Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nỗi niềm phụ huynh khi trẻ học online

Thứ Tư 26/01/2022 | 09:55 GMT+7

VHO- Dạy và học online chính là một trong những giải pháp khả thi nhất được nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên cả nước áp dụng khi dịch Covid-19 bùng phát.

 Giờ học trực tuyến môn Khoa học lớp 4A6, trường Tiểu học Tân Định (Hà Nội)

Đối với học sinh phổ thông hay sinh viên thì việc học online ít nhiều phù hợp vì ở lứa tuổi này các em đã có ý thức trong việc làm của mình, tuy nhiên đối với học sinh tiểu học thì đây là câu chuyện hoàn toàn khác.

1001 vấn đề nảy sinh

Cô Bùi Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ở Hà Nội tâm sự: “Một hai tuần học đầu tiên diễn ra rất vui vẻ, các con vui sướng chuyện trò ríu rít khi nhìn thấy nhau qua màn hình trực tuyến. Học sinh mong chờ giờ ngồi vào bàn học vì vậy các tiết học cũng rất sôi nổi, hào hứng. Thế nhưng sau một học kỳ, tất cả những háo hức ban đầu đã không còn, thay vào đó là những biểu hiện mệt mỏi, chán nản”.

Quả thật, tình trạng “tiếng cô vang rừng núi, nhưng không ai trả lời” hay “cô ơi, mạng con lag, con không nghe rõ câu hỏi của cô…”, “Cô ơi, cái cam của con hôm nay chập, con bật nhưng không lên…”. Thậm chí, việc học sinh mải xem YouTube, xem phim online hay chơi điện tử mà quên tắt mic đã trở thành chuyện vô cùng quen thuộc. Vấn đề kiểm soát việc học online lúc này đã không chỉ dừng lại trong phạm vi giải quyết giữa giáo viên và học trò nữa mà thực sự cần có sự can thiệp và trợ giúp của cha mẹ, những người cũng đang rất bận rộn khi vừa phải đảm bảo công việc, vừa phải trông con do con không thể đến trường.

Việc gánh trên vai nhiều trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ con em mình học tập ở nhà trong khoảng thời gian kéo dài đã khiến cả học sinh lẫn phụ huynh rơi vào tình trạng chán nản và mệt mỏi. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện và thời gian để đảm bảo việc học cho con em mình. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, một phụ huynh có con đang theo học lớp 4 chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh xảy ra thì tình cảm mẹ con tỉ lệ nghịch với thời gian học online. Trước đi học về là cu cậu ôm mẹ thủ thỉ, tỉ tê hết chuyện nọ chuyện kia ở lớp ở trường, thì nay chỉ cần thấy bóng mẹ đi làm về là nó chui tọt vào phòng đóng cửa lại. Mà điều gây ám ảnh nhất với cả mẹ và con chính là khi chuông báo tin nhắn vang của cô giáo vang lên”. Chị Hằng cảm thấy khá khó khăn trong việc hỗ trợ con mình học trực tuyến vì khung giờ học của con và giờ làm của cha mẹ lại trùng nhau. Hơn nữa, chị không có khả năng sư phạm lại nóng tính, con thì cứ lơ mơ, trên lớp không chú ý nên chữ được chữ không. Nhiều hôm kèm con học mà con thì khóc sưng mắt vì bị mẹ mắng còn mẹ thì rơi nước mắt vì quá ức khi mà nói mãi con không hiểu.

Rất nhiều phụ huynh đã thừa nhận rằng việc phải cân bằng công việc riêng, chăm sóc gia đình và dạy con cái học là một thách thức rất lớn. Khi không có bố mẹ ngồi cùng bên cạnh thì con không học thậm chí nhiều bạn đăng nhập vào phòng học cho có rồi sau đó truy cập vào các trang mạng khác nhau. Nhiều khi bố mẹ xem bài vở hay cô giáo nhắn tin báo mới phát hiện con không nghe giảng, không ghi bài hoặc không ghi chép đầy đủ.

Để cởi bỏ áp lực

Làm thế nào để đem lại hiệu quả cho quá trình học online của trẻ cũng như cởi bỏ áp lực cho cha mẹ trong quá trình đồng hành học tập cùng con?

Nhà giáo ưu tú Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Định (Hà Nội) chia sẻ một số bí quyết. Đầu tiên, cha mẹ và con cái cần thống nhất với nhau về thời gian biểu cũng như mục tiêu kết quả cần đạt được trong mỗi một ngày học cụ thể. Trẻ cần duy trì các thói quen giống như khi đi học một cách nghiêm túc. Cha mẹ hãy thể hiện sự ngợi khen và động viên con một cách kịp thời khi con thực hiện tốt. Thứ hai, thay vì tạo thêm áp lực cho con, cha mẹ cần trở thành bạn đồng hành, thường xuyên trò chuyện với con, cùng con đọc sách, xem tivi, tham gia các hoạt động thể chất để rèn luyện sức khỏe và giải phóng cảm xúc tiêu cực. Thứ ba, các bậc phụ huynh cần hình thành thói quen tự giác chủ động cho con trong việc học online. Để con tự học hiệu quả, đặc biệt khi học online, cha mẹ có thể hướng dẫn con chuẩn bị trước nội dung bài học, rà soát lại hệ thống kiến thức trong ngày, giữ liên lạc thường xuyên và phối hợp với giáo viên để cập nhật thông tin về việc học trên lớp của con… Thứ tư, cha mẹ cần sử dụng các phần mềm hệ thống quản lý từ xa khi cho con sử dụng các thiết bị truy cập internet. Khi cho con quyền sử dụng mạng internet, cha mẹ cần cài đặt các phần mềm quản lý trẻ em truy cập internet, trò chuyện với con về những trang web hoặc các ứng dụng mà con dùng, giúp con học cách giữ bí mật, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, kiểm soát thời gian con online, truy cập vào mạng internet…

Việc học online đối với cấp tiểu học có thể sẽ còn kéo dài. Để giúp cho hành trình học tập của học sinh không bị gián đoạn, đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của thầy cô, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh. 

QUỲNH NGA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top