Cái Tết đầu tiên "sống chung với Covid"

VHO- Nhớ lại những năm trước, khi nghe tin tức về dịch Covid chỉ như những tiếng sấm nhỏ ở phía chân trời rất xa, nên người Việt chưa nghĩ đến chuyện mưa cũng sẽ đến nhà mình. Nhưng thời điểm này năm nay, mọi người đều chưa hình dung được Tết sẽ đến như thế nào trong "trạng thái bình thường mới" và "sống chung với Covid".

Cái Tết đầu tiên


 Cũng không ai đoán trước được điều gì về Covid - kể cả các nhà khoa học giỏi nhất thế giới. Vì các biến thể Covid như đám mây đen đang treo lơ lửng trên đầu mọi người, lúc lên cao, lúc xuống thấp. Nó có thể dội xuống những trận "mưa Covid" bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới khiến cho ngay cả những quốc gia giàu mạnh nhất và có trình độ y tế cao nhất cũng bị động từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có lúc trở tay không kịp. Ngày xưa muốn thành công là nhờ "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Ngày nay, chống dịch nhờ vào "mạnh vì xét nghiệm, điều trị, bạo vì vắc xin". Ở VN còn xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhưng trên thực tế, ngay cả những nước có thừa năng lực xét nghiệm và vắc xin vẫn không thể thực hiện được mục tiêu "zero Covid" và buộc phải chấp nhận "sống chung với Covid".
Không phải vô cớ mà từ xa xưa, loài người đã gọi hành tinh này là Mẹ Trái đất. Và ngày nay, khi thiên tai, dịch bệnh tăng vọt thì gọi là "cơn thịnh nộ" của hành tinh. Phải chăng đó là sự cảm nhận Trái đất tồn tại như một cơ thể sống? Cảm nhận này hoàn toàn có cơ sở thực tế vì Trái đất có tất cả các yếu tố cơ bản của một sinh vật. Đó là có rất nhiều nước, có bầu khí quyển như hệ hô hấp, có từ trường, điện trường, có áp suất, có nhiệt độ trung bình ổn định, có hệ động thực vật như phần tế bào, có tiếp thu năng lượng Mặt trời - tức là có trao đổi chất.
Trong khi đó, các động của con người đã khai thác gần cạn kiệt tài nguyên, tạo ra nhiều khí thải làm biến đổi khí hậu toàn cầu, Trái đất nóng dần lên. Nói cách khác, hoạt động của loài người tương tự như một loại virus đang tấn công làm tổn hại Trái đất.
 Chắc hẳn rằng, khi nào con người khôi phục được môi trường toàn cầu về mức bình thường thì sẽ giảm được thiên tai và dịch bệnh. Lúc đó Covid có thể sẽ trở lại chế độ "ngủ đông" hoặc trở thành một loại cúm mùa không còn quá nguy hiểm. Hội nghị quốc tế về khí hậu toàn cầu (COP26) vừa qua chính là nhắm đến mục tiêu giảm khí thải, ngăn chặn đà nóng lên của Trái đất. Nhưng kết quả thực hiện thế nào còn tùy thuộc vào trách nhiệm của cả thế giới. Nhất là những nước tạo ra lượng khí thải nhiều nhất.
 Mỗi người, mỗi gia đình sẽ "sống chung với Covid" trong tình trạng "bình thường mới" theo cách riêng của mình. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, nhưng cần có chung cách hiểu để chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng hơn. Thực ra con người đã sống chung với rất nhiều loại virus. Nhưng chúng gây bệnh nguy hiểm đến mức nào lại tùy thuộc phần lớn vào cách sống và đối phó của con người. Sống chung không có nghĩa là đầu hàng, chịu thua hay buông xuôi mà là lối sống tích cực hơn, thích ứng linh hoạt hơn với hoàn cảnh mới. Sống chung với Covid cũng không phải là coi chúng không còn nguy hiểm mà là tinh thần cảnh giác cao hơn, thực hiện triệt để hơn các biện pháp phòng, chống.

TS Nguyễn Hữu Nguyên

Ý kiến bạn đọc