Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:​​​​​​​ Vận dụng đầy đủ, sâu sắc nhất để vận hành tốt nhất “cỗ xe tam mã” Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thứ Năm 27/01/2022 | 08:00 GMT+7

VHO- “Năm 2021, Bộ VHTTDL đã xác định phương châm hành động là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”. Từ đó tạo ra một sức bật mới, một quyết tâm chính trị cao để toàn ngành tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cả ba lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã để lại những dấu ấn, những sự kiện, những số liệu cho thấy sự chuyển biến tích cực so với năm 2020.

Trong năm 2022, ngành VHTTDL cả nước cần tiếp tục vận hành tốt “cỗ xe tam mã” ở ba lĩnh vực: Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó Văn hóa là trọng tâm, trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển”.   

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL trong bài trả lời phỏng vấn Báo Văn Hóa Xuân Nhâm Dần 2022.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Chuyển biến, đột phá đáng ghi nhận

P.V: Thưa Bộ trưởng, năm 2021 được đánh giá là năm chuyển biến, đột phá đáng ghi nhận của ngành VHTTDL. Bộ trưởng đánh giá như thế nào với ý kiến trên?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021 đã khép lại. Đây là một năm đầy ắp những sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Năm 2021 cũng được xác định là năm bản lề để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ở góc độ của ngành VHTTDL, bước vào nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, Bộ VHTTDL đã xác định phương châm hành động của cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”; xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng thể chế, chính sách”. Từ đó tạo ra một sức bật mới, một quyết tâm chính trị cao để toàn ngành tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cả ba lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã để lại những dấu ấn, những sự kiện, những số liệu biết nói cho thấy sự chuyển biến tích cực so với năm 2020, xin được khái quát trên mấy bình diện lớn sau đây:

Một là, Bộ đã tập trung thực hiện việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Hay nói cách khác là tập trung khâu đột phá về mặt thể chế, từ đó chủ động rà soát, đề xuất tham mưu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để ban hành chủ trương, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong đó đã phối hợp với các Ban, ngành liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Sở hữu trí tuệ (phần quyền tác giả, quyền liên quan); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định và 1 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 17 Thông tư.

      Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc         

Những kết quả bước đầu nêu trên là một minh chứng cho việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đột phá về thể chế mà Đảng ta đề ra, giúp toàn ngành thay đổi tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” thông qua công cụ pháp luật.

Hai là, xác định Văn hóa có phạm trù rất rộng, phải phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp, phải được tác động từ nhiều chiều, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với một số Bộ, ngành Trung ương để ký kết các chương trình trong 5 năm tới, trong đó có những chương trình mang dấu ấn như: Chương trình phối hợp hành động với Ban Tuyên giáo trung ương, với Ủy ban Dân tộc, với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ký kết quy chế phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố về việc huy động đồng bào dân tộc về sinh sống, hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; xin ý kiến các Tỉnh/Thành ủy đối với các Đề án, Chiến lược, Chương trình hành động lớn của Ngành… Những nội dung này không chỉ làm trên nguyên tắc mà có các nhiệm vụ cụ thể, các nguồn lực về tài chính theo từng năm để tạo cơ sở cho ngành Văn hóa triển khai một cách toàn diện sâu sắc hơn.

Ba là, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực hoạt động của Bộ VHTTDL, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, toàn ngành đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, chuyển đổi hoạt động theo chủ trương thích ứng an toàn, phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra. Từ đó, Bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật thực hiện tốt những vấn đề mới chưa có tiền lệ như nhà hát online, nhà hát truyền hình, các chương trình livetream trực tiếp, hình ảnh của những nghệ sĩ đi vào tâm dịch, mang lời ca, tiếng hát để phục vụ đồng bào, đồng chí, lực lượng ở tuyến đầu. Cùng với đó, các loại hình nghệ thuật đặc thù được tổ chức một cách linh hoạt với chủ đề “San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch” không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn tạo ra một hiệu ứng “vắc xin tinh thần” cùng với vắc xin Covid-19 để cổ vũ, động viên nhân dân cùng với cả nước vượt qua khó khăn. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, tạo thành sức mạnh mềm của văn hóa.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu chung vòng xòe đoàn kết tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 (Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Bốn là, du lịch cũng bước đầu tái khởi động. Trong khó khăn, ngành Du lịch đã phối hợp cùng các cấp, các ngành nhanh chóng có các giải pháp thích ứng. Cánh cửa đón khách quốc tế bị đóng lại, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa, nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của du khách, các tour du lịch phù hợp, thích ứng linh hoạt giữa các “vùng xanh, vùng vàng”, đưa du khách trở lại với tâm lý thoải mái nhất. Đã đề xuất với Chính phủ và được chấp thuận cho thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ninh. Chỉ trong vòng hơn một tháng thí điểm mở cửa, chúng ta đã đón 1.500 khách quốc tế, tháng 12 đã có 3.500 khách đến Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và chào đón mọi du khách đến tham quan, du lịch.

Năm là, thể thao cũng để lại dấu ấn, ngoài việc tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao quốc tế, khu vực như Olympic Tokyo 2020, AFF Suzuki Cup và đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: VĐV Lê Văn Công đoạt HCB Paralympic Tokyo 2020; Đội tuyển bóng đá nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á; Đội tuyển Futsal Việt Nam lọt vào vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup 2021... Ngành cũng đã chủ động đề xuất đưa ra các phương pháp, bài tập tại nhà với chủ đề “Cả nhà tập ngay, đánh bay Covid” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để nhân dân rèn luyện thể thao, nâng cao sức khoẻ, nhằm thực hiện được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Dân cường thì quốc thịnh”.

Như vậy nhìn tổng thể, từ việc xây dựng cơ chế chính sách đến việc thực hiện nhiệm vụ, ngành đã để lại những dấu ấn, số liệu, kết quả minh chứng cho sự vượt khó đi lên trong năm 2021.

Bộ trưởng thăm gian hàng số tại Hội thảo Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển (tháng 12 tại Nghệ An)      

Xây dựng chiến lược văn hóa dài hơi

Bên cạnh những điểm sáng đáng chú ý và đáng tự hào, ngành VHTTDL vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thưa Bộ trưởng?  

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được đáng phấn khởi, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, ngành VHTTDL nước nhà đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi chúng ta đang thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số. Sự chuyển đổi này không thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai khi thiếu hạ tầng, công cụ trong tay.

Điểm thứ hai là dù Đảng, Nhà nước có quan tâm nhưng đầu tư cho Văn hóa còn đang ở mức khiêm tốn. Quan trọng hơn là nhận thức về vị trí, vai trò của Văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc. Vì chưa có nhận thức đúng nên chưa có hành động quyết liệt để thực sự phát triển Văn hóa.

Điểm thứ ba, trong quá trình tiếp biến Văn hóa và chủ động xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cũng đang gặp khá nhiều trở ngại, đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa; Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa… Chính vì thế, chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện dài hơi, dài ngày và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

  Bộ trưởng thăm và động viên Đội tuyển bóng đá nam trước giờ lên đường dự Vòng loại World Cup (tháng 5.2021) Ảnh: Trần Huấn

Chỉ tiêu trong năm 2022 phải cao hơn năm 2021

Tiếp nối những chuyển biến, đột phá đáng ghi nhận nhưng cũng đầy những khó khăn, thách thức trong năm 2021, năm 2022 sẽ như thế nào để ngành VHTTDL tiếp tục “gặt hái” được nhiều thành công hơn nữa, thưa Bộ trưởng?

- Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt, năm 2022, toàn ngành VHTTDL sẽ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, mà trước hết cần phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực VHTTDL trong suốt cả nhiệm kỳ và cho tới 10 năm nữa. Vì vậy, chúng ta không chỉ dừng lại ở mức triển khai trong năm 2021 mà phải tiếp tục quán triệt, làm sâu sắc hơn các nội hàm của nội dung này, có kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện. Gắn với đó là phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tiếp cận theo hướng các nội dung được xây dựng phải phong phú, sâu sắc hơn, nội hàm phải rõ hơn, vừa có tính toàn diện nhưng đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm. Các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 phải cao hơn năm 2021. Từ đó, toàn ngành sẽ tập trung cho các vấn đề lớn sau:

Một là, về công tác thể chế, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng pháp luật, trong đó sẽ trình Quốc hội, Chính phủ dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua việc hoàn thiện bộ luật này để chúng ta xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Gia đình là một trong những cái nôi cơ bản để xây dựng văn hóa theo chiều sâu bởi gia đình là tế bào của xã hội.

Tập trung triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn, từng tổ chức. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý I/2022 để tạo ra nguồn lực mới cho toàn ngành.

Hai là, tiếp tục cụ thể hoá nội dung đã được ký kết với các Bộ, ngành để tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa. Với hệ sinh thái văn hóa cấp cơ sở, Bộ sẽ phối hợp với các đoàn thể chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Cấp ủy Đảng để xây dựng các khu phố văn hóa, bản làng văn hóa đạt chuẩn, đi vào thực chất, có chiều sâu, không chạy theo thành tích. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương… để phấn đấu có nhiều đơn vị, nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn về doanh nghiệp văn hóa, doanh nhân văn hóa. Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đã quy định rất rõ như: Phải kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, có trách nhiệm với xã hội và nhất là phải chung tay để phát triển, chấn hưng văn hóa Việt Nam, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động thể thao, vừa chú trọng đến thể thao quần chúng nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến thể thao thành tích cao mà vấn đề chính là tổ chức thành công SEA Games 31. Đây không chỉ là hoạt động thể thao thường kỳ mà là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, tổ chức tốt đại hội thể thao khu vực sẽ tạo ra tiếng vang lớn cho Tổ quốc của chúng ta.

Bốn là về du lịch, chúng ta không thể ngồi chờ để đến thời kỳ “zero Covid” mà phải dựa trên các “trụ cột vùng xanh”, từ các vấn đề thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, sẽ định hướng phát triển các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch mới để thích ứng với tình hình hiện nay theo nhóm nhỏ, gọn, đón khách quốc tế để đảm bảo an toàn, để ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường, đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân và cũng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau Covid, trong đó có lĩnh vực Du lịch.

Như vậy nhìn toàn diện, Bộ VHTTDL, nói rộng ra là ngành VHTTDL cả nước phải vận dụng một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất phương thức vận hành của “cỗ xe tam mã”: Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó Văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển trong thời gian tới.                                                         

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã dành cho ngành trong năm qua. Xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VHTTDL, bạn đọc của Báo Văn Hóa dồi dào sức khỏe, phấn đấu thực hiện “Mỗi cán bộ văn hóa tiêu biểu cho lối sống về văn hóa” và tiếp tục “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” để cùng Ngành triển khai thắng lợi Kế hoạch công tác năm 2022.

 Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

“Bước vào nhiệm kỳ mới 2021 - 2025, Bộ VHTTDL đã xác định phương châm hành động của cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”; xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng thể chế, chính sách”. Từ đó tạo ra một sức bật mới, một quyết tâm chính trị cao để toàn ngành tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận”.

 

THU SÂM (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top