Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhiều địa phương có quy định mới về phòng, chống dịch: Bộ Y tế cần chấn chỉnh

Thứ Tư 19/01/2022 | 09:55 GMT+7

VHO- Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhiều người làm ăn xa đang lo lắng có thể không được về quê ăn Tết bởi những quy định, thủ tục, giấy tờ để về quê; có người đã phải dừng làm việc sớm để về quê kịp cách ly trước Tết…

 Các địa phương cần bỏ những quy định không cần thiết, tạo điều kiện để bà con về quê ăn Tết

Dù không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng mỗi địa phương lại có các quy định chống dịch khác nhau. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế gây khó dễ cho người dân về quê. Trong khi đó nhiều tỉnh lại nới lỏng, yêu cầu chỉ cần khai báo y tế và đảm bảo 5K, khuyến khích thông thương hàng hóa…

Bà Lê Thị Vân (Thanh Hóa) ra chơi với con hơn một tháng nay, định đến Tết sẽ về cùng con, nhưng nghe tin TP Thanh Hóa không khuyến khích người dân về quê ăn Tết nên bà vội vàng phải về ngay. Còn anh Trần Văn Tới (Hưng Yên) làm nghề thợ xây cũng nhất quyết chỉ làm hết tuần này để kịp về quê nhỡ bị cách ly 7 ngày. Anh cho biết, dù chủ nhà cũng đang xây dựng gấp rút và sẵn sàng trả tiền công gấp rưỡi nhưng anh từ chối vì cả năm có một cái Tết, về muộn bị cách ly, không đi lại, không chuẩn bị được cho gia đình. Tương tự, chị Phan Thị Hạnh (quê ở Thanh Chương, Nghệ An) đang trông giữ cháu cho người họ hàng cũng đột ngột thông báo mấy ngày nữa sẽ ra tàu xe về quê. Hỏi lý do thì được biết, không về sớm bị cách ly thì hết Tết.

Đây là những người lao động tự do. Còn những người làm việc trong môi trường có hợp đồng lao động đều mang tâm lý thấp thỏm, âu lo vì có thể sẽ không được về quê ăn Tết bởi quy địch cách ly 7 ngày ở địa phương, hết cách ly thì hết Tết, như vậy về quê có ý nghĩa gì… Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch mới đây, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Như vậy, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly với người về quê ăn Tết. Tuy nhiên, hiện mỗi tỉnh có cách làm “lỏng”, “chặt” khác nhau, theo đó nhiều tỉnh, thành phố vẫn đưa ra những quy định khác nhau đối với người dân về từ vùng dịch.

Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống của người dân Việt Nam, dù có đi đâu, làm gì cũng đều thu xếp để trở về quê hương, với bố mẹ, gia đình, dòng tộc… Thế nhưng những quy định phòng, chống dịch nêu trên đang là rào cản để họ trở về. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc hạn chế, ngăn cản hoặc gây khó dễ cho những người di chuyển từ nơi này đến đến nơi khác hay về quê ăn Tết là chậm thích ứng với tình hình phòng, chống dịch hiện nay, thậm chí là vi phạm pháp luật, đi ngược với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc hạn chế này chỉ thích hợp với phương pháp phòng, chống dịch trước kia là chính sách “Zero Covid”. Hiện nay, đặc điểm của chủng mới là lây lan nhanh, nhưng hầu hết là triệu chứng, biểu hiện nhẹ. Trong khi đó, khoảng 70% dân số đã được tiêm đủ mũi vắc xin, từ 18 tuổi trở lên tỷ lệ tiêm là 80%- 90% thì khả năng biến chứng nặng của bệnh giảm đi. “Trên tinh thần ấy cộng với kinh nghiệm tổ chức thu dung những ca bệnh nhẹ, không triệu chứng đã được cách ly, điều trị tại nhà thì khả năng gây quá tải cho ngành y tế địa phương đã giảm đi rất nhiều. Vì vậy không đến mức độ lo có nhiều người nhiễm mà phải “ngăn sông, cấm chợ”, đóng cửa hàng hoặc không bán tại chỗ, phải cách ly nằm nhà 1 - 2 tuần, áp dụng xét nghiệm nhiều lần. Điều này là không cần thiết”, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội khẳng định.

Bộ Y tế cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 128/ NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch, việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; Kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xẩy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với chức năng của mình, Bộ Y tế cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, ví như cần “tuýt còi” các địa phương đưa ra những quy định không đúng. Đồng thời, cần có hướng dẫn rõ ràng, khuyến khích các tỉnh, thành tạo điều kiện cho bà con về quê ăn Tết. 

 Việc hạn chế, ngăn cản hoặc gây khó dễ cho những người di chuyển từ nơi này đến đến nơi khác hay về quê ăn Tết là chậm thích ứng với tình hình phòng, chống dịch hiện nay, thậm chí là vi phạm pháp luật, đi ngược với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc hạn chế này chỉ thích hợp với phương pháp phòng, chống dịch trước kia là chính sách “Zero Covid".

(Ông NGUYỄN VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội)

 

Đã có hơn 20 tnh, thành ra yêu cu...

Trong bối cảnh số ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng tăng cao, nhiều địa phương có thêm một số quy định nhằm đảm bảo an toàn để người dân vui đón Xuân mới Nhâm Dần. Đơn cử, Bắc Ninh yêu cầu những người đi, về giữa các địa phương có dịch ở cấp độ 3, 4 chủ động tự xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ninh Bình, đối với người về từ vùng dịch cấp độ 4 (màu đỏ), nếu tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã qua thời gian theo dõi sau điều trị Covid-19, yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục cách ly tại nhà, nơi lưu trú thêm 7 ngày; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR ít nhất 3 lần vào ngày 1, 7 và 14 trong toàn bộ giai đoạn cách ly hoặc ngay khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19...

Tỉnh Thái Bình quy định những người đến từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đến tỉnh vào ngày thứ nhất. Những trường hợp phải cách ly y tế 7 ngày tại Thái Bình gồm những người đến, về địa phương từ địa bàn có dịch hoặc vùng cách ly y tế. Những người này tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 1 và 7... Nghệ An khuyến khích người dân thực hiện xét nghiệm, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương. Thừa Thiên Huế yêu cầu tất cả người dân khi đến hoặc trở về địa bàn tỉnh tự theo dõi sức khỏe tối thiểu 7 ngày và khuyến cáo tự test nhanh kháng nguyên sau 48-72 giờ về địa phương. Cho đến nay, theo thống kê sơ bộ có hơn 20 tỉnh, thành yêu cầu người dân và khuyến khích người dân xét nghiệm phòng ngừa Covid-19 trước khi về quê.

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top