Cần sớm chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế

VHO- Trước thông tin Việt Nam có thể mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế, sớm nhất là 31.3, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã sẵn sàng, nhưng cũng có nơi chưa xây dựng kịch bản mới và chuẩn bị các điều kiện để đồng loạt đón khách quốc tế.

Cần sớm chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế - Anh 1

 Đón khách quốc tế tại Sân bay quốc tế Cam Ranh - Khánh Hòa

Báo Văn Hóa ghi nhận công tác chuẩn bị, cũng như các ý kiến liên quan đến công tác tổ chức đón khách quốc tế của một số địa phương trong thời gian tới.

Một số địa phương chưa xây dựng kịch bản mới

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh Bình Định được thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 1.2022, ngành Du lịch tỉnh đã ghi nhận có bước khởi sắc mới, bắt nhịp với việc thích ứng an toàn, linh hoạt cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê của Sở Du lịch Bình Định, tổng lượng khách lưu trú và tham quan đến Bình Định từ ngày 31.1 đến ngày 6.2 đạt khoảng 155.730 lượt khách, tăng 40% so với Tết năm 2021 và tổng doanh thu ước đạt 117,45 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Đáng nói hơn, để chạy đà cho việc bàn phương án chuẩn bị đón khách quốc tế theo đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Bình Định, giữa tháng 1.2022, Sở Du lịch Bình Định đã tổ chức cuộc họp với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, FLC Quy Nhơn và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại TP Quy Nhơn. Ngành Du lịch tỉnh này cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai chương trình thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến Bình Định năm 2022.

Về hướng cụ thể chuẩn bị đón du khách quốc tế trong thời gian tới, Bình Định vẫn chưa có phương án mới mà đang thực hiện theo kế hoạch thí điểm cũ. Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết: “Trong giai đoạn 1 (từ tháng 1 - 3.2022) triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đối với Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort; giai đoạn 2 (từ tháng 4.2022) sẽ triển khai đối với các cơ sở lưu trú tại địa bàn thí điểm đón khách du lịch quốc tế và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế có đủ điều kiện theo quy định”. Theo ông Thanh, Bình Định sẽ khai thác chủ yếu thị trường khách quốc tế tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam. Khách du lịch quốc tế khi nhập cảnh phải đảm bảo các quy định về xuất nhập cảnh và biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Lượng khách đạt 50% so với trước là thành công

Khánh Hòa là một trong những địa phương top đầu được thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin kể từ tháng 11.2021. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Mọi công tác chuẩn bị đón khách quốc tế từ cơ sở lưu trú, các điều kiện sân bay, vận chuyển đường bộ, khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch, phương án phòng dịch… đã được chuẩn bị chu đáo. Trong hơn 2 tháng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, Khánh Hòa có nhiều chuyến bay quốc tế đón khách Nga, Thái Lan, Hàn Quốc… đến du lịch và rất an toàn”. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Khánh Hòa đón hơn 3.000 lượt khách quốc tế tham quan, du lịch. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với du lịch Khánh Hòa nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Trong khi đó ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đang xây dựng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến với địa phương năm 2022. Theo đó, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu đón khoảng 150.000 lượt khách quốc tế đến với địa phương trong năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Anex Việt Nam cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, khi độ phủ vắc xin đã khá rộng, nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch và các bài học từ việc thí điểm đón khách quốc tế, Việt Nam có thể đồng loạt mở cửa du lịch quốc tế, bởi hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa đón khách trở lại. Việc mở cửa đón khách không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động du lịch nhanh chóng hồi phục sau dịch Covid-19, mà còn giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Theo ông Lương, giai đoạn hậu dịch Covid-19, khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại, chỉ cần lượng khách đạt 50% so với trước là thành công. Bởi các nước tiên tiến, có nền du lịch phát triển, các nước trong khu vực họ đã mở cửa đón khách quốc tế từ lâu. Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế “chậm chân” hơn sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường du lịch các nước khác”.

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã có kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 2 này theo hình thức tổ chức chuyến bay charter. Hiện nay địa phương đã trình Bộ VHTTDL và xin ý kiến của Chính phủ. Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song năm 2020 và 2021, ngành Du lịch của Huế chưa có lần nào “tạm dừng hoạt động”. Các cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch hiện đã được chỉnh trang, bảo dưỡng, nâng cấp và sẵn sàng đón lượng khách lớn trong nước và quốc tế. Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã rà soát các cơ sở nghỉ dưỡng ở vùng ven nhằm phục vụ khách quốc tế như: Khu nghỉ dưỡng Laguana Lăng Cô, Vedana Lagoon Resort & Spa, Kawara Mỹ An Onsen; Alba Thanh Tân… với các dịch vụ nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, chơi golf, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, từng bước mở rộng nguồn khách quốc tế đến các cơ sở lưu trú cao sao ở khu vực trung tâm thành phố Huế như: Silk Path Grand Huế, Indochina Palace, Azerai La Residence, Vinpearl, Century…

“Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, đào tạo tập huấn cho nguồn nhân lực trong ngành cũng như đảm bảo an ninh, môi trường du lịch… sẵn sàng cho công tác mở cửa đón khách quốc tế trở lại sớm nhất. Song do thời gian dài đóng cửa thị trường quốc tế nên công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu và yếu, để đẩy mạnh đón khách quốc tế và phục hồi du lịch, chúng tôi kiến nghị Tổng Cục Du lịch, Bộ VHTTDL và các cơ quan trung ương hỗ trợ thêm về vấn đề này”, ông Trần Hữu Thùy Giang nói. 

 Đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2026

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, nội dung Chương trình gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2022 - 2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 - 450.000 tỉ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019).

Giai đoạn 2024 - 2026 sẽ phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra); khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 - 65% so với chỉ tiêu Chiến lược); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680.000 - 780.000 tỉ đồng (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược). Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800.000 - 900.000 tỉ đồng (tăng 15,5 - 17,5% so với năm 2025).

Chương trình cũng xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể theo 2 giai đoạn để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2023 có 9 nhiệm vụ và giải pháp, giai đoạn 2024 - 2026 có 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; đồng thời, xác định các nguồn lực thực hiện và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp.

Bộ VHTTDL vừa phê duyệt Đề án Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Theo đó, “Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022” sẽ có tên gọi Tiếng Anh là “Visit Viet Nam Year - Quang Nam 2022” với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Lễ khai mạc dự kiến được tổ chức vào ngày 25.3 tại đảo Ký Ức, thành phố Hội An. Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 tại Vinpearl Nam Hội An nhân dịp tổng kết năm 2022 và đón chào năm mới 2023. T. BÌNH

 NHÓM P.V

 

Ý kiến bạn đọc