Bóng đá nữ: Cú hích mang tên World Cup

VHO- Trong những ngày đầu năm mới, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã lập kỳ tích khi lần đầu tiên giúp bóng đá nữ Việt Nam được có mặt ở đấu trường lớn nhất của bóng đá thế giới - World Cup 2023.

Bóng đá nữ: Cú hích mang tên World Cup - Anh 1

Cú hích World Cup liệu có làm cho bóng đá nữ thoát khỏi cảnh nghèo? Ảnh: VFF

Ước mơ nay đã thành sự thật, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bóng đá nữ Việt Nam có thể đứng vững ở World Cup, làm thế nào để kỳ tích này không chỉ là khoảnh khắc loé lên rồi vụt tắt, sẽ là câu hỏi không dễ trả lời với bóng đá Việt Nam. Trong bài viết này và những bài viết tới đây, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, để phần nào đưa ra câu trả lời đang là nỗi trăn trở bấy lâu nay của bóng đá Việt Nam.

Liệu có thoát nghèo?

Ngay sau khi kỳ tích, câu hỏi cũng được đặt ra là liệu bóng đá nữ Việt Nam có thoát nghèo từ kỳ tích này. Nếu nhìn vào khoản tiền thưởng trên 16 tỉ đồng (tính đến ngày 7.2) dành cho đội nữ thì câu trả lời đã nhìn thấy rõ. Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng số tiền thưởng đó là đáng quý, là sự động viên, khích lệ kịp thời nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn khi đội giành chiến thắng, còn phần gốc của vấn đề là sự khó khăn của bóng đá nữ nói chung thì chưa thể giải quyết được.

Nói đến bóng đá nữ, từ trước tới giờ là nói đến sự khó khăn. Đơn cử như ở cấp địa phương, để nuôi được một đội bóng đá nữ là câu chuyện không dễ. Đầu năm 2020, bóng đá nữ Sơn La đứng trước muôn vàn khó khăn. Nhà tài trợ rút do khó khăn vì đại dịch Covid-19 khiến lương của các cầu thủ bị cắt giảm mạnh, thu nhập chỉ khoảng 1,6 triệu/tháng, khó khăn nên nhiều cầu thủ đã bỏ đội về quê. Trước đó, để tham dự được Cúp quốc gia nữ 2019, Sơn La cũng phải mượn người để đủ quân số tham dự giải.

Sơn La có thể xem là đội bóng khó khăn điển hình của bóng đá nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả đội bóng đá nữ của Hà Nội được xem là một trong vài đội “giàu” của giải, nhiều khi người trong cuộc cũng chỉ biết nhìn về quá khứ mà tiếc nuối. Hà Nội từng là địa phương đi đầu trong cả nước về làm bóng đá nữ với người khởi xướng là cố Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang. “Nhìn xa trông rộng”, ông Giang đã thấy được rằng bóng đá nữ có khả năng tiếp cận với đấu trường thế giới và Hà Nội đã đầu tư lứa cầu thủ bài bản với những tên tuổi lẫy lừng một thời như hậu vệ số 1 Bích Hạnh hay tiền vệ hay nhất Phùng Minh Nguyệt. Khi đó các cầu thủ đội nữ Hà Nội thậm chí còn được sang Trung Quốc tập huấn cả tháng, thuê chuyên gia Trung Quốc Giả Quảng Thác huấn luyện. Nhưng sau đó do không còn đầu tư như trước nên bóng đá nữ Hà Nội đã để mất ngôi vô địch vào tay đội TP.HCM. Trong 2 năm trở lại đây, đội bóng Thủ đô quyết tâm đầu tư lại bóng đá nữ một cách bài bản hơn nên đã kêu gọi được thêm nhà tài trợ, thành lập Liên đoàn bóng đá và mời chuyên gia Hàn Quốc huấn luyện cho đội 1 với mục tiêu sớm lấy lại ngôi vô địch.

Đội tuyển chỉ mạnh khi giải VĐQG mạnh

Muốn duy trì phong trào và hiểu được khó khăn của các địa phương nên năm nào Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng hỗ trợ kinh phí cho các đội dự giải. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là kinh phí để duy trì các đội bóng quanh năm, suốt tháng sẽ không có lời giải nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách èo uột mà không có nhà tài trợ. Một đội tuyển quốc gia chỉ thực sự mạnh khi nước đó có giải vô địch quốc gia mạnh mà muốn giải quốc gia mạnh thì các CLB bóng đá cũng phải mạnh. Nguyên lý bắc cầu đó sẽ là bài toán buộc chúng ta phải giải nếu muốn bóng đá nữ phát triển bền vững.

Tình trạng thiếu trước hụt sau về kinh phí dẫn đến lực lượng kế thừa của các CLB mỏng. Vì thế lực lượng bổ sung cho đội tuyển quốc gia cũng không nhiều. HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Mai Đức Chung nhiều lần bày tỏ lo lắng về sự thiếu hụt lực lượng của đội tuyển. Trên bình diện đội tuyển quốc gia, dù các cầu thủ nữ hay các cầu thủ nam đều được hưởng chế độ như nhau, theo quy định của nhà nước. Nhưng thực tế thì bóng đá nam do luôn thu hút được các nhà tài trợ cho nên đội nam lúc nào cũng rủng rỉnh hơn đội nữ. Điều đó là khó tránh khỏi bởi ngay cả với thế giới, bóng đá nam và bóng đá nữ luôn có sự chênh lệch.

Ông Cao Văn Chóng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhấn mạnh, rất may mắn là bóng đá nữ Việt Nam đã có những nhà tài trợ đồng hành trong suốt thời gian qua. Từ năm 2019, Hưng Thịnh đã quyết định tài trợ 100 tỉ đồng cho bóng đá nữ Việt Nam trong 5 năm để hướng tới mục tiêu World Cup. Chính nhờ gói hỗ trợ mang tính quyết định này nên VFF mới có được kinh phí để đầu tư cho đội tuyển nữ thuê chuyên gia, tập huấn nước ngoài, nhắm tới mục tiêu World Cup.

Thế nên, nếu muốn giải được bài toán khó khăn cho bóng đá nữ thì điều cốt lõi bên cạnh sự đầu tư bài bản từ ngân sách nhà nước cần sự chung tay đồng hành của toàn xã hội, nhất là các nhà tài trợ. Năm 2018, Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn từng nói rằng bóng đá Việt Nam phải tận dụng cơ hội khi FIFA quyết định tăng số đội dự World Cup 2023 từ 24 lên 32 đội. Ước mơ xa xôi đó giờ đã thành hiện thực. Vấn đề đặt ra giờ đây chỉ là làm sao để kỳ World Cup sau, bóng đá nữ Việt Nam sẽ không phải tiếc nuối nhìn lại kỳ World Cup này mà mơ ước. (Còn tiếp)

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc