Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng: Những câu chuyện nhỏ ý nghĩa

Thứ Năm 03/02/2022 | 08:55 GMT+7

VHO-  Chúng ta thường tự hào, tự tin nói/viết về văn hóa truyền thống Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, về danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, về văn hóa Hồ Chí Minh (thuộc về “văn hóa tương lai” như nhà thơ, nhà báo Xô viết tài năng O. Mandelstam đã viết từ năm 1923).

Chúng ta cũng tự hào khi nói/viết về văn hóa Đảng. “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã từng khẳng định cách đây 62 năm tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.1960). Tin rằng, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng sẽ tiếp tục vững mạnh, đất nước phát triển, dân Trong Cách mạng Tháng Tám (1945), Đảng lúc đó chỉ có khoảng 5.000 đảng viên đã lãnh đạo hơn 25 triệu dân đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy nên những câu chuyện sinh động về văn hóa Đảng hiển hiện qua những con người cụ thể, thiết nghĩ, tạo nên sự bình đẳng của văn hóa Đảng trong văn hóa dân tộc nói chung. Những câu chuyện về văn hóa Đảng sau đây chưa phải là tất cả, song hàm chứa nhiều ý nghĩa để củng cố niềm tin vào chân lý: Dân tộc ta từng đánh bại nhiều kẻ thù ngoại bang hùng mạnh và tàn bạo chính là nhờ vào sức mạnh của văn hiến, văn hóa Việt Nam, đúng như Nguyễn Trãi minh định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo).

 Đồng chí Trường Chinh - nhà thơ Sóng Hồng là một lãnh đạo cao cấp của Đảng từ trước ngày giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Câu chuyện văn hóa giữa đồng chí Trường Chinh và  đồng chí Tố Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho ta một cảm nhận  sâu sắc về văn hóa Đảng. Khi  đang là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cuối năm 1947, đồng chí Tố Hữu được tổ chức điều động lên Việt Bắc làm công tác văn hóa. Cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo là với đồng chí Trường Chinh (trên cương vị Tổng Bí thư). Cảm giác đầu tiên của đồng chí Tố Hữu khi gặp đồng chí Trường Chinh là đang ngồi trước một con người điềm đạm, tự tại. Buổi gặp gỡ, làm việc đầu tiên chỉ trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ. Đồng chí Trường Chinh chia sẻ:

 “Mặt trận văn hóa rất cần thiết, cần có cán bộ biết làm việc, đoàn kết được anh em, giúp họ nắm, hiểu được đường lối của Đảng. Bác Hồ nói: Phải “kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa kháng chiến”. Bác nói vắn tắt thế, nhưng ý nghĩa rất sâu xa đấy!”.

Một lần khác gặp gỡ, sau khi trao đổi công việc chung, đồng chí Trường Chinh bất ngờ hỏi đồng chí Tố Hữu:

- Này! Theo ý anh thì Gorki là lãng mạn hay hiện thực?

Tôi thực sự bất ngờ, làm sao trong tình thế nguy kịch này mà anh lại điềm nhiên nghĩ về văn chương như thế được. Nhưng cũng rất thích và mừng thầm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng mình trong tình thế hiểm nghèo mà vẫn bình tĩnh nghĩ đến cả vấn đề văn hóa. Thật là thú vị. Vì vậy quên cả mệt nhọc, tôi cũng thưa chuyện ngay:

Thưa anh, tôi đọc được ít, nhưng nói đến Gorki thì ai cũng biết, hiển nhiên ông là một nhà văn hiện thực lớn của Liên Xô, thậm chí đó là người tiêu biểu cho nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Anh Trường Chinh ngắt lời tôi:

Dĩ nhiên là thế. Nhưng tôi muốn hỏi ý anh:  Cuốn Người mẹ có tính lãng mạn không?” (Tố Hữu, Nhớ lại một thời, hồi ký, NXB Hội Nhà văn, 2000, tr.186, 187, 196, 197).

Thiếu tinh thần lạc quan cách mạng thì không thể tự tại và điềm đạm bàn luận về những vấn đề văn hóa, văn chương trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng như thế. Vì thế, trong thơ Sóng Hồng, người đọc cảm nhận sâu sắc một phong thái ung dung, tự tại của một hiền nhân, hiền triết, hơn thế, của một người chiến sĩ Cộng sản giàu tinh thần thực tiễn: “Vút ngựa vượt qua đèo/ Rì rầm tiếng suối reo/ Xuống đèo vừa mới tối/ Vằng vặc mảnh trăng treo/ Ngựa mỏi đi bước một/Người suy nghĩ vấn vương/Nhiều khi ý kiến lớn/ Vụt đến lúc đi đường/ Đêm lạnh cành sương đậm/Long lanh bóng nguyệt vờn/ Nhà ai bếp vẫn đỏ/ Thấp thoáng ở sườn non?/ Đường xa cơn gió rít/ Xao xác chim cầm canh/ Hội nghị mai sớm họp/ Băm băm ngựa bước nhanh” (Đi họp).

 Một trong những học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh là đồng chí Võ Nguyên Giáp “văn võ song toàn”. Đặc biệt, tên tuổi của ông gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn động địa cầu, chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam hơn 80 năm. Đại tướng khoác quân phục nhưng tâm hồn nghệ sĩ, yêu say chơi piano, ham mê đọc sách. Ông quan tâm đến văn hóa đất nước, đặc biệt có tình cảm sâu sắc với văn nghệ sĩ. Năm 1987, Đêm nhạc Văn Cao được tổ chức ở Hà Nội, Đại tướng và phu nhân đã đến dự. Khi biết tác giả Quốc ca không được khỏe (bị bệnh đau cột sống, liệt nửa người), ông đã gọi điện cho giáo sư Lê Thế Trung đề nghị đón nhạc sĩ tài danh về Bệnh viện Quân y 103, tạo mọi điều kiện tốt nhất chữa trị. Nhà thơ Anh Ngọc đã viết bài thơ Vị tướng già (1994) được đồng bào của mình yêu thích với những câu thơ đi suốt thời gian: “Một chân ông đã đi vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu”.

Trở lại với nhà thơ Tố Hữu, cùng ôn lại câu chuyện “thành phố mang tên Bác”. Tháng 8.1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được thiết lập ở miền Bắc, miền Nam đi trước về sau, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhà thơ viết bài Ta đi tới trong tư thế chiến thắng của đất nước. Trong bài thơ Ta đi tới tràn đầy cảm hứng hào sảng, có những câu thơ mang ý nghĩa đón đợi thế sự, cao hơn là tình thế chính trị và vận hội đất nước: “Ai đi Nam Bộ/ Tiền Giang, Hậu Giang/ Ai về thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng”. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ ngay từ những ngày đầu hòa bình sau chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, đã nghĩ về một tương lai thành phố Sài Gòn sẽ được mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bởi vì tựa vững trên một niềm tin sắt đá: “Ta đi tới, không thể gì chia cắt/Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Sau này, trong cuộc phỏng vấn của Báo Văn nghệ, nhà thơ Tố Hữu chia sẻ: “Lúc mình viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt như thế?”. Mình hoảng: “Dạ thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin Bác cho phép gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn” (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, NXB Hội Nhà văn, 2010). Ngay sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975) nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Toàn thắng về ta (1.5.1975) với những câu thơ tha thiết, hân hoan: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Ngày 2.7.1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh” theo tên vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội).

Nghĩ về Đảng, về văn hóa Đảng, không có gì xa xôi, trừu tượng. Nhân dân thấy Đảng từ những đảng viên cụ thể. Văn hóa Đảng tượng hình văn hóa người Cộng sản, trong văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

  Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top