Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ngọn lửa của gia đình

Thứ Năm 27/01/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Tôi sang Đức đi làm Đội trưởng đội hợp tác lao động. Nhà máy tan sau khi Đông Đức thống nhất với Tây Đức. Chúng tôi ra đường kiếm sống. Khi ấy tôi và nhiều anh em ở lại thường đi buôn bán một mình, nhiều người sống đơn lẻ trong các căn nhà thuê tạm. Một số anh chị em co cụm lại sống chung song cũng hoàn toàn không gia đình.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Việc làm ăn khi đó rất vất vả. Buôn bán ngoài trời là dầm chân trong tuyết băng, chịu đựng cái lạnh khi âm từ 10 có khi đến -25 độ C, có ngày đến 10 tiếng. Dịp mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì khắc nghiệt lắm. Khi ấy gia đình trong âm hưởng luôn tưởng nhớ về Việt Nam. Mỗi khi đêm về hay dịp nghỉ, người ta sống ở hoàn cảnh như vậy buồn khổ vô cùng. Những khi ấy, hai từ gia đình như động lực giúp những kẻ tha hương có thêm sức sống để vượt qua nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Tôi nhớ năm 1991, lần đầu tiên đi bán hàng chợ Noel. Mùa Noel thường là bán nhiều hàng nhất mà cũng lạnh nhất. Hôm đó là 23 tức là chỉ một ngày nữa đến Lễ lớn của người Đức. Dân tộc Đức trọng Noel như Tết âm lịch ở xứ ta, dịp này là dịp đoàn tụ, nhà nhà người người cùng quy tụ về gia đình dịp này. Con cái, vợ chồng sum họp về với gia đình lớn của họ cũng như phong tục của người Việt. Tôi bán hàng đến chiều 23 chợt thấy đường phố vắng tanh. Thi thoảng có cái xe vun vút chạy qua vội vã. Bên kia đường một siêu thị cũng chả còn ai qua lại, chỉ còn tiếng hát của ca sĩ nổi tiếng Nikon hát bài hát đồng quê. Tiếng hát êm, dịu dàng bay loang trên đường phố vắng. Lời bài hát có đoạn như sau: “Này cô gái, về nhà thôi. Này bạn ơi này đôi mắt, này rượu nồng, tay cầm tay”. Tôi đóng hàng chạy xe về nhà, trên con đường vắng ngắt có tiếng hát Nikon đuổi theo xe tôi. Tôi về đâu? Một kẻ lang thang, đã không còn gia đình, không còn người vợ để thương yêu và đêm hôm đó tôi dùng rượu để quên đi nỗi buồn ghê gớm của mình. Bốn bề là bốn bức tường trắng, không điện thoại, không thư từ, không một lời chúc tụng từ quê hương.

Tết âm lịch năm ấy, ông Nguyễn Hiền (nay là chủ chợ Đồng Xuân, Hà Nội), nguyên đội trưởng một đội xây dựng ở nhà máy tôi đến bàn với tôi rằng, Tết này  anh em ta toàn độc thân bên này, nên tập trung nhau lại đón Tết. Chúng tôi phân công nhau kẻ đi mua lợn, người sang Tây Berlin mua rau thơm, gà và miến, măng bên mấy tiệm ở Tây Đức về, chung tay làm một bữa cỗ rất lớn. Bữa cỗ Tết đầu tiên có hương vị ngày Tết sau khi nước Đức thống nhất, bức tường Berlin sụp đổ. Bữa cơm thật ngon và vui vì đông người Việt cùng cảnh tha hương và câu chuyện quanh đi quẩn lại sau cùng cũng vẫn là, gia đình ở quê hương ăn Tết ngày xưa ra sao. Ai cũng kể chuyện Tết quê nhà, mà Tết quê hương Việt Nam khi ấy thì vẫn là cái Tết sum họp của gia đình.

Mọi sự hồi tưởng đều quanh quẩn sự êm ấm của một gia đình trong những năm tháng li quê như thế. Rồi cuộc vui tàn. Tôi lại một đêm chả ngủ được trong hoàn cảnh ở đất nước Đức người bản xứ không hề biết cái Tết của Việt Nam ra sao. Càng ở Đức lâu tôi càng nhận ra rằng, người ta thiếu vật chất có thể lo được, xoay xở được. Thiếu tiền cũng có thể kiếm được. Tết ở xa Việt Nam, khi đã có tiền có thể mua được tất cả các món của ngày Tết, nhất là khi giao thông hàng không phát triển, hàng hóa càng dư giả, từ bánh chưng đến giò chả, cả hoa đào Nhật Tân cũng được phi cơ mang tới. Nhưng lúc xa quê, dầu có tiền thì không khí Tết, không khí gia đình ở nơi ấy, dù có rất nhiều tiền, chả ai có thể mua nó được hay bốc nó từ quê hương mang sang được. Thiếu gia đình, con người ta trong đơn thân lưu lạc  giữa xứ lạnh cõi người, càng thấy thêm lạnh buốt. Lạnh từ trong thăm thẳm cõi lòng con người,  vì cái ngọn lửa cuối cùng, ngọn lửa cho ta sự ấm cúng, sự ấm áp khi sum vui là gia đình, trong ngôi nhà của mình cũng không có được.

Thời cuộc thay đổi, điều kiện đi về Việt Nam thuận lợi hơn, nên từ trước năm 2000, tôi thường tránh cái Tết ở xứ người mà quay về Việt Nam để hưởng cái Tết quê hương. Vì thế từ năm 2001, tôi thường năm nào cũng về Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhưng do nhiều duyên cớ, đặc biệt tôi cũng vẫn không có một gia đình đúng nghĩa để nương náu.

Tết năm đầu trôi qua, đến Tết thứ hai tôi chợt nhận ra sự cô đơn của mình. Những ngày trước Tết còn vui vì có bạn bè như Bế Kiến Quốc hay Thành Chương và dăm bè bạn khác trong đơn vị cũ tụ hội. Đến Tết thứ hai ở Hà Nội, tôi nhận thấy nếu thiếu một gia đình thì ở ngay Việt Nam càng tệ hại hơn, tự thấy mình cô độc hơn…

Đi ra Bờ Hồ dạo chơi các ngày áp Tết, tôi thấy người ta dìu dặt, vợ con ríu rít bên nhau, còn mình trơ trọi giữa Hà Nội đầy hoa và thấp thoáng nắng he hay mưa Xuân lây phây trên những cành hoa đào tươi thắm. Cảm giác cô độc thiếu gia đình là cảm giác tồi tệ nhất của một người như tôi khi đó. Tôi cảm thấy phiền hà khi đi đâu đó, trừ ngày mùng Một về nhà ông anh ăn Tết cả nhà, còn sau đó gia đình con cháu, anh chị em ai ai cũng đều bận với mối riêng của từng người. Có đến ai cũng chỉ dăm chục phút vì không thể phiền nhiễu thời gian mọi nhà dành cho dịp Lễ Tết, còn lo giải quyết các mối quan hệ riêng tây. Thế là bao nhiêu năm cứ dịp Tết dù có mặt ở quê hương mà tôi chỉ mong nó trôi qua mau. Có năm tôi tự giam mình hai tuần từ chiều mùng Một tới gần rằm ở nhà riêng tại Ngọc Hà và chúi mũi vào viết truyện, viết tiểu thuyết. Mong thời gian Tết qua đi mau chóng để đỡ cảm giác thấy tôi trơ trọi cô quạnh trong không gian chỉ mình tôi trong một cái nhà lạnh và khu vườn hiu quạnh. Con người ta có trải qua những nỗi niềm ấy mới thấy gia đình êm ấm cần thiết ra sao.

Trải qua cuộc sống dài bên châu Âu, lại mấy chục năm thăng trầm trong hạnh phúc gia đình, tôi thường nghĩ tới gia đình gốc của tôi, nhớ bao năm tháng cậu mợ tôi bên nhau vượt qua mọi hạnh ngộ ở cả hai cuộc chiến tranh để yêu thương đùm bọc nhau, kính trọng nhau, gìn giữ gia đình mà nuôi dạy cả năm anh chị em chúng tôi nên người. Cậu mợ tôi đã vượt qua những năm tháng giặc giã, tù đầy, chạy loạn, cả cải cách sai lầm vì có một gia đình êm ấm nghĩa vợ chồng. Như có ai nói, gia đình là cái lô cốt cuối cùng cho ta nương náu. Với tôi, gia đình luôn là ngọn lửa ấm sưởi cho những tâm hồn biết quý trọng thương yêu vượt qua mọi giá băng của đời người.

“Mong thời gian Tết qua đi mau chóng để đỡ cảm giác trơ trọi trong một không gian chỉ mình tôi giữa cái nhà lạnh và khu vườn hiu quạnh. Con người ta có trải qua những nỗi niềm ấy mới thấy gia đình êm ấm cần thiết ra sao”.

 

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top