Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Mỗi ngày một quả trứng”: Hành trình gom góp yêu thương

Thứ Năm 27/01/2022 | 22:13 GMT+7

VHO- Tôi thường bị chi phối cảm xúc khi nói về những nỗi ám ảnh, về những góc khuất đen tối. Cho đến khi gặp chị, người phụ nữ đầu tiên nói cho tôi nghe rằng “Ám ảnh chính là động lực!”. Mới thấy, trong bùn đen vẫn có thể tìm thấy những điều lấp lánh, như cách mà chị và dự án Mỗi ngày một quả trứng đang cống hiến cho cộng đồng.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh với những đứa trẻ ở Tây Nguyên

Người phụ nữ ấy là bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - sáng lập và điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI), người đã đưa Mỗi ngày một quả trứng lặn lội khắp các vùng nghèo khó để giúp đỡ những cảnh đời. Chuỗi ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, họ luôn bước thật vội vàng, bởi sợ rằng một bước chân chậm sẽ khiến người nghèo bị khổ nhiều hơn.

Mỗi ngày chọn một niềm vui

Trụ sở SCDI - Mỗi ngày một quả trứng những ngày cuối năm đầy ắp những bao, những túi, chất chồng. Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh nói, đó là đồ quyên góp, cùng với Mỗi ngày một quả trứng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch, phục hồi sinh kế.

Thật khó hình dung khi nhìn vóc dáng nhỏ bé của bác sĩ Oanh để nghĩ về những việc mà chị đã và đang làm, bằng trọn trái tim để đưa bàn tay nhân ái đến với những cuộc đời mà vì nhiều lý do, họ dường như bị cuộc đời quên lãng.

“Khách hàng” của chị là ai? Những thân phận gọi đúng nghĩa đen là “bên lề xã hội”. Họ thậm chí là những con người “vô hình”, dù tồn tại bằng xương bằng thịt. Rất nghèo, rất khổ, và rất dễ bị tổn thương.

Bác sĩ Hải Oanh kể chuyện: “Đầu 2017, khi đi công tác ở Tây Nguyên, chúng tôi tới một xã nghèo, trẻ con nơi đó bị suy dinh dưỡng rất nhiều. Mỗi ngày một quả trứng ra đời từ đó, với mục đích giúp những đứa trẻ được cung cấp đủ chất đạm để phát triển…”. Từ tên gọi bình dị ấy, Mỗi ngày một quả trứng được nhiều người ủng hộ. Ban đầu là từng chục trứng, trăm trứng, nhiều nhiều trăm trứng. Sau đó là những bàn tay, khối óc và trái tim cùng chụm lại để triển khai những chương trình hỗ trợ cộng đồng rộng lớn hơn. Bác sĩ Oanh cùng cộng sự tìm cách duy trì chương trình bền vững. Những đóng góp huy động được sử dụng giúp đỡ trẻ em nghèo ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…

 “Trong đại dịch, chúng tôi có quá nhiều việc phải làm. Trước tiên là phải giúp những người nghèo, vô gia cư đang bị đói, chuẩn bị lương thực, vật dụng chống dịch… Những bước chân luôn vội vã đến với từng vùng dịch ở thời điểm căng thẳng nhất, tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bến Tre, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Tây Nguyên...”, chị Oanh kể.

 Tặng quà cho trẻ em ở Đắk Lắk

Không chỉ là từng suất ăn, nhu yếu phẩm, Mỗi ngày một quả trứng còn triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực như cùng với Đại học Bách Khoa sản xuất giường các-tông chống dịch để cung cấp cho các khu cách ly ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên… Tại Hà Nội, đợt dịch đầu tiên bùng phát, Mỗi ngày một quả trứng tập trung hỗ trợ các Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ. Bác sĩ Hải Oanh cho biết: “Chúng tôi liên lạc các bệnh viện để biết điều gì là thiết thực. Chẳng hạn như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết họ cần mặt nạ lọc khí để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid; hoặc khi dịch đỉnh điểm ở TP Hồ Chí Minh, thành phố lâm vào tình trạng thiếu các thiết bị, bình đựng ôxy… cho bệnh nhân. Chúng tôi kết nối và tìm mọi cách hỗ trợ, san sẻ”.

Nhiều câu chuyện thấm đượm tình người trong tâm dịch mà Mỗi ngày một quả trứng, như một sứ giả thầm lặng, gom góp và trao tặng. Trong câu chuyện với tôi ngày hôm ấy, “thủ lĩnh” chương trình dường như đã khó kìm nén cảm xúc, đôi mắt như chực trào, khi từng phút, từng giây, từng số phận cùng cực cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí chị.

“Có một điều thật đẹp trên hành trình của chúng tôi, đó là sự chung tay của tất cả mọi người.  Như các họa sĩ nhóm Đa diện đã tổ chức đấu giá tranh Người trong một nước để cùng san sẻ với chúng tôi, ngay giữa những ngày dịch đau thương nhất tại TP Hồ Chí Minh. Những tác phẩm là giá trị của nghệ thuật vị nhân sinh, khi các họa sĩ thì góp tranh đấu giá, và người mua thì không hẳn là có nhu cầu mua tranh. Tất cả là sự cộng hưởng của những trái tim…”, bác sĩ Oanh tâm sự.

Đối với các thành viên Mỗi ngày một quả trứng, quả thực, mỗi ngày là một niềm vui, niềm vui do chính họ chọn lựa, do chính trái tim họ mách bảo. Những cái nắm tay từ cộng đồng, có người mỗi ngày đóng góp 2 ngàn đồng, người góp 10 ngàn, 20 ngàn, có người cả trăm triệu đồng… Những con số dù lớn, dù nhỏ đều đẹp đẽ. Để từ đó, Mỗi ngày một quả trứng chuyển thành những phần ăn, thành quần áo, trang thiết bị, vật dụng, sách giáo khoa… giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Những giá trị không thể đo đếm bằng tiền!

 Khảo sát Covid-19 ở Hà Nội

Cắt đứt vòng xoáy

Khi dịch Covid-19 ập đến, bác sĩ Oanh và đồng nghiệp cảm nhận dường như chưa bao giờ sự đói nghèo lại hiện hữu một cách trần trụi và đau lòng đến thế. Mỗi ngày một quả trứng nhận ra cần phải làm nhiều hơn nữa, giúp đỡ nhiều cảnh đời hơn nữa.

Sứ mệnh của SCDI là nâng cao chất lượng sống của những người dễ bị tổn thương và ở ngoài lề xã hội. Đội ngũ của SCDI và Mỗi ngày một quả trứng hằng ngày cũng làm việc với những người nghèo nhất, bị kỳ thị nhất, ít cơ hội nhất. “Chúng tôi vẫn gặp những hoàn cảnh mà bình thường mọi người sẽ không gặp bao giờ. Đó là những đứa trẻ sống trong gia đình mấy thế hệ không một ai biết chữ; những đứa bé ngay giữa đô thị xa hoa mà không thể đến trường vì không có giấy khai sinh... Giữa vòng xoáy của nghèo đói cùng cực, mọi cánh cửa đều khóa lại với những đứa trẻ có thân phận “vô hình” như thế, dù chúng đang tồn tại rất thật trước mắt chúng tôi”, bác sĩ Oanh nghẹn ngào.       

Đến với những con người tồn tại “bên lề”, bác sĩ Hải Oanh và cộng sự luôn tìm cách hỗ trợ trước mắt và lâu dài. Trước mắt là để họ không bị đói; không buộc phải phạm pháp để kiếm sống; giúp cho họ có chỗ ở, nhất là trẻ em, phụ nữ và người già. Lâu dài hơn là hỗ trợ sinh kế, Mỗi ngày một quả trứng giúp những người bán vé số, bán hoa quả, rau, thực phẩm, những tài xế taxi… có vốn hoặc phương tiện để kiếm sống.

Cũng trong đại dịch, vấn đề thiết bị học online là nỗi thống khổ của các nhà nghèo. Những smart phone, ipad, laptop... quá xa xỉ và khiến cho những đứa con trong các gia đình nghèo tiếp tục bị rơi khỏi trường học, theo một cách trần trụi nhất. Nhận thấy điều đó, Mỗi ngày một quả trứng tìm cách để giúp những đứa trẻ có thiết bị để vẫn tới được những trường học trong mơ của chúng.

Dài hơi hơn nữa là chương trình Cắt đứt vòng xoáy. Khát vọng giúp những đứa trẻ không có giấy khai sinh có thể đủ điều kiện đến trường, ê kíp đến từng bệnh viện trả viện phí, tìm lại giấy chứng sinh; nhưng cũng có nhiều trường hợp phải đeo đuổi nhiều năm trời mới có thể giúp những đứa trẻ xác định được mình là ai trong cuộc đời.

 Phỏng vấn người vô gia cư ở TP.HCM       

Sợ trái tim chai sạn!

“Bạn biết không? Tôi không sợ nỗi ám ảnh khi tiếp xúc với những cảnh đời nghiệt ngã. Mà điều tôi sợ nhất là sự chai sạn. Chúng tôi luôn cần phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, luôn phải thấy đau trước những phận đời, luôn từ những ám ảnh để mà hành động…”, bác sĩ Oanh nhìn tôi nói.

Câu hỏi của tôi với chị là: “Có sợ những nỗi ám ảnh hay không?”.

Đặc thù công việc khiến đối tượng “khách hàng” của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh thường là những người bán dâm, nghiện ma túy, người vô gia cư, vào tù ra tội... Địa bàn làm việc của nhóm cũng thường là những khu nhà ổ chuột. Chị bảo,  thực tế là những người nghèo thường ở với nhau, để được chấp nhận lẫn nhau.

Chứng kiến cảnh những con người vì đói phải làm liều, cướp chỉ một ổ bánh mì hay một vài chục ngàn đồng, Mỗi ngày một quả trứng quyết định sẽ không chỉ dừng ở việc phát cơm cho người nghèo mà còn tìm đến những khu nhà có nguy cơ sẽ có người phạm tội, vì đói nghèo. Một số nơi, nhóm được cảnh sát khu vực, bộ đội giúp đỡ đi khảo sát và phát lương thực tới tận từng người.

Đi sâu vào nhiều cảnh đời u tối, thế nhưng mỗi lần gặp, từng số phận vẫn khiến bác sĩ Oanh không khỏi sững sờ. “Tôi ám ảnh trước hình ảnh một người mẹ bị liệt mà vẫn phải đi bán vé số, với sợi dây buộc ở tay để giữ đứa con 2 tuổi không chạy quá nhanh.  Tôi ám ảnh về cuộc sống của hai mẹ con ở Hải Phòng, đứa bé ngoài giá thú 11 tuổi chưa được khai sinh và không được đi học, đến khi đủ giấy tờ cho cháu đi học thì gần một năm sau, người mẹ mất. Tôi thực sự ám ảnh khi một người mẹ bán dâm tối tối phải dắt theo con nhỏ “đi làm”...”- những câu chuyện chị kể khiến chúng tôi như cùng nghẹn lại. Những đứa trẻ thiếu thốn mọi kỹ năng vì không được quan tâm. Trong thế giới của mình, chúng phải tự tạo nên rào chắn, từ chối và hoài nghi mọi thương yêu. Chị Oanh bộc bạch, chị khao khát những thân phận rất đời ấy được giúp đỡ bởi các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng. Để những đứa trẻ vô tội sẽ không còn bị rơi vào vòng xoáy của bất hạnh.

Hành trình của Mỗi ngày một quả trứng là hành trình của những yêu thương, lan tỏa và sẻ chia. Bác sĩ Khuất Hải Oanh tâm sự, chị đã, đang và sẽ còn tiếp tục con đường ấy. Đến với nhiều nỗi đau, điều chị cần giữ trọn vẹn nhất chính là cảm xúc, là sự ấm nóng của trái tim. “Tôi không sợ những ám ảnh. Tôi thấy mình cần phải đau cùng họ, để tìm cách giúp họ vượt qua. Với tôi, ám ảnh chính là động lực để đi qua nước mắt…”, người phụ nữ có gương mặt sáng, sẻ chia.

“Mỗi ngày một quả trứng” ra đời vào tháng 1.2017 với mục tiêu bền vững là “Để không ai bị bỏ lại phía sau”. Dự án huy động đóng góp của những người hảo tâm để giúp đỡ những người khó khăn nhất trong xã hội.

Người khởi xướng dự án, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn là Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009; Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017…

 

NGÂN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top