Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Kể chuyện đón Tết ở cơ quan Bác Hồ

Thứ Hai 17/01/2022 | 09:59 GMT+7

VHO- Đã hơn nửa thế kỷ, thời khắc giao thừa, đồng bào cả nước không còn được nghe lời Bác Hồ đọc thơ, ngày đầu năm mới không còn được nhìn thấy từng cây xanh Bác tự tay trồng mỗi năm khi mùa Xuân tới. Song dường như mỗi chúng ta còn giữ nguyên trong tâm khảm mình những điều Bác đã nói, những việc Bác đã làm, và nguyện ghi nhớ mãi để mỗi người đều gắng “ Học và làm theo tấm gương của Bác”.

Sinh thời, hàng năm, Bác Hồ luôn nhắc chúng tôi chuẩn bị chương trình cho hai lần đón Tết: Một là ngày Tết Dương lịch, trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Bác rất coi trọng công tác ngoại giao trong đó có văn hóa đối ngoại thông qua một số các hoạt động chào đón năm mới theo thông lệ quốc tế mà việc chuẩn bị thiệp chúc Tết của Bác. Hai là, ngày Tết âm lịch theo truyền thống người Việt ta, Bác nhắc Văn phòng từ rất sớm sắp xếp chương trình làm sao để Bác có thể đi thăm và chúc tết được nhiều đồng bào chiến sỹ, thăm các địa phương…Ông Cù Văn Chước (1928-2007) một cán bộ có 14 năm(1956-1969) liên tục làm việc tại cơ quan CQ.41A Phủ Thủ tướng – tên gọi của cơ quan Bác Hồ khi đó, sau này là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh những năm 1990-1997 đã mở đầu câu chuyện năm xưa cơ quan Bác Hồ đón Tết như thế nào khi nói chuyện với chúng tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ cơ quan Văn phòng Chủ tịch phủ và Đài Tiếng nói Việt Nam sau buổi ghi âm đọc thư chúc Tết Xuân Đinh Dậu 1969. Trong ảnh: Đồng chí  Cù Văn Chước hàng đứng đầu tiên bên phải sang

Ông Chước kể rằng: Điều kiện những năm 1960, kỹ thuật in các ấn phẩm văn hóa chất lượng cao ở ta chỉ có rất ít cơ sở có thể làm được, lại thêm chiến tranh, giao thông khó khăn nên hàng năm việc chuẩn bị thiếp chúc Tết thường bắt đầu từ nửa sau của tháng 11 dương lịch. Anh Vũ Kỳ (1921-2005), Chánh Văn phòng Chủ tịch Phủ, Thư ký của Bác, phụ trách đơn vị nhắc chúng tôi chọn những ảnh tiêu biểu trong số các ảnh mẫu hoa lá, phong cảnh đẹp của Việt Nam do chính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện để in thiệp chúc tết của Bác. Chúng tôi chọn kỹ và thường chỉ lấy vài ba mẫu ảnh hoặc là cành hoa đào đẹp chúm chím nụ đón xuân, hoặc  bông hoa hồng nhung khoe sắc đỏ thắm, hay cảnh đẹp Việt Nam… gắn với mùa Xuân theo tâm thức người Việt trình lên để Bác trực tiếp chọn. Cẩn thận, Bác Hồ còn gửi đến một số các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng chí phụ trách văn, xã để xin ý kiến rồi mới cho đưa in. Khoảng trên dưới 10 ngày trước Tết dương lịch, thiệp và thơ chúc Tết có chữ ký của Bác đã được lần lượt gửi tới các vị lãnh đạo các nước, các cơ quan ngoại giao, những bạn bè quốc tế và một số đoàn thể xã hội, các cá nhân…Ngày Tết dương lịch, theo lệ thường, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp các đoàn ngoại giao, đại biểu các ban, ngành, và các tầng lớp nhân dân đến thăm và chúc mừng năm mới. Chỉ trong ngày đó thôi, có khi ngay buổi chiều ngày đầu năm Bác Hồ đã làm việc, có tết dương lịch Bác đi thăm địa phương từ sáng sớm…   

Tiếp đó, Tết Âm lịch “ập đến”, Bác lo “việc Tết” từ sớm. Biết đồng bào cả nước và kiều bào chờ đón nghe lời thơ chúc Tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lúc giao thừa, Bác đã chủ động chuẩn bị kỹ. Người tự mình soạn thảo thơ chúc Tết rồi tranh thủ xin ý kiến đóng góp, sửa chữa của các đồng chí lãnh đạo đồng thời cũng là “bạn thơ“ của Bác như nhà thơ Sóng Hồng (đ/c Trường Chinh), nhà thơ Tố Hữu…Năm nào cũng vậy, trước  cả tuần, cơ quan chúng tôi đã được Bác cho “ăn Tết”. Hôm đó thật sự “vui như Tết” vì không chỉ được ăn ngon mà còn có cả những món được chế biến từ cá trong ao trước nhà sàn Bác cho thả, đều đặn sau giờ làm việc buổi chiều Bác cho cá ăn, thịt gà “tự túc” của anh em cơ quan nuôi góp vào bữa liên hoan chung…Không khí nhộn nhịp, chúng tôi được cùng Bác chào đón khách các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Mặt trận, đại diện các đơn vị bảo vệ, công an vũ trang…đến tham dự “cỗ Tết” Bác mời, ai ai cũng  vui. Mỗi năm một lần, tất cả được vây quanh Bác, ấm cúng và vui vẻ như trong một gia đình, có năm còn được chụp ảnh với Bác. Bác cho ăn tết sớm vì đúng ngày Tết âm lịch, Bác đi thăm chúc tết động viên các cơ quan, các đơn vị bộ đội, nhân dân các địa phương, …Hàng tuần trước tết, việc ghi âm lời Bác đọc thư chúc Tết được chuẩn bị khẩn trương và hoàn tất sớm. Bác còn nhắc chuẩn bị quà Tết thăm hỏi các gia đình lão thành cách mạng, cho mời một số gia đình các đồng chí cán bộ đang công tác ở chiến trường miền Nam, gia đình các đồng chí lãnh đạo đã từ trần, các cháu dũng sỹ miền Nam…đến ăn cơm thân mật đón Tết. Bác trích tiền tiết kiệm được từ lương gửi về biếu một vài người thân cao tuổi trong họ ở quê. Lịch thăm Tết của Bác được chuẩn bị và trình duyệt sớm. Mọi việc đều được xem xét kỹ lưỡng, lập kế hoạch phối hợp các địa phương, đơn vị Bác sẽ đến thăm sao cho thật an toàn, chu đáo,tạo được niềm vui phấn khởi.  

Như để chi tiết, ông Chước nhắc nhớ: Thời gian cuối, từ năm 1967, Bác Hồ bị bệnh phổi có thời gian phải đi điều trị tận Quảng Châu. Trở về Hà Nội ngày 23.12.1967, lo bệnh ảnh hưởng đến giọng đọc, không muốn để đồng bào lo lắng, Bác nhắc tổ chức ghi âm lời đọc thư chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước sớm hơn mọi năm. Đối chiếu sách Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử tập 10 (1967-1969) ghi: Ngày 28.12.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc để ghi âm Thư chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp Tết Mậu Thân. Ba ngày sau, vào lúc 8g30 ngày 31.12.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và ghi âm lại lời chúc Tết tại Phủ Chủ tịch. Cũng trong ba ngày đó, Bác chủ trì Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược Tổng tấn công và nổi dậy đầu năm 1968 nhằm: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định", họp Hội đồng Chính phủ, làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương, Nguyễn Cơ Thạch… Bác cùng Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng dự lễ kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến và ngày thành lập Quân đội, tiếp các đoàn đại biểu quốc tế đến Việt Nam…Trong những ngày từ 23 đến 31.12.1967, đều đặn hàng ngày y tá đều đến tiêm và đưa thuốc uống cho Bác. Thời khắc giao thừa, đêm 29.1.1968, hòa trong tiếng pháo nổ báo hiệu cuộc tổng tấn công và nổi dậy của đồng bào miền Nam, đất trời vang vọng lời Bác đọc thơ Tết: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Gần đến Tết dương lịch năm 1969, Bác Hồ vẫn làm việc liên tục: Tham gia các phiên họp Bộ Chính trị, phiên họp đầu năm của Hội đồng Chính phủ, hoàn thành bài viết nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3.2, bài báo “ Tết trồng cây”, bàn về công tác bồi dưỡng, nêu gương và xuất bản sách“ Người tốt - việc tốt”, tiếp đại biểu kiều bào Pháp và các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, từng ngày, từng giờ Người theo dõi diễn biến của Hội nghị Paris….Trời trở lạnh, Bác Hồ tự biết thanh quản của mình bị ảnh hưởng, giọng nói bị yếu đi nhiều. Bác sỹ Trần Hữu Tước chuyên gia đầu ngành tai-mũi-họng Việt Nam được mời đến điều trị. Suốt cả tháng trời, Bác đã có sự cố gắng phi thường, cương quyết và kiên trì tập luyện. Ngày mỗi ngày, phải chấm thuốc, phải tập dây thanh. Ít ai biết khi đó, theo hướng dẫn của chuyên môn có những từ Bác Hồ phải tập đi, tập lại rất nhiều lần mới phát âm rõ lời được. Thực sự là thử thách khi Bác đã 79 tuổi, trọn cuộc đời Người đã trải biết bao gian khó, gần nửa thế kỷ vừa phải lao động tự kiếm sống, để vừa tự học, vừa hoạt động cách mạng nhất là những năm ở Châu Âu, mùa đông đến, lạnh thấu xương, quá sức chịu đựng của người từ châu Á đến. Ba cái tết âm lịch, Bác phải chịu cảnh tù đày của thực dân Anh, quân đội Tưởng, tám Tết dân tộc Bác ở căn cứ địa trong núi rừng Việt Bắc lãnh đạo cách mạng, kháng chiến trường kỳ gian khổ…Ông Chước nhớ lại.

Chỉ còn ba tuần nữa là tới Tết Đinh Dậu 1969, từ ngày 27.1, Bác Hồ đã chủ động đề nghị với bác sỹ điều trị tích cực hơn. Thật may, còn 10 ngày nữa là Tết, sáng ngày 6.2.1969, khi Giám đốc Trần Lâm cùng các cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam đến phòng khách nhỏ của Phủ Chủ tịch, trước máy ghi âm, Bác Hồ đã đọc to và rõ lời chúc mừng năm mới như muốn gửi gắm trọn vẹn những tình cảm yêu thương của Người đến toàn Đảng, toàn dân ta.  Khi Bác đọc xong, mọi người đều xúc động. Như để chia vui, Bác vừa nói chuyện vui vừa rút từng bông hoa hồng trong lọ hoa trên bàn rồi lần lượt tặng từng người. Bác sỹ Trần Hữu Tước không có mặt, sau vài hôm thì được Bác Hồ giành tặng một giò phong lan nở hoa rất đẹp trong vườn nhà Bác. Tết âm lịch năm đó, đồng bào cả nước và kiều bào ta đón nghe lời Bác chúc Tết đầy hân hoan, xúc động. Chẳng ai biết, Bác đã cố gắng rất nhiều và cũng không ai có thể nghĩ đó là mùa xuân cuối cùng của Người.   

Ngày 16.2.1969, mùng một Tết Đinh Dậu, Bác Hồ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Phạm Kiệt... thăm và chúc Tết cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân tại sân bay Bạch Mai - Hà Nội. Tiếp đó, Người chủ động chọn đi thăm, chúc Tết trồng cây khai xuân trên đồi Ðồng Váng với nhân dân thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì. Chúng tôi vinh dự được tháp tùng Bác chuyến đi này. Ngày Tết được đón Bác về thăm, nhân dân địa phương phấn khởi tập trung chào đón Bác rất đông. Quà tết tặng Người hôm đó là chút nông sản ở địa phương. Tôi nhớ có cả những lá thuốc hút được phơi khô mềm mại ánh màu vàng rất đẹp. Bà con không biết rằng, để bảo vệ sức khỏe, theo khuyến nghị của bác sỹ, Bác Hồ đã không hút thuốc từ năm 1966. Bác nói chuyện thăm hỏi chúc Tết bà con rồi cùng đi trồng cây. Mọi việc xong xuôi, tất cả ngồi vây quanh Bác nói chuyện ngay trên đồi.Để tránh làm phiền đến địa phương, đến giờ nghỉ ăn trưa, cả đoàn ăn cơm với Bác. Cơm canh hôm đó do anh em phục vụ trong cơ quan của Bác chuẩn bị mang theo từ Hà Nội và bao giờ cũng có bát súp rau được giữ nóng trong chiếc phích nhỏ. Bác ngả lưng trên chiếc giường xếp nhỏ mang theo, che nắng bằng những tấm vải nhỏ. Trời đã ấm dần, Bác nghỉ thật yên bình, thư thái.

Đã hơn sáu mươi năm trôi qua, những cây xanh Bác trồng trong ngày “Tết trồng cây” do chính Người phát động từ năm 1959, nay vẫn được con cháu của Người chăm sóc, gìn giữ để mãi tỏa bóng mát. Bác nhắc nhớ trồng cây vừa để có gỗ làm nhà, chống lò sản xuất than, làm hầm trú ẩn...và bảo vệ trái đất mãi xanh tươi. Lời Bác dặn dò năm xưa, nay vẫn như muôn vạn tình thương yêu của Bác để lại cho các cháu con, cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta hôm nay.   

                                                                         Cù Văn Chước kể

                                                                     Nguyễn Thị Thu Hà ghi

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top