Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khám phá Động Hồ Công- " động đẹp nhât trong ba mươi sáu động ở phương Nam"

Thứ Hai 17/01/2022 | 19:16 GMT+7

VHO- Động Hồ Công nằm trên ngọn núi Vân Đài, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một danh thắng nổi tiếng được nhiều sách vở xưa ghi chép, ca ngợi là: “Động đẹp nhất trong 36 động ở phương Nam”. Nơi đây còn lưu nhiều vết tích của các vua Lê, chúa Trịnh cùng biết bao nhiêu các bậc tao nhân mặc khách đến vãn cảnh. Trong động còn được khắc nhiều bài thơ bằng chữ Hán của các vị vua như Lê Thánh Tông, chúa Trịnh Sâm, hiện nay trên vách động còn khoảng 18 bài thơ chữ Hán còn được khắc trên vách động. Bên ngoài động có phiến đá lớn khắc bốn chữ “Thanh kì khả ái” của chúa Trịnh Sâm ca ngợi mảnh đất xứ Thanh tươi đẹp đáng yêu.

         

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, đi ngược lên phía tây theo quốc lộ 45 hoặc quốc lộ 217 để đến huyện Vĩnh Lộc của tỉnh Thanh Hóa.  Nơi đây, vào năm 1397,  Hồ Quý Li đã cho xây dựng  thành Tây Đô, một tòa thành bằng đá nổi tiếng trong nghệ thuật kiến trúc quân sự Việt Nam. Thành nhà Hồ, hay còn gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Giai đã tồn tại đến ngày nay với hơn 600 năm lịch sử. Thành nhà Hồ được học giả Pháp – Louis Beraaer đánh giá là một công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất quân sự nước ta, một công trình đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam trước đây.

Ngoài kiến trúc thành đá nhà Hồ ra, tại huyện Vĩnh Lộc còn có rất nhiều những di tích nổi tiếng như phủ Trịnh ở xã Vĩnh Thịnh, đền thờ Trần Khát Chân, miếu thờ nàng Đình Khương, đàn Nam Giao, động Hồ Công – chùa Du Anh, động Kim Sơn… Những di tích lịch sử văn hóa này đã đem lại cho địa phương này một giá trị văn hóa độc đáo.

Quanh khu vực thành Tây Đô có nhiều di tích với nhiều di văn Hán Nôm với nhiều bút tích nổi tiếng của các nhân vật lịch sử, các hoàng đế, các vị đại thần,…Nhưng chúng tôi không đi vào tất cả các di tích trên mà chỉ tập trung vào một di tích cụ thể, đó là di văn Hán Nôm tại Động Hồ Công – chùa Du Anh. Bởi vì đây là một di tích độc đáo mà còn số lượng di văn Hán Nôm phong phú của nhiều tác giả nổi tiếng.

Động Hồ Công – chùa Du Anh là một di tích độc đáo. Chùa nằm ở phía dưới núi Xuân Đài, trên núi có động đá sâu hun hút, trên những vách động có nhiều bút tích của các vua chúa, các Nho sĩ quan lại của nước ta qua nhiều thời kì.

Động Hồ Công gắn liền với huyền thoại Hồ Công Long và Phí Trường Phòng. Truyền thuyết kể lại rằng: Hồ Công Long là một vị tiên phong đạo cốt, có tài và luôn giúp người hoạn nạn. Ông có một quả bầu. Trong quả bầu là một thế giới thần tiên. Ai được Hồ Công Long cho vào quả bầu Tiên của ông đều cảm thấy cuộc sống như là thế giới thần tiên. Phí Trường Phòng là một chàng trai có cái may mắn được vào thế giới thần tiên để học phép tiên. Khi thành tài Trường Phòng xin về thăm nhà, được Hồ Công Long đưa cho chiếc gậy trúc, cưỡi lên thì biến thành con rồng bay đi. Truyện dân gian Thanh Hoá còn kể thêm việc Phí Trường Phòng bay sang nước ta, đến núi Xuân Đi ở trong động Hồ Công luyện thuốc.

Theo sách Đồng Khánh địa dư chí cho biết: “…mạch núi từ núi Hí Mã kéo đến. Sông Mã phía đông, sông Bảo uốn quanh phía bắc. Trên núi có động, trong động có thạch nhũ màu đỏ tươi. Lại có hang đá quanh co hơn 10 trượng có thể đi lại được. Trong động giống như một chiếc giếng đá không biết đu là đáy. Cửa động có 2 tượng hình người bằng đá. Tương truyền đó là tượng của Hồ Công và Phí Trường Phòng. Người xưa nói rằng 30 động trời Nam thì động Hồ Công là đệ nhất”.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “…Một ngọn núi ở phía Nam có động Hồ Công, ngoài động có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi” trong động, thạch nhũ ở trong động sắc đỏ; lại có hang đá quanh co dài hơn 10 trượng, có thể đi vào được, chỗ tận cùng có giếng đá, sâu không cùng; cửa động có hai tượng đá, tương truyền là của Hồ Công và Phí Trường Phòng. Có thuyết nói là về đời Trần có một đạo sĩ cùng Trịnh đồng tử người ở Thiên Vực từng mang hồ vào ở trong động, sau người ta tạc tượng để ghi. Vua Lê Thánh Tông đến chơi, có thơ đề khắc ở đá. Ngoài ra còn khắc nhiều bài đề vịnh của danh nhân. Người xưa từng nói: ba mươi sáu động phương Nam, động Hồ Công là đẹp nhất”.

Theo Phan Huy Chú cho biết: “ động Hồ Công ở xã Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc, trong động có dấu tích cũ của Phí Trường Phòng. Động này có mấy lần núi cao, trước mặt có sông dài, phong cảnh âm u vắng vẻ và tao nhã”.

Chính vì động Hồ Công cảnh đẹp rất nổi tiếng, nên đã khiến cho các bậc tao nhân mặc khách lạc bước tới thăm. Cũng là nguồn đề tài cho nhiều danh nho đăng cao lãm cảnh, xướng họa thơ văn khi có dịp ghé thăm. Đề tài non nước, đăng cao cũng là một đề tài quen thuộc của nhiều nhà Nho. Dấu chân muốn đi xa muôn dặm, đưa tầm mắt đến vô cùng. Hay đăng cao để thỏa chí bình sinh trông ra tứ phía. Tráng chí nam nhi đại trượng phu đã để lại những bút tích của mình khi đến thăm động.  Để cho thế hệ hôm nay trông về quá khứ, và để cho những nỗi niềm tâm sự của các vị tiền nhân đã gửi lại nơi non xanh nước biếc này những áng văn thơ thi vị miêu tả cảnh đẹp của non sông đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị của danh thắng là việc làm cần thiết để không phụ những tấm lòng của các bậc tiền nhân đã để lại lưu bút nơi đây. Cũng là để  ước mong tạo một nhịp cầu gắn kết đời xưa và đời nay trong một đồng cảm về tâm thức  khỏi phụ những tấm lòng đã gửi vào thiên cổ.

 

 

NGUYỄN HUY KHUYẾN

Khoa Đông Phương học – Đại học Đà Lạt

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top