dễ dãi mà bổ sung vào bộ sưu tập của mình một món đồ, mà ở đó chỉ là sự mô phỏng lại những hình khối, chi tiết của tranh dân gian một cách đơn giản. Nhất định, thứ họ tìm kiếm phải là những tác phẩm ăm ắp sáng tạo nhưng lại vẹn nguyên hồn cốt của những điều tưởng chừng đã cũ”.

Tác phẩm Ngũ Hổ Thần Tướng

Có lẽ điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất thông qua các tác phẩm của Vũ Thùy Dương chính là cách mà Dương đã thể hiện những chi tiết sao cho chúng không cùng nằm trên một bề mặt phẳng như trong tranh. Mỗi một lần “vờn” màu, Dương đều chi ly tính toán sao cho chúng có thể phân chia rõ ràng từng lớp cao thấp. Có như thế, từ dáng ngồi, thế đứng đường bệ, đặc biệt những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên đều sống động và chân thực.

Nói về dự định trong thời gian tới, Vũ Thùy Dương chia sẻ, cô vẫn sẽ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới từ chất liệu dân gian. Qua đó, Dương hy vọng sẽ cùng với những người trẻ khác mở thêm cánh cửa cho các giá trị văn hóa xưa hội nhập đời sống đương đại.

Bài, ảnh: VŨ MỪNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top