Chuyện kỳ lạ về những người trừ hổ

VHO- Câu chuyện về hai vị vua đánh hổ…Trong số các nhân vật nổi danh trong sự nghiệp đấu tranh chống Bắc thuộc, không thể không nhắc đến vị hoàng đế có biệt danh “Vua Đen” và một người thì được tôn xưng như cha mẹ của dân. Đặc biệt, cuộc đời của hai vị vua này đều có câu chuyện liên quan đến đánh hổ.

Chuyện kỳ lạ về những người trừ hổ - Anh 1

Phùng Hưng đánh hổ. Nguồn: mythuat.vn

Nhân vật đầu tiên phải kể đến đó là Mai Thúc Loan, ông tên thật là Mai Phượng, tự là Thúc Loan, quê ở làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay là xã Mai Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường, đất Sa Nam, cũng thuộc Hoan Châu (nay là làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và sinh ra Mai Thúc Loan ở đây.

Truyền rằng vì nhà nghèo nên từ thuở nhỏ Mai Thúc Loan đã phải làm việc giúp cha mẹ đỡ đần việc nhà. Một lần cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi; cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến vung tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ tuy bị chém đòn thí mạng phải buông mồi nhưng vẫn nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan nhanh nhẹn tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp một nhát, con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vệt máu từ vết thương lớn trên người…

Mấy chục năm sau đó, lịch sử nước ta lại xuất hiện một nhân vật có sức khỏe vô địch và ý chí cao rộng, đó là Phùng Hưng. Ông có tên tự là Công Phấn, xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội).

Phùng Hưng khi còn là hào trưởng đã từng diệt hổ dữ giúp dân lành nhưng trong chính sử chỉ ghi ngắn gọn là ông “có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chuyện kể rằng một dạo, vùng Đường Lâm bỗng xuất hiện một con hổ dữ gây hại rất nhiều cho người và gia súc; phường săn đã được huy động tìm cách diệt hổ nhưng không được bởi đó là con hổ rất tinh khôn.

Để diệt hổ dữ cứu dân lành, Phùng Hưng đã nghĩ ra kế hay, ông làm một bù nhìn bằng rơm rồi đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Khi thấy có dáng người, con hổ liền lao đến cắn xé nhưng đó chỉ là rơm với rơm. Tiếp đó Phùng Hưng lại đặt một bù nhìn rơm khác ở đúng chỗ đó; sau nhiều lần bị mắc lừa, con hổ không còn chú ý đến người rơm nữa.

Một hôm Phùng Hưng cởi trần, đóng khố, trát bùn kín khắp người để làm mất đi mùi hơi người; sau đó ông tới nơi thường đặt bù nhìn rơm. Khi con hổ xuất hiện, lúc nó đi qua thì bất ngờ Phùng Hưng xông tới quặp chặt lấy cổ hổ, sau một hồi vật lộn, lựa thế thuận lợi ông đã giáng một cú đấm cực mạnh làm vỡ sọ con hổ.

Làm văn mà đuổi được hổ

Nếu như chuyện hai vị vua đánh hổ được lưu truyền trong dân gian thì chuyện đại công thần nhà Hậu Lê là Lê Văn Linh làm văn đuổi hổ cũng là câu chuyện đáng nhắc đến.

Lê Văn Linh (1377 - 1448) người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) là một trong những người đầu tiên tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tên ông đứng hàng thứ 4 trong danh sách 19 người dự hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416).

Tương truyền hồi Lê Văn Linh còn trẻ, làng Hải Lịch thường bị hổ hoành hành, việc đặt bẫy, tổ chức phường săn diệt hổ đều không thành công khiến dân chúng rất lo sợ. Nghĩ rằng nếu diệt trừ được hổ, uy tín có, mọi người sẽ tin theo lời kêu gọi của mình đứng lên chống lại giặc Minh xâm lược. Nhớ lại thời Trần có Nguyễn Thuyên làm văn tế đuổi cá sấu trên sông Hồng, Lê Văn Linh quyết định học theo cách này.

Ông khuyên dân làng lập một đàn tế ở bìa rừng sau đó Lê Văn Linh lên đàn làm chủ tế, ông đọc bài văn đã viết sẵn với ý rằng: Đây là đất lành, nơi sinh cư của người dân, hổ sống tại rừng già, ai có phận ấy không xâm phạm lẫn nhau. Vì thế hổ không được quấy phá ở đây, hãy về làm chúa sơn lâm, nếu không sẽ bị Trời Phật trừng phạt nghiêm khắc. Đọc xong bài văn, Lê Văn Linh đốt đi rồi cùng mọi người trở về làng, để lại lễ vật cho hổ.

Không rõ hổ có hiểu tiếng người và nội dung bài văn có làm nó kinh sợ không, nhưng thật kỳ lạ từ đấy vùng Hải Lịch mất hẳn bóng hổ, dân làng cũng không ai bị hổ vồ, cuộc sống bình yên trở lại. Mọi người rất phục tài của Lê Văn Linh bèn cùng nhau cử ông chỉ huy việc rèn đúc vũ khí, tập luyện võ nghệ và liên lạc với chúa Lam Sơn Lê Lợi để đánh giặc.

Câu chuyện Lê Văn Linh làm văn đuổi hổ tưởng như là một giai thoại do dân gian thêu dệt, thế nhưng sách sử lại ghi rõ: “Ông vốn là người có khí tiết cao. Lúc ấy, dân trong làng thường khổ vì nạn hổ, ông liền nhân đó viết bức thư trách hổ; từ đó hổ bỏ đi hết. Vì lẽ ấy, người ta ví ông như Hàn Thuyên là người đã làm thơ đuổi cá sấu đi nơi khác” (Đại Nam nhất thống chí).

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Lê Văn Linh trở thành bậc khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông như sau: “Lê Văn Linh là khai quốc công thần, là nguyên lão đại thần của 3 triều, bản tính thâm trầm, đã giàu mưu lược lại rất am hiểu chính sự, ý kiến bàn bạc ở triều đình thường rất sáng suốt”.

LÊ THÁI DŨNG

Ý kiến bạn đọc