Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026: Cần thành lập Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh ở các nước

Thứ Sáu 21/01/2022 | 08:16 GMT+7

VHO- Quảng bá bản sắc văn hóa và mở cửa tiếp nhận có chọn lọc văn hóa bên ngoài đang là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này. Sắp tới, các hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam cần tiếp tục được tăng cường, tập trung vào những hoạt động lớn, mang tính chính thức do nhà nước tổ chức, và cũng không nên xem nhẹ những hoạt động có tính “tiểu ngạch” nhưng hiệu quả thì không hề nhỏ .

 Chủ tịch Hồ Chí Minh được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Indonesia năm 1959 Ảnh tư liệu: TTXVN

 Nhiều nước đã sử dụng thành công những định chế phi lợi nhuận trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử… để qua đó quảng bá và giao lưu văn hóa. Nhìn sang nước gần với chúng ta là Trung Quốc, những năm gần đây, nước này đã không ngừng tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá văn hóa ra thế giới với rất nhiều hoạt động khác nhau, trong đó đáng chú ý là các “Viện Khổng Tử”.

Là đầu mối giao lưu - kết nối văn hóa, giáo dục, nghệ thuật…

Ra đời từ năm 2004, Viện Khổng Tử không ngừng được nhân rộng trên thế giới, mà dường như “độ phủ” của Viện Khổng Tử càng rộng thì người ta lại càng thấy tầm ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc càng rộng, bởi lẽ, nói đến Viện Khổng Tử là người ta nghĩ ngay đến ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa. Mà mục đích chính được công bố của những viện này cũng là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa của đất nước hơn 1 tỉ dân này. Hiện tại, đã có hơn 500 Viện Khổng Tử có mặt ở khắp nơi trên thế giới, nó có thể tồn tại với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập hoặc trực thuộc vào một trường học nào đó.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh hiện tại, nên làm sao cho hoạt động quảng bá và giao lưu văn hóa được hiệu quả hơn. Cần thành lập những trung tâm văn hóa mang dấu ấn Việt Nam, với cái tên mang dấu ấn Việt Nam và gây được sự chú ý đối với thế giới. Là Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ cách mạng Việt Nam, với tư tưởng là sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thế giới, trong lịch sử đương đại Việt Nam thì từ lâu tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn liền với dân tộc Việt Nam. Vì thế, cần thành lập ở các nước đối tác các “Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh” trong khuôn khổ chính sách ngoại giao văn hóa.

Những Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh trước tiên sẽ là nơi để giảng dạy tiếng Việt cho con em các thế hệ người Việt ở hải ngoại, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa (triển lãm, ca hát…) giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, và cũng là nơi để đón các đoàn nước sở tại đến biểu diễn giao lưu văn hóa, hoặc là nơi để người Việt học ngôn ngữ và văn hóa của nước sở tại. Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh cũng sẽ là đầu mối kết nối giữa các trường đại học của Việt Nam và các trường đại học của nước sở tại trong việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa của nhau, kết nối để hình thành các cơ sở Việt Nam học ở các nước.

Ngoài ra, Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh cũng là cơ quan chịu trách nhiệm liên lạc, kết nối với các địa phương của nước sở tại để đưa các nghệ nhân - nghệ sĩ của Việt Nam sang biểu diễn, hay tổ chức triển lãm về đất nước và con người Việt Nam... Tức là, các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam không chỉ tập trung ở các lễ hội lớn chính thức của nhà nước Việt Nam, mà nên chú trọng nhiều hơn đến việc giao lưu ở các địa phương của các nước, bản sắc văn hóa Việt Nam qua đó sẽ được phổ biến sâu và rộng hơn. Trung tâm văn hóa Hồ Chí Minh cũng có thể kết nối mời phía bạn sang Việt Nam biểu diễn hay tổ chức triển lãm về đất nước và con người của bạn (có thể chính thức cấp nhà nước hoặc giao lưu ở các cơ sở văn hóa nghệ thuật hay trường học ở Việt Nam).

Du học sinh và lao động xuất khẩu

Du học sinh cũng là lực lượng quan trọng trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Du học sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu ở rất nhiều chuyên ngành khác nhau ở nhiều nước khác nhau. Họ giỏi ngôn ngữ của nước sở tại, họ tìm hiểu ngày càng sâu về văn hóa nước sở tại; họ đi học chung và có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những người học đến từ nhiều nơi trên thế giới. Như vậy, đó là một môi trường rất lý tưởng để du học sinh Việt Nam có thể quảng bá về văn hóa và con người Việt Nam.

Xác định được vai trò quan trọng của du học sinh trong chính sách ngoại giao văn hóa sẽ giúp chúng ta xây dựng những kế hoạch tương xứng. Du học sinh Việt Nam không chỉ ra nước ngoài để học tập những tri thức, kinh nghiệm từ phía bạn, mà còn nhân đó giới thiệu với bạn về bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi thế, những người chuẩn bị đi du học cần được quán triệt đầy đủ về vai trò quan trọng này.

Đối với những người thuộc thành phần xuất khẩu lao động, nhiệm vụ quảng bá văn hóa Việt Nam cũng cần được chú ý. Lực lượng này bên cạnh việc tìm thu nhập, còn có thể học tập kinh nghiệm trong lao động ở nước bạn để khi về sẽ mang những kinh nghiệm đó góp phần phát triển quê hương. Nhưng bên cạnh đó, vai trò văn hóa của họ không hề nhỏ, và bấy lâu nay vai trò văn hóa này chưa được quan tâm. Người Việt Nam đến lao động ở nước ngoài, ngoài tiếp xúc với những người cùng đơn vị, thì trong cuộc sống còn tiếp xúc với người bản địa và sống trong văn hóa bản địa. Dù muốn hay không, thì trong bối cảnh đó, họ cũng trở thành “cửa sổ văn hóa” để người khác nhìn vào. Và như thế, lao động Việt Nam sẽ tạo ra hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trên cơ sở đó, thiết nghĩ, trong hành trang của người chuẩn bị được xuất khẩu lao động cần có bản sắc văn hóa dân tộc. Họ cần được hiểu rõ vai trò văn hóa quan trọng của mình. Những cơ sở có người sắp xuất khẩu lao động cần mở những buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề để các chuyên gia văn hóa đến nói chuyện một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu nhất về tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa Việt Nam. Có được ý thức như vậy, thì người lao động Việt Nam sẽ cố gắng có những biểu hiện, hoạt động phù hợp nhằm góp phần tạo hình ảnh đẹp của Việt Nam. Và công việc quảng bá văn hóa không chỉ có những chuyện to lớn mà đôi khi đơn giản là ca một câu vọng cổ, một điệu chèo, một câu hò… 

 TS LÊ HỒNG PHƯỚC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top