Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đến với "Bảo tàng Tết xưa”​​​​​​​ tìm những trải nghiệm mới

Thứ Hai 17/01/2022 | 09:10 GMT+7

VHO- Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, lần đầu tiên các hoạt động gợi nhớ hương vị Tết xưa đã được tái hiện. Phiên chợ ngày xuân, chơi hoa thủy tiên, trưng bày các loài hoa xuân, tranh ảnh…, đã mang đến một không gian trải nghiệm hương vị truyền thống Tết Việt, đặc biệt ý nghĩa trong những ngày Xuân mới cận kề. Triển lãm “Tết xưa” khai mạc cuối tuần qua tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

 Hoạt động xin chữ tại triển lãm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Tết Nguyên đán của dân tộc là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, đây cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, sum vầy và cùng ôn lại những gì đã trải qua trong một năm; đồng thời cũng là dịp để các thành viên trong gia đình báo hiếu, tri ân công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Thông qua triển lãm, công chúng sẽ hiểu sâu hơn về nghi lễ cổ truyền; có những trải nghiệm và hoài niệm đẹp thông qua các di sản tư liệu quý giá, để những di sản này phát huy giá trị hơn nữa trong đời sống xã hội, góp phần giáo dục và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ quốc gia chia sẻ, đón Tết, vui Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc với những thông điệp nhân văn sâu sắc. Triển lãm “Tết xưa” với mục đích giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam qua tài liệu lưu trữ. Lần đầu tiên, hơn 100 phiên bản tài liệu được lựa chọn từ khối Châu bản triểu Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới và các phông tài liệu tiếng Pháp để trưng bày trong triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Nhiều hoạt động tương tác thú vị của phiên chợ ngày Xuân sẽ được tổ chức song song với Triển lãm nhằm mang lại những trải nghiệm cuốn hút. Hương vị Tết xưa được gợi nhớ qua các nội dung: Phiên chợ ngày Xuân, Cung chúc Tân Xuân, Du Xuân.

Từ lâu, chợ Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đậm dấu ấn truyền thống dân tộc mỗi dịp xuân về. Phiên chợ ngày Xuân là dịp để mọi người cùng được sống trong không khí nhộn nhịp, tươi vui, hối hả, và cùng sắm sửa một cái Tết tươm tất, đủ đầy. Bên cạnh những mảng màu của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chợ Tết có một dư vị rất riêng. Chủ đề Cung chúc Tân Xuân mang đến nhiều cảm xúc về những nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán. Người đi buôn bán hoặc đi làm xa xôi, ai nấy đều trở về nhà sum họp, gọi là Tết đoàn viên. Tết ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp là nghi lễ đầu tiên của Tết cổ truyền. Nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn. Một số nơi có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà. Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ, bắt đầu đón chào những điều mới mẻ trong năm tới. Giao thừa là lễ “tống cựu nghinh tân” với lệ đốt pháo để xua đuổi mọi buồn phiền, mang lại sự giòn giã, vui vẻ. Sáng mồng một Tết, con cháu mừng tuổi, chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu lấy may. Anh em, họ hàng, người thân đến nhà nhau lễ gia tiên và chúc cho nhau những lời hay ý đẹp.

 Những hình ảnh tại triển lãm

Cũng khá thú vị là những cảm xúc du xuân. Mùa xuân là mùa của lễ hội. Từ ngày mồng hai Tết trở đi đến suốt cả tháng Giêng, Hai, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người đi lễ, người du ngoạn, chỗ thi hoa thủy tiên, chỗ thi hoa đăng, hội hè hát xướng... Triển lãm cùng các sự kiện sẽ phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục “Ăn Tết”, “Lễ Tết” và “Chơi Tết”. Ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của dân tộc. Xuân về, Tết đến đều là dịp những giá trị truyền thống được tôn vinh, lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt. Các hoạt động tương tác, tái hiện Tết Việt xưa được đan xen tương ứng trong từng phần Triển lãm. Bánh chưng xanh, cành đào thắm, ông đồ cho chữ,… giúp người xem có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, triển lãm có ý nghĩa đặc biệt trước thềm năm mới, giúp công chúng và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán thay vì trở về quê hương. Những gợi nhớ hương vị Tết xưa cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của thế hệ đương thời, khi tác động của đời sống văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt. Triển lãm vì vậy cũng cho thấy được những nét đẹp văn hóa cổ truyền cần gìn giữ, phát huy.

“Tết xưa” mở cửa từ nay đến 15.3 tại Khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, (số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). 

 Triển lãm có ý nghĩa đặc biệt trước thềm năm mới, giúp công chúng và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán thay vì trở về quê hương.

Những gợi nhớ hương vị Tết xưa cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của thế hệ đương thời, khi tác động của đời sống văn hóa xã hội, hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt…

(Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC)

 

 THẢO AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top