Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Mường Lò níu bước chân người

Chủ Nhật 23/01/2022 | 16:34 GMT+7

VHO-  Mường Lò mùa nào cũng đẹp, đặc biệt khi mùa xuân đến cả thị xã như khoác lên mình tấm áo mới mơn mởn sức sống, tràn đầy tình xuân. Cây cối đâm chồi nảy lộc, đánh thức nụ đào khoe sắc thắm bên dòng Nậm Thia quanh co, hiền hòa. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, Mường Lò còn níu lòng người bởi sự hồn hậu, ấm nồng trong bản sắc văn hóa, đời sống cộng đồng. Bởi vậy, ai đã một lần đặt chân đến nơi đây mùa xuân hẳn sẽ không thể nào quên.  

   

   Phụ nữ Thái Mường Lò thể hiện sự khéo léo, đảm đang của mình qua cách gói bánh chưng ngày Tết      

Trong sương mỏng xuân thì, theo dòng người tấp nập chúng tôi háo hức ngược vào Mường Lò để một lần được hít hà, hòa mình vào không khí tết của thị xã miền núi, nơi được mệnh danh là vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc. Đã hẹn, đoàn đến thẳng nhà chị Lường Thị Hải ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi. Vừa nghe thấy tiếng xe đỗ trước cổng chị Hải đã vội ra đón tay bắt mặt mừng. Chị kể, mấy hôm nghe tin chúng tôi sẽ đến thăm, cả gia đình cứ khấp khởi mong chờ, chỉ lo đoàn lại lỡ hẹn như mấy bận. Sự nhiệt tình, thân thiện của chị Hải và gia đình khiến cho mấy người bạn trong đoàn từ xuôi lên ai cũng ấn tượng.

Cảnh đẹp ở Mường Lò hấp dẫn du khách

May mắn, chúng tôi đến đúng dịp gia đình đang chuẩn bị gói bánh chưng tết. Cả 4 thế hệ gia đình chị Hải cùng quây quần bên bếp lửa hồng. Tay gói bánh thuần thục, nhuần nhuyễn, bà Hoàng Thị Loan mẹ chồng chị Hải giải thích: “Ngày tết người Thái cũng gói bánh chưng, bánh chưng của chúng tôi là bánh chưng đen để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Màu đen của bánh được làm từ bột than cây núc nác. Cây núc nác vừa là vị thuốc vừa là món ăn quen thuộc trong ẩm thực mà người Thái yêu thích. Núc nác mang về được tước vỏ, phơi khô, đốt thành than. Sau đó giã than mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, làm bánh mới ngon”. Thấy ai nấy chăm chú lắng nghe, thích thú muốn tìm hiểu thêm về phong tục ngày tết của người Thái Mường Lò, bà Loan nhiệt tình giải thích thêm. Chiều 30 tết, người Thái rất coi trọng tục gội đầu với quan niệm rửa trôi những vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước, đồng thời, mong cầu sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn thuận lợi. Sau lễ cúng đêm giao thừa, người Thái Mường Lò thường nổi cồng, chiêng rộn vang khắp bản đón chào năm mới. Sáng mùng 1 tết, đồng bào lại chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất để cúng tổ tiên cả nhà chồng và nhà vợ. Ngày đầu năm mới, người Thái kiêng kỵ vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà.

Những món đặc sản gây thương nhớ cho du khách khi đến  Mường Lò

Sương dần buông, bên bếp lửa bập bùng, nồi bánh chưng sôi sùng sục, mọi người bắt đầu rôm rả các câu chuyện vui buồn, từng làn khói bay lên hòa quyện với mùi vị đặc trưng của hương nếp Mường Lò, lá dong xanh thật đầm ấm. Những câu chuyện về phong tục, tập quán, về văn hóa đón tết của người Thái Mường Lò được truyền lại, tình thân được gắn kết bền chặt hơn. Chợt bài nhạc “Đêm Mường Lò” vang lên, anh Điêu Hoàng Thái chồng chị Hải cất giọng sang sảng: “Múa xòe thôi nào mọi người ơi, năm nay xòe của người Thái mình còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mình phải ăn mừng, phải xòe thật nhiều chứ”. Và rồi chẳng ai bảo ai, tất cả cùng hòa vào vòng xòe, không phân biệt khách, chủ, tay trong tay, hòa nhịp vũ điệu, chân bước rộn ràng theo điệu nhạc, cùng nhau cười vui quên hết mệt nhọc, sầu lo. “Đêm Mường Lò trăng đang lên dần, xoè đi anh, tay cầm tay múa xoè cùng em”…

Trò chơi dân gian đặc sắc của người Thái

Sáng, tiếng gà gáy vang vọng khắp không gian đánh thức chúng tôi. Đã lâu rồi mới lại được nghe tiếng gà gáy gọi ngày mới, ngó qua ô cửa sổ, bình minh lên, những bông lúa đọng sương đêm trĩu hạt. Mường Lò chuẩn bị đón ngày mới, năm mới bằng một màu của ấm no và sung túc. Tranh thủ thời gian còn lại ở đây chúng tôi dạo một vòng đường phố, thấy hương xuân len lỏi khắp nơi. Nhìn ra xa cánh đồng Mường Lò ngập sắc hoa, những cành hồng đỏ, cúc vàng rực rỡ, những cành mận trắng muốt hoa, cành đào khoe thắm hồng như má người thiếu nữ.

Khăn Piêu - vật phẩm gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái

Mê mải với không gian văn hóa Mường Lò, chúng tôi rời đi khi ánh nắng đã chảy tràn trên mặt nước Nậm Thia, trong ăm ắp nắng gió, hương xuân nhẹ nhàng, giản dị mà cũng náo nức, rực rỡ đã gõ cửa. Sự nồng hậu, nhiệt tình của người dân nơi đây cũng như cách họ tự hào về truyền thống văn hóa của đất và người Mường Lò khiến tôi thêm tin tưởng vào sự trường tồn về bản sắc của dân tộc này nơi miền Tây Bắc Tổ quốc.

 

          HẠNH VÕ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top