Xung quanh clip "kéo vợ" ở Mèo Vạc (Hà Giang): Chính quyền địa Chính quyền địa phương lên tiếng

VHO- Mới đây, vào ngày 7.2, tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) xảy ra vụ việc nghi là “kéo vợ”. Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, đây là sự việc biến tướng hy hữu và dư luận một phen dậy sóng trước hiện tượng được xem là “hủ tục lạc hậu” cần loại bỏ.

Xung quanh clip

 Nhận định đây có thể là biểu hiện của tục “kéo vợ”, lực lượng chức năng đã kịp thời can thiệp, ngăn chặn hành vi nói trên và giải tán đám đông

 Nhân vật trong clip chưa đến tuổi kết hôn

Theo báo cáo của Công an huyện Mèo Vạc, khoảng 15h30’ ngày 7.2, trong quá trình tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, Công an xã Pả Vi đã phát hiện tại khu vực ngã 3, hạt 7 thuộc thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi có nhiều người dân và du khách đang tụ tập gây ách tắc giao thông. Khi lực lượng công an xã đến để giải quyết thì thấy có một nam thanh niên đang giằng co với một cô gái và rất đông người đứng xung quanh quay phim, chụp ảnh. Nhận định đây có thể là biểu hiện của tục “kéo vợ”, lực lượng chức năng đã kịp thời can thiệp, ngăn chặn hành vi nói trên và giải tán đám đông. Sự việc trên đã được một số du khách chứng kiến, ghi hình và đưa lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.

Sau khi nắm được thông tin, Công an huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Công an xã Pả Vi phối hợp với Công an xã Giàng Chu Phìn và Pải Lủng khẩn trương tiến hành xác minh vụ việc. Nam thanh niên được xác định là Giàng Mí C, sinh năm 2006, cư trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc; còn cô gái bị C kéo là Vàng Thị S, sinh năm 2008, cư trú tại thôn Sà Lủng, xã Pải Lùng, huyện Mèo Vạc. Cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn.

Qua làm việc với S, được biết S và C đã quen nhau trên mạng xã hội Zalo từ ngày 4.2, cả hai thường xuyên nhắn tin qua lại. Khoảng 10h ngày 7.2, S và C hẹn gặp nhau tại Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng. Tại đây, C định đưa S về làm vợ theo phong tục nhưng S không đồng ý vì cho rằng C đã có người yêu và chỉ trêu đùa mình. Hai bên giằng co trong khoảng 30 phút. Nhiều người dân và khách du lịch thấy vậy hiếu kỳ nên dừng lại xem và quay phim, chụp ảnh. Sau khi sự việc xảy ra, C nhận thức được hành vi trên đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình và cam kết không tái phạm.

Căn cứ nội dung vụ việc, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Công an huyện Mèo Vạc nhận thấy không đủ căn cứ để xử lý hành vi của C về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng như xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đề xuất UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân. Làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự, phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng, biểu hiện của hủ tục lạc hậu như tảo hôn, kéo vợ...

Xung quanh clip

Quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Đối với với huyện vùng cao khó khăn như Mèo Vạc, việc xóa bỏ hủ tục đồng nghĩa với việc xóa bỏ đói nghèo để nâng cao đời sống cho nhân dân. Theo đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hai thứ tiếng trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức chiếu phim, tuyên truyền lưu động tại các thôn bản. Nội dung tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Các địa phương từng diễn ra hủ tục kéo vợ đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chỉ đạo của huyện về nội dung trên. Đồng thời, tổ chức ký cam kết đối với hộ gia đình có con vị thành niên, thành lập các tổ tuyên truyền vận động phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Nhờ những nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện Mèo Vạc giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hủ tục kéo vợ hiện đã không còn phổ biến tại Mèo Vạc, nhưng tại một số địa phương vẫn còn diễn ra dù chỉ mang tính chất tự phát do chưa có sự hiểu biết đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, tuyên truyền.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua rà soát, trên địa bàn huyện vẫn còn một số hủ tục lạc hậu đang tồn tại. Để tránh những hệ lụy kèm theo ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã, thị trấn đưa hủ tục kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào nội dung quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố để thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trên hệ thống đài truyền thanh, phát thanh; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố; chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể giáo dục pháp luật cho học sinh, tổ chức các giờ học ngoại khóa liên quan đến vấn đề này; chỉ đạo các cơ sở đoàn tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên thực hiện nghiêm túc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tích cực đấu tranh với các hành vi kéo vợ, bắt vợ. Các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Quay trở lại với vụ việc gây ồn ào vừa qua, lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định sẽ quyết tâm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. 

 Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua rà soát, trên địa bàn huyện vẫn còn một số hủ tục lạc hậu đang tồn tại. Để tránh những hệ lụy kèm theo ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các xã, thị trấn đưa hủ tục kéo vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào nội dung quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố để thực hiện.

(Ông NGÔ MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc)

 MINH ĐỨC

Ý kiến bạn đọc