Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tuyển sinh năm 2022: Học sinh và phụ huynh đều bối rối

Thứ Hai 17/01/2022 | 08:50 GMT+7

VHO- Tính tới thời điểm này, đã có tới 13 phương thức tuyển sinh 2022 được các cơ sở giáo dục đại học công bố. Việc có quá nhiều phương thức đang khiến cả phụ huynh và học sinh bối rối, lo lắng.

 Các bạn học sinh cuối cấp cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh và đừng bỏ sót các tiêu chí phụ trong mỗi phương thức, nhóm đối tượng xét tuyển (ảnh minh họa)

Theo đó, nhiều trường ĐH lớn đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2022, trong đó việc xét tuyển chỉ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này có nghĩa học sinh lớp 12 năm nay, ngoài việc ôn tập để thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi bắt buộc để cấp bằng tốt nghiệp THPT, sẽ phải luyện thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, hay luyện thi để tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để có thêm cơ hội xét tuyển.

Chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc

Năm 2015, Bộ GD&ĐT gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ thành một kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Năm 2020, trước tác động của Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành, Bộ GD&ĐT đưa kỳ thi toàn quốc trở về mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép các trường đảm bảo điều kiện được tổ chức phương thức thi tuyển sinh riêng, trên 90% vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, CĐ.

Từ năm 2021, các trường ĐH được giao tự chủ nhiều hơn, trong đó có tự chủ đề án tuyển sinh. Cùng với đó, những bất cập từ việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH-CĐ ngày càng bộc lộ: Nhiều vùng dịch thí sinh không tham dự được đúng đợt thi; vấn đề khách quan, thực chất của kết quả thi không được đảm bảo do kỳ thi giao về địa phương; và điểm quan trọng là Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh để đề thi đảm bảo mức độ đánh giá học sinh ở mức cơ bản nên các trường có sức cạnh tranh lớn sẽ khó tuyển.

Năm 2021, tình trạng phải dâng điểm chuẩn lên tới 28-30 điểm khiến nhiều trường ĐH-CĐ quyết định thay đổi mạnh mẽ hơn phương thức tuyển sinh năm nay để vừa chủ động, vừa đảm bảo chất lượng. Trong định hướng về thi và tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các phương thức tuyển sinh khác.

Bị rối vì quá nhiều phương thức

“Nhiều phương thức quá, trong khi có những phương thức mới như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy học sinh chưa quen, không biết phải luyện thi thế nào để có cơ hội trúng tuyển”, chị Hoàng Hà, phụ huynh ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

“Đầu năm khi họp phụ huynh lớp 12, chúng tôi đã khuyên các bậc phụ huynh cố gắng đầu tư để con có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên vì trong bối cảnh nhiều phương thức xét tuyển còn rất mới mẻ thì việc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là một sự bảo đảm để học sinh có thể xét tuyển vào đại học”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) cho biết.

Nhiều trường ở Hà Nội cũng cho biết, phải tư vấn cho phụ huynh và học sinh tăng cường tiếng Anh, trong khi các phương thức khác vẫn đang khá mơ hồ. “Vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn tập thi thử theo các bài thi đánh giá năng lực tư duy và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh, con bị quá tải. Nhưng bố mẹ cũng đang khá rối nên chưa biết định hướng cho con thế nào. Vì phương thức nào cũng có rủi ro, nên việc cố gắng tận dụng tất cả các phương thức mang lại sự yên tâm hơn”, chị Hằng Nguyễn, phụ huynh có con học lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng đang muốn con học ĐH Ngoại thương cho biết.

Theo ghi nhận, có những trường có 7-8 nhóm xét tuyển khác nhau, mỗi nhóm áp dụng một phương thức cụ thể. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường dành 85% chỉ tiêu cho 7 nhóm xét tuyển. Trong đó sử dụng cả kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực của 3 cơ sở đào tạo tổ chức kết hợp xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Nhiều trường đại học lớn đặt ra các điều kiện sàng lọc như điểm trung bình học tập ở bậc THPT, điểm một số môn học ở bậc THPT phù hợp với yêu cầu đào tạo… Thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển thì mới tiếp tục được xét tuyển bằng các kết quả thi khác. Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học (ĐH Bách Khoa HN) năm 2021, có tới 67 thí sinh dự tuyển vào trường ĐH Bách khoa HN đạt mức điểm chuẩn vào ngành nhưng đã không được công nhận trúng tuyển chỉ vì không đạt các tiêu chí phụ mà trường đặt ra để sàng lọc. Cụ thể là điều kiện đạt điểm trung bình 6 kỳ học bậc THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải từ 7 trở lên…

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương cũng cho biết, khi công bố phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, mức điểm tiếng Anh đưa ra chỉ là điều kiện nhận hồ sơ, sau đó trường sẽ xét từ trên xuống. Nhưng nhiều thí sinh đã nhầm lẫn, tưởng cứ đạt mức điểm công bố là trúng tuyển. Chính những trường hợp gặp rắc rối năm trước khiến phụ huynh và học sinh lớp 12 năm nay lo lắng khi đứng trước hàng chục phương, không biết ôn tập thế nào để có thể đáp ứng. 

 Đặt ưu tiên cho mình, đọc kỹ điều kiện dự tuyển

TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho biết: Năm 2020- 2021, các cơ sở đào tạo đã áp dụng ba phương thức xét tuyển: Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa trên kết quả học tập THPT (Học bạ) và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Thực chất, năm 2022 chỉ thêm phương thức mới là xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. “Phương thức mới này thực chất cũng dựa trên kiến thức, kỹ năng cơ bản ở bậc THPT. Và các em nên hiểu đây là thêm cơ hội để các em có thể lựa chọn nhằm đạt được mục đích đỗ vào một trường đại học. Thay vì lo lắng, hãy cứ ôn tập thật vững nội dung cơ bản của chương trình THPT”, ông Tùng tư vấn.

Nhưng cũng theo ông Tùng thì từ 4 phương thức trên, mỗi trường sẽ có những quy định rất cụ thể. Vì thế các bạn học sinh cuối cấp cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh và đừng bỏ sót các tiêu chí phụ trong mỗi phương thức, nhóm đối tượng xét tuyển.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, các bạn học sinh cuối cấp cần xác định trước ngành mình muốn học là gì, sau đó mới tìm kiếm các trường đào tạo ngành đó và tìm hiểu đề án tuyển sinh của trường. Trong nhiều phương thức tuyển sinh, các em nên lựa chọn phương thức mà mình có thế mạnh, phù hợp nhất và tập trung hướng ôn tập để đạt yêu cầu. Hoặc có thể sử dụng tất cả các phương thức, nhưng cần xếp ưu tiên để tránh bị quá tải, rối loạn. “Để hạn chế tối đa các sai sót đáng tiếc, thí sinh cần phải chú ý, cẩn trọng ở tất cả các bước, các khâu theo hướng dẫn trong quy trình tuyển sinh. Ví dụ, việc đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển được thực hiện trên hệ thống chung theo quy trình và thời gian quy định, do vậy thí sinh phải thực hiện đúng kế hoạch và thao tác chính xác, đầy đủ quy trình”, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhắn nhủ học sinh sắp bước vào mùa tuyển sinh sắp tới.

 

 TRIỆU ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top