Mùa xuân… tựu trường: "Đại học chữ to" ngơ ngác

VHO- Năm học mới trôi qua đã được 5 tháng, những đứa trẻ lớp 1 ở Hà Nội mới lần đầu được đến trường. Lo âu, lạ lẫm, ngơ ngác là tâm trạng của nhiều bé khi được bố mẹ trao tay cho cô giáo chủ nhiệm.

 

Mùa xuân… tựu trường: 

 Trẻ ở nhà đã gần một năm, nên việc rời vòng tay bố mẹ, ông bà sẽ không khỏi khiến các con lo lắng

Làm quen lại từ đầu

Trường tiểu học B thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chiều qua 10.2 được bố trí dành riêng để đón học sinh lớp 1. Cô Ngô Thị Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Lần đầu đến trường nên phải có không gian để đón trẻ chu đáo. Giáo viên chủ nhiệm sẽ có mặt ở cổng trường để đưa các em vào lớp. Chúng tôi cũng chỉ đạo trang trí lớp học đẹp, sinh động để trẻ có tâm thế vui vẻ, bớt sợ sệt”.

Học sinh lớp 1 đến trường cũng phải xếp hàng giãn cách để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay... Buổi học đầu tiên là buổi “làm quen” vì bây giờ cô trò mới giáp mặt. Các cô giáo chủ nhiệm lớp 1 ở Trường tiểu học B thị trấn Văn Điển đã chuẩn bị quà tặng, lì xì, tổ chức các màn múa hát tập thể, trò chơi để tạo không khí gần gũi, thân thiện. “Chúng tôi xác định có thể phải một tuần mới vào nề nếp để ổn định dạy học được. Trước đây, khi học sinh đi học bình thường thì cũng vẫn cần 1-2 tuần đầu tiên để trẻ làm quen. Trẻ ở nhà gần một năm, nên việc rời vòng tay bố mẹ, ông bà sẽ không khỏi khiến các con lo lắng”, cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Minh A (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết.

Tại trường Tiểu học Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), học sinh lớp 1, 2 và lớp 5 được bố trí học sáng; lớp 3, 4 học chiều. Học sinh lớp 1 được giáo viên đón và chào mừng ở cổng trường khi các bé “chia tay” bố mẹ. Nhiều bé e dè níu chặt tay mẹ khiến cô giáo phải dỗ dành. Các bé cũng như các anh chị lớn phải xếp hàng lần lượt để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và đi vào lớp theo các lối đi được phân cách.

Theo cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Mỗ thì những buổi đầu trở lại trường, trẻ lớp 1 được rèn nề nếp, làm quen với môi trường mới và ôn tập lại bài cũ. Một số trường tiểu học tư thục khu vực ngoại thành tổ chức ngay các hoạt động trong phạm vi lớp để “làm nóng không khí tựu trường”. Sau tuần làm quen, các bé mới tiếp tục chương trình đang được học trực tuyến trước đó.

Theo lộ trình, từ ngày 10.2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 khu vực 18 huyện, thị xã ở Hà Nội đến trường học trực tiếp. Cùng với đó, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn địa bàn Hà Nội đã trở lại trường từ ngày 8.2. Dự kiến, nếu đảm bảo an toàn, ngày 21.2, học sinh lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành Hà Nội được trở lại trường.

Cùng với Hà Nội, Hưng Yên cũng là một trong những địa phương thận trọng trong việc cho học sinh đến trường vào ngày 14.2. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, học sinh tiểu học, trung học đã trở lại trường từ ngày 7.2, chiếm khoảng 75% số học sinh phổ thông trên cả nước.

Có thể giãn khung thời gian năm học

Trong buổi đi kiểm tra chuẩn bị đón học sinh trở lại trường ở Hưng Yên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nhiều giáo viên tiểu học phản ánh là họ bị khống chế bởi khung thời gian năm học nên khi học sinh trở lại trường, giáo viên vẫn bị áp lực phải chạy tiếp chương trình ngay để kịp kết thúc năm học. Thời gian để học sinh lớp 1 làm quen, rèn nề nếp, củng cố kiến thức không có.

“Các Sở GD&ĐT cần xem xét thực tế dạy học ở khối tiểu học để đề xuất nới khung thời gian năm học so với mốc dự kiến. Vì mục tiêu chúng ta đặt ra khi học sinh trở lại trường là đảm bảo an toàn, duy trì và củng cố chất lượng. Đối tượng học sinh lớp 1, 2 rất cần hình thành, củng cố các kỹ năng cần thiết ban đầu. Nhưng thời gian qua các em đã chịu thiệt thòi khi không được đến trường, thì bây giờ các trường cần dành thời gian nhất định để ưu tiên thực hiện điều đó. Học sinh phải làm quen với cô giáo, với bạn, tìm hiểu về trường, biết các kỹ năng tối thiểu như sử dụng nhà vệ sinh, nắm nề nếp, nội quy lớp học. Giáo viên cần uốn nắn cách trẻ ngồi học, cách cầm bút, cách giữ gìn sách vở… Đây là những điều chỉ khi học sinh trở lại trường mới rèn giũa được”, ông Thái Văn Tài nói và cũng cho rằng, các nhà trường cần rà soát, phân nhóm học sinh để có thể bù đắp những thiếu hụt khác nhau của mỗi em. Ví như học sinh đọc tốt nhưng viết chưa tốt, làm toán được nhưng tiếng Việt lại chưa thành thạo thì cần được thống kê để có biện pháp hỗ trợ với từng nhóm học sinh.

“Cũng trên cơ sở rà soát, kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm được chất lượng thực tế của học sinh để báo cáo lên nhà trường. Từ đó có phương án đề xuất nới thời gian năm học đến đâu để bù đắp, đảm bảo đạt được yêu cầu của chương trình năm học”, ông Tài cho biết. 

VIỆT AN

Ý kiến bạn đọc