Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cửa Đại Cổ Lũy

Thứ Năm 27/01/2022 | 17:51 GMT+7

VHO- Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đắk Tơ rôn (Kon Tum) hợp lưu từ 4 con sông nhỏ (sông Tang, sông Xà Lò, sông H're, sông R'hin) nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi trước khi đổ ra Biển Đông qua cửa Đại Cổ Lũy, còn có tên gọi khác là cửa Đại, cửa Đợi.

Núi Ấn sông Trà

Trong mắt người dân Quảng Ngãi, cửa Đại đẹp và nên thơ với núi, sông, làng mạc, bãi cát, ghềnh biển như quần tụ bên nhau:

Tư Nghĩa, cửa Đại là đây

Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa

Dưới thời bông súng nở đua

Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng

Ngó qua bên xóm Trường An

Ngó xuống hòn Sụp cát vàng soi dương

(Ca dao Quảng Ngãi)

Tên gọi cửa Đại là cách người Quảng Ngãi gọi tắt địa danh Đại Cổ Lũy, phân biệt với cửa Đại Chiêm (cũng gọi tắt là cửa Đại), cửa sông Thu Bồn (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) -  “hải cảng quan trọng bậc nhất của Chăm cổ đại” (Trần Quốc Vượng. 1985).

Cách đây chừng nửa thế kỷ, trong dân gian, cửa Đại còn được gọi là cửa Đợi. Đợi là một biến âm của Đại, từ Hán Việt, có nghĩa là lớn, to (thể tích, diện tích, dung lượng, số lượng, cường độ, lực lượng). Tính từ Đại, được danh từ hoá khi kết hợp với danh từ cửa (cửa sông, chỉ lối thông tự nhiên ra biển của một dòng sông) để thành một từ chỉ địa danh: Cửa Đại.

Trong thư tịch chính thống Việt Nam, tập Dư địa chí của Nguyễn Trãi là tài liệu khá sớm ghi chép về cửa Đại Cổ Lũy, bằng tên gọi Chiêm Lũy lịch môn. Chiêm Lũy là tên vùng đất Quảng Ngãi từ thời nhà Hồ. Theo GS Hà Văn Tấn, chữ  Chiêm trong Chiêm Lũy đã bị đọc nhầm tự dạng ra chữ Cổ, thành Cổ Lũy lịch môn hay Cổ Lũy môn, nghĩa là cửa Cổ Lũy. Người viết bài này cho rằng, không phải đọc nhầm, mà là các nhà cai trị và các nhà viết sử của các triều đại phong kiến Việt Nam đã cố tình viết và đọc chệch đi, có dụng ý.

 Núi Phú Thọ, một ngọn núi trong quần thể Cổ Lũy cô thôn

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Quyển thứ X – tỉnh Quảng Ngãi, mục Cửa quan và tấn sở chép: “Tấn Đại Cổ Lũy: Ở cách huyện Chương Nghĩa 17 dặm về phía đông bắc, cửa biển rộng 230 trượng, thủy triều lên sâu 14 thước, thủy triều xuống sâu 10 thước, phía nam là cửa biển lớn; nước sâu, cạn tàu thuyền đều do đấy; phía bắc là cửa biển nhỏ, tàu thuyền không thông. Có đặt thủ ngự và hiệp thủ, lại lấy dân phụ lũy sung việc trú phòng. Lại thôn Cổ Lũy, phía đông bắc dựa ven bờ biển, phía tây nam là giáp chỗ giao lưu của sông Vệ và sông Trà, cách xa làng xóm, trông như ở trong khói nước lờ mờ, là một trong “Mười cảnh Quảng Ngãi” đề là “Cổ Lũy cô thôn”. Dân địa phương làm nghề dệt chiếu và đánh cá”.

Liên quan đến cửa Đại - Đại Cổ Lũy, có 2 địa danh nằm ở hai bên bờ sông Trà Khúc. Bên hữu ngạn là thôn Cổ Lũy (thuộc xã Nghĩa Phú), TP Quảng Ngãi, nay chia tách thành 3 thôn: Cổ Luỹ Bắc (Vĩnh Thọ), Cổ Luỹ Nam và Cổ Luỹ Làng Cá. Bên tả ngạn là thôn Cổ Lũy, một trong 4 thôn của xã Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi). Chính vì sự xuất hiện của địa danh Cổ Lũy ở cả hai bờ sông mà nhiều bài báo khi viết về cửa Đại và cầu Cổ Luỹ (bắc qua sông Trà Khúc, đoạn gần cửa Đại Cổ Lũy) hay bị nhầm, khi gọi Cổ Lũy Bắc ở bờ Nam, Cổ Lũy Nam ở bờ Nam. Thật ra, như trên đã dẫn, cả 2 thôn Cổ Lũy Bắc và Cổ Lũy Nam đều ở bờ Nam và thuộc xã Nghĩa Phú.

Thôn Cổ Lũy xưa (thuộc xã Nghĩa Phú) nằm cách chân núi Phú Thọ (Thạch Sơn) một dòng sông nhỏ (sông Phú Thọ), mang vẻ đẹp cô liêu trầm mặc, màu nước lẫn màu trời trong bàng bạc sương khói lúc hoàng hôn, nên được ca ngợi là “Cổ Lũy cô thôn”, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.

Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), ông quan văn võ song toàn, từng là Tuần phủ Quảng Ngãi, có bài thơ nôm ca ngợi Cổ Lũy cô thôn, được người đời truyền tụng:
                                        Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
                               Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi.
                                          Đá xây quanh quất theo bờ biển,
                               Người ở cheo leo dưới cửa lồi.
                               Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
                               Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
                                        Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó,
                              Thạch trận về đây mới đắp bồi...

Đứng trên núi Thiên Mã ở bờ Nam sông Trà Khúc vào một ngày nắng đẹp, có thể thu vào trong tầm mắt một vùng không gian thoáng đãng với núi, sông, trời, biển hoà hợp cùng làng mạc, ruộng đồng thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

HỒNG KHÁNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top