Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mưu sinh trong những ngày cận Tết

Thứ Hai 17/01/2022 | 09:22 GMT+7

VHO-  Nỗi lo làm sao để có một cái Tết no đủ cho gia đình đang là gánh nặng của biết bao thân phận. Những ngày giá rét căm căm, họ vẫn cố gắng lặn lội hàng chục cây số từ các tỉnh lân cận về Hà Nội để mưu sinh. Một đồng thu nhập dù ít ỏi giờ cũng là quý lắm để họ lo cho gia đình đang ở xa.

Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều lao động nghèo không ngại vất vả

Chưa đến năm giờ sáng những ngày mùa đông với cái lạnh thấu xương, trong khi nhiều người vẫn còn đang say giấc trong chiếc chăn ấm thì anh Đoàn Văn Công (32 tuổi, Hưng Yên) phải lên Hà Nội để làm việc. Mặc vội chiếc áo ấm, chẳng kịp ăn uống, anh Công dùng chiếc xe máy cũ, lên đường sớm để kịp tìm việc.

“Chạy đua” với Tết

Làm việc ở Hà Nội hơn chục năm nay, anh Công tâm sự dù vất vả nhưng để đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt, lo cho vợ cùng 2 đứa con cái Tết thì anh chẳng ngại khó khăn. “Tôi không tự trách tại sao cuộc đời lại để cho mình phải “vướng” vào cái nghề khổ. Làm gì cũng được, miễn là hợp pháp, có tiền nuôi con ăn học là mừng”, anh nói. Những ngày cận Tết, ngoài chạy xe ôm, anh nhận thêm việc vận chuyển quất, đào thuê các nhà vườn. Công việc nặng nhọc nhưng tiền công cũng chẳng đáng là bao. “Cây cảnh to gấp đôi người mình, chở đi cho người ta rồi khiêng lên khiêng xuống nhưng tôi cũng chỉ lấy 200.000 – 250.000 đồng. Lấy rẻ tiền công để người ta còn nhớ đến mình, mỗi khi có việc còn gọi. Năng nhặt chặt bị mà”, anh Công cười.

Không may mắn như anh Công, anh Nguyễn Lê Định (37 tuổi, Hà Nam) nhà có tới sáu người. Vợ anh hiện ở dưới quê bán hàng nước cho có đồng ra, đồng vào vì sức khỏe không ổn định, không làm được việc nặng. Mẹ già năm nay cũng đã 80 tuổi. Ba đứa con đều đang tuổi đi học. Vì vậy, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc hết vào đôi vai anh. Theo lời anh Định, hai vợ chồng lên Hà Nội làm ăn từ 10 năm trước. Ban đầu có cả vợ, cả chồng nhưng vì công việc nặng, sức khỏe vợ yếu dần nên phải về quê bán hàng tại nhà cho đỡ vất vả. Còn mình anh trên này chạy dọc, chạy ngang kiếm tiền. “Làm bấy nhiêu cũng chỉ đủ ăn. Sau tôi làm cái nhà vì nhà cũ dột nát quá thì có vay chút tiền. Giờ đang cố làm để trả hết nợ trước Tết rồi lo cho gia đình nữa. Ngày nào cũng đi làm bất kể mưa gió nhưng không phải lúc nào cũng có tiền. Mình lao động tự do, ai thuê gì làm nấy miễn sao được trả công. Trộn bê tông, cửu vạn, đánh cây thuê, chở cây đi… tôi đều làm cả”, anh Công tâm sự.

Chắc có lẽ làm công việc nặng nhọc suốt thời gian dài nên dù mới 37 tuổi nhưng nhìn anh Định chẳng khác nào 50. Mỗi ngày anh cũng đều đi khoảng 60km để lên Hà Nội làm việc. Khi được hỏi sao không thuê trọ ở cho đỡ vất vả, anh bảo không dám thuê vì tiền trọ giờ rẻ cũng 1 triệu, chưa kể tiền điện nước. “Tiền công tôi làm ngày ít thì được hơn 100.000 đồng. Hiếm lắm có ngày được 500.000 đồng. Làm còng cả lưng mới được nhiêu đó nên không dám thuê trọ ở. Chi trả chi phí sinh hoạt, cho con ăn học cũng đủ nhọc. Vậy nên giờ tôi chỉ nghĩ đến làm thế nào để có nhiều việc làm, kiếm tiền. Tết thì ít nhất lo được cho gia đình bữa cơm đầy đủ bánh chưng, thịt”, nói xong anh Định có điện thoại gọi đi làm. Anh chạy một mạch chẳng kịp nói gì vì sợ đến muộn, chủ sẽ thuê người khác.

 

Làm đủ thứ nghề nặng nhọc, những lao động nghèo ở Hà Nội đang mong chờ cái Tết trọn vẹn

Tất cả vì gia đình

Không một lời ca thán, chẳng một lời oán trách tại sao ông Trời không cho mình một cuộc sống bớt cơ cực hơn, những lao động xa quê như anh Công, anh Định chỉ biết tập trung vào làm việc. Không có tiền cũng đồng nghĩa họ không có cái Tết đúng nghĩa. Gia đình cũng vì thế ít nhiều khó khăn hơn.

Những ngày cận Tết mọi năm, việc sẽ nhiều hơn. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động cho biết việc thì cũng có nhưng ít hơn hẳn. Chưa kể, chủ có thuê thì tiền công cũng bị giảm vì thu nhập ai cũng bị ảnh hưởng mấy tháng dịch vừa qua. Chia sẻ về công việc những ngày giáp Tết, ông Trần Quang Tú (45 tuổi, Hòa Bình) cho hay: “Ngày được ngày không nên làm ngày nào biết ngày ý. Những ngày không có ai thuê thì như ngồi trên đống lửa vì Tết thì tới nơi rồi. Tôi còn thuê trọ nữa vì tuổi cũng cao, đi lại nhiều sợ sức không đủ để bám trụ”. Ông nói thêm năm nay sẽ cố ở Thủ đô đến tối 29 Tết để có thêm thu nhập, mua gói quà về cho con cháu: “Mọi năm, chủ thuê người ta thương, có người gửi tôi thêm chút tiền, hộp bánh để về quê. Nhưng năm nay dịch mình không dám phiền người ta, cố gắng ở lại muộn nhất có thể để được đồng nào thì được”.

Vợ ông Tú là bà Lê Thị Thắm cũng theo chồng lên Hà Nội làm thuê. Nhưng lâu nay không có việc, bà phải đi nhặt ve chai. Ông kể bà cố gắng đi nhặt mấy ngày này để trả tiền trọ trước. Mấy hôm nữa gần Tết mong sao có thêm việc với mức thu nhập tốt hơn, rồi mới tính đến chuyện có tiền ăn Tết. “Nhà tôi đi nhặt phế liệu 8 giờ tối mới về. Mỗi ngày cũng được vài chục. Hai vợ chồng vì thế có gói mì, mớ rau ăn cho qua ngày, đoạn tháng”, ông Tú ngậm ngùi. Mưu sinh với lao động nghèo chưa bao giờ là dễ dàng bởi họ phải bán sức mới có tiền nuôi gia đình. Nam giới có sức khỏe thì bốc vác, chở hàng thuê. Nữ giới bữa không có việc thì nhặt phế liệu đem bán, không thì đi trộn vữa… Tất cả đều cố gắng lăn lộn để có tiền về quê ăn Tết, lâu dài hơn là lo cho gia đình nhỏ của mình. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top