Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển

VHO- Sáng nay 11.2, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng pháp luật năm 2022. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Đột phá từ xây dựng thể chế
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Nhiệm kỳ này, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế. 
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, xây dựng pháp luật là vấn đề khó và rộng, đòi phải làm một cách công phu, tuân thủ quy định. Công việc này cần nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 2
 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định

Theo Bộ trưởng, với cách tiếp cận mới, chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, cần tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho công tác quản lý. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chuyển đổi mạnh tư duy về vấn đề này, coi đây là yêu cầu xuyên suốt, không quản lý theo kiểu chỉ tập trung vào sự vụ, không làm sự kiện đơn thuần. Đặc biệt, khi được giao về nhiệm vụ xây dựng pháp luật thì phải nghiên cứu sâu, có những luận giải để xem ở đâu là “điểm nghẽn”. “Xây dựng pháp luật ở đây không chỉ là công cụ quản lý mà phải tạo ra động lực phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong năm 2021, số lượng văn bản quy phạm pháp luật về VHTTDL được rà soát, đánh giá bao gồm: 7 luật, 52 Nghị định của Chính phủ 48 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 279 Thông tư.

Cũng trong năm qua, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền 3 dự án Luật. Triển khai tổng kết Luật Di sản văn hóa và Luật Quảng cáo. Xây dựng và trình Chính phủ 6 Nghị định, trong đó 4 Nghị định được ban hành trong năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 3

Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 4

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp

Năm 2022 được đánh giá là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật  lớn mà Bộ có trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Cụ thể là 3 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua (Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Nghiên cứu rà soát 3 dự án Luật là Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Nghệ thuật biểu diễn. Trình Chính phủ 8 Nghị định. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 5

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL

Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Xây dựng hồ sơ Luật Di sản Văn hóa sửa đổi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành VHTTDL, tại Hội nghị nhận được nhiều sự quan tâm. Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, để triển khai tốt việc này, trong thời qua, Cục đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, rõ ràng và tiến độ cụ thể. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 6

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL Lê Thị Thu Hiền

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục Di sản kiến nghị Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ đạo thành lập tổ xây dựng pháp luật chuyên trách của Bộ trong việc thực thi nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa và xây dựng Luật Di sản văn hóa khi được cho phép thực hiện. Cùng với đó là xây dựng cơ chế khuyến khích cùng tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan cùng tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật. “Xác định nhiệm vụ sửa đổi Luật Di sản Văn hóa theo hướng đơn giản hóa hình thức văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ áp dụng, khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về di sản văn hóa. Dự kiến trong năm 2022, Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ hồ sơ cho phép sửa đổi Luật Di sản Văn hóa; Nghị định bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia và Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho biết.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, chủ đề Năm 2022 của ngành VHTTDL  là Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và tổ chức cán bộ. Do đó, trong năm nay, Cục sẽ tập trung rà soát lại các quy định liên quan để tham mưu xây dựng hành lang pháp lý, định hướng chung đối với các hoạt động văn hóa cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 7

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL Ninh Thị Thu Hương

Đề cập đến vấn đề đội ngũ công chức được đào tạo về pháp luật để nâng cao hiệu quả thực thi, bà Nguyễn Thị Phượng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cho biết, thời gian qua, công chức của ngành được đào tạo về pháp luật chỉ đạt khoảng 20%. “Đầu tư cho luật pháp là đầu tư cho sự phát triển, do đó, thời gian tới cần thiết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ am hiểu, xây dựng pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ…”, theo bà Phượng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 8

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Phượng

Đánh giá cao sự quan tâm của Bộ VHTTDL đối với công tác xây dựng thể chế, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, sự chuyển đổi nhận thức của Bộ VHTTDL trong xây dựng pháp luật là thành công quan trọng mà không phải Bộ nào cũng thực hiện được.
Nhấn mạnh, xây dựng văn bản quy định pháp luật là công việc khó, trong thời gian tới Bộ VHTTDL cần chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ông Tuyến cũng đề nghị Bộ quan tâm thêm một số vấn đề như: Tăng thêm biên chế cho đội ngũ làm công tác pháp chế; Thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng các bộ luật khi trình lên cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần ký một quy chế với các đơn vị về công tác xây dựng pháp luật. 

Ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Bộ, công tác xây dựng pháp luật của Bộ VHTTDL trong năm 2022 sẽ có nhiều kết quả tích cực. Báo cáo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 của Bộ cho thấy sự nghiên cứu kỹ càng, đánh giá đúng những điểm nhấn và điểm nghẽn trong công tác xây dựng thể chế. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 9

Ông Lương Anh Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Ông Tấn nhấn mạnh, chuyển đổi tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa cũng cho thấy nhận thức của ngành về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời cho rằng, quá trình soạn thảo luật là quá trình thuyết phục lẫn nhau, do đó cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các bộ ngành và cơ quan liên quan.

Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho sự phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 10

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, các ý kiến đã giúp Hội nghị có thêm cách nhìn mới, phương pháp tiếp cận tốt hơn để công tác xây dựng trong năm 2022 ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về khâu đột phá trong xây dựng thể chế .
Đánh giá về tình hình thực hiên nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Bộ trong năm 2021, Bộ trưởng nêu rõ, do xác định đúng và trúng chủ đề Năm Xây dựng cơ chế chính sách, Bộ đã tập trung vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật; chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước bằng văn hóa, thông qua công cụ pháp luật. 
“Công việc xây dựng pháp luật và điều hành quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong năm 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận”, Bộ trưởng khẳng định. Cụ thể, những công việc có tính chất thường xuyên  được duy trì và tổ chức đảm bảo yêu cầu; tạo nhiều điểm nhấn. Trong năm, Bộ đã tổ chức Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách tiếp cận và tư duy trong xây dựng pháp luật. Bộ cũng đã phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành TƯ, cơ quan hữu quan để nâng cao hơn chất lượng các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật .

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL luôn tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật, từng bước đảm bảo tiến độ, chất lượng các văn bản luật với tư cách cơ quan soạn thảo. Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, với tư cách là hai cơ quan cùng tổ chức thực hiện, đồng hành và tháo gỡ ngay từ đầu những vướng mắc. Đồng thời, bước đầu phát huy vai trò chuyên gia trong bối cảnh đang thiếu nguồn lực. 
Nhờ những kết quả này, nhìn lại các yêu cầu đặt ra, các bộ luật được Quốc hội yêu cầu xây dựng, Bộ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL đã hoàn thành bước đầu và đảm bảo đúng tiến độ. Cụ thể, về Luật Điện ảnh sửa đổi, lãnh đạo Bộ vừa làm việc với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, cơ bản các vấn đề còn có ý kiến khác nhau đã được tháo gỡ, thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ.
Về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ đã làm việc với Uỷ ban Xã hội để thẩm tra sơ bộ, từ đó có điều kiện hiệu đính, chỉnh lý và làm tốt hơn. 
Điểm lại những công việc đã làm, Bộ trưởng cho rằng đó là những dấu ấn đáng mừng, là tín hiệu vui khích lệ các đơn vị quản lý Nhà nước tổ chức thực hiện tốt hơn công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong năm 2022.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn có một số vấn đề hạn chế. Đơn cử, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao,chưa sâu, chưa thực sự tạo động lực của sự phát triển. Một số văn bản luật có “tuổi thọ ngắn” sau khi ban hành. Bộ trưởng lưu ý, dù rằng thực tiễn luôn vận động và phát triển nhưng nếu dự báo đúng, có tầm nhìn xa thì sẽ khắc phục được vấn đề này.

Nhận thức của một số Cục, Vụ khi được giao hoặc khi đăng ký xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn đơn giản, dẫn đến tình trạng xin đăng ký, được phê duyệt nhưng khi làm không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Bộ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân là do thiếu cơ sở thực tiễn và cơ sở lý luận, mấu chốt là thể chế quan điểm đường lối của Đảng. Cần tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận để xây dựng pháp luật, không cảm tính. 
Việc phân công trách nhiệm cơ quan chuẩn bị, Tổ soạn thảo còn nhầm lẫn. Chưa phát huy đầy đủ đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật. Có Cục, Vụ không có cán bộ am hiểu pháp luật nhưng lại được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định, Luật. Bộ trưởng yêu cầu vấn đề này cần được nhìn nhận và sớm khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 11

Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL Lê Anh Tuấn

“Những hạn chế này khiến cho việc xây dựng pháp luật của Bộ chưa đạt được như mong muốn. Nhiều điểm nghẽn, những mặt trận đang trống… chưa kiểm soát được bằng công cụ pháp luật. Khi sự việc xảy ra còn lúng túng, thiếu các chế tài xử lý. Có nhiều bất cập trước đây chưa có, nhưng trong bối cảnh không gian mạng lại nảy sinh và phổ biến…, tất cả cần được nhìn nhận tổng thể để thời gian tới sẽ thực thi tốt hơn”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trong năm 2022, Bộ trưởng nêu, những công việc có tính chất bắt buộc phải có sự quyết tâm và nỗ lực hoàn thành. Đối với những công việc chuyển tiếp, phải làm quyết liệt hơn để hoàn thành đúng tiến độ. Theo đó, Luật Điện ảnh cần khẩn trương hoàn tất nội dung theo kết luận của Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Phòng chống bạo lực gia đình tiếp tục bám sát các ý kiến thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý; làm  việc với nhóm chuyên gia để khu trú và khắc phục những lỗi không cần thiết, đặc biệt nắm vững về xây dựng các quy định pháp luật. Bộ trưởng cũng yêu cầu, trong việc tham gia phối hợp xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, lãnh đạo Bộ, Cục Bản quyền tác giả tiếp tục làm việc với các Bộ để hoàn thiện, đặc biệt chú ý vấn đề quyền và tác quyền trên không gian mạng, tránh những bất cập nảy sinh. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 12

Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Phạm Quốc Hùng

Trong những lĩnh vực được xác định cần tổng kết sớm để xây dựng, bổ sung Luật, Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Di sản Văn hóa sửa đổi cần có dấu ấn riêng của ngành, giải quyết những vấn đề khúc mắc từ cơ sở, sao cho Luật sửa đổi sẽ không chỉ là quản lý thuần túy mà phải phát huy giá trị di sản đó, tạo động lực phát triển.

Luật Quảng cáo cũng đến thời điểm phải tổng kết. Bối cảnh về không gian mạng, quảng cáo đa phương tiện không còn như trước đây mà đặt ra nhiều vấn đề mới, cho thấy nhiều góc nhìn mới, phương pháp tiếp cận mới…
Trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta mong muốn có Luật để thay thế Nghị định. Tuy nhiên phải lưu ý đủ “độ chín”. Bên cạnh đó là các Nghị định, Thông tư; nhiều khoảng trống cần được tính toán, tìm giải pháp khỏa lấp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 13

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện VHNT Quốc gia Việt Nam

Nhấn mạnh những công việc này cần nghiên cứu thấu đáo, Bộ trưởng lưu ý, báo cáo đánh giá tác động chính sách là báo cáo quan trọng nhất trong vấn đề xây dựng pháp luật.

Lãnh đạo Bộ cũng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất,lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện cần nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm xây dựng pháp luật; chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Mỗi đơn vị cần quán triệt về phương pháp, cách làm, quy trình, quy phạm, phân công cán bộ theo dõi về tổ chức thực hiện pháp luật của lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Thứ hai, giao Vụ Tổ chức Cán bộ và Vụ pháp chế căn cứ chương trình xây dựng pháp luật khẩn trương tham mưu thành lập Ban nghiên cứu và Ban soạn thảo khi có điều kiện, theo hướng Vụ Pháp chế là cơ quan chủ trì đầu mối, các Cục, Vụ khác là đơn vị phối hợp, sử dụng chuyên gia. 
Thứ ba, tuân thủ định hướng của Ban cán sự Đảng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng pháp luật phải tạo động lực cho phát triển - Anh 14

Giám đốc Trung tâm CNTT, TBT Báo Điện tử Tổ Quốc Nguyễn Thị Hoàng Lan

Bộ trưởng đồng tình với đề xuất Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các  Cục, Vụ về công tác xây dựng pháp luật, theo hướng tăng cường đối thoại.
Lãnh đạo Bộ cũng đề nghị đại diện các Bộ, ngành liên quan tăng cường chương trình phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật của ngành VHTTDL. Với mong muốn tạo động lực cho sự phát triển, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ chuyển đổi và nhận thức sâu hơn về công tác xây dựng pháp luật, từ đó làm tốt hơn công việc Đảng, Nhà nước giao.

BẢO NGÂN, ảnh: TRẦN HUẤN

  

Ý kiến bạn đọc