Bóng đá nữ: Để không chỉ lóe lên rồi vụt tắt

VHO- Sau kỳ tích của đội tuyển nữ, điều mà những người trong cuộc mong muốn nhất là sau cú hích mang tên World Cup, bóng đá nữ sẽ có đà bật lên để phát triển bền vững.

Bóng đá nữ: Để không chỉ lóe lên rồi vụt tắt - Anh 1
 

 Để những khoảnh khắc đẹp còn lưu mãi, bóng đá nữ cần được đầu tư hơn nữa Ảnh: VFF

Sự thành công của bóng đá nữ cũng chứng tỏ rằng nếu được đầu tư đúng hướng thì thành công sẽ tới.

Phải đầu tư bài bản như bóng đá nam

Là thế hệ đầu tiên của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, từng bước lên ngôi vô địch SEA Games năm 2001, tiền vệ được xem là hay nhất thời đó Phùng Minh Nguyệt cho rằng, muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển bền vững, giải được bài toán thiếu trước, hụt sau về lực lượng thì cần có sự đầu tư bài bản từ cấp trung ương tới địa phương. “Nếu muốn bóng đá nữ phát triển bền vững thì trước hết phải có kinh phí để đầu tư cho các tuyến trẻ, ngay từ các địa phương để làm nguồn lực bổ sung cho các đội tuyển. Hiện tại việc đầu tư cho các lứa trẻ tại các địa phương vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nên khá khó khăn. Nếu có thêm sự chung tay góp sức từ các nhà tài trợ, các nguồn lực khác thì mới giải quyết được bài toán về kinh phí. Với đội tuyển quốc gia, chúng ta cũng phải giải được bài toán chuẩn bị đầu tư cho lứa trẻ, có HLV giỏi, có trình độ, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng cường dinh dưỡng, thuốc, thực phẩm chức năng. Như với đội tuyển nữ quốc gia vừa qua, tôi nghĩ rằng thành công đến được cũng có sự góp sức của chuyên gia thể lực. Chính vì sự có mặt của chuyên gia thể lực mà các nữ cầu thủ cho dù bị mắc Covid-19 nhưng đã sớm hồi phục và đủ thể lực để thi đấu”, tiền vệ nức tiếng một thời chia sẻ.

Còn theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, sau kỳ tích này bóng đá nữ Việt Nam sẽ có hai nhiệm vụ. Trong đó nhiệm vụ ngắn hạn là chuẩn bị thật tốt để tham dự World Cup và nhiệm vụ dài hạn là chuẩn bị bài bản, căn cơ để có thể phát triển bền vững. “Nhiệm vụ trước mắt là chuẩn bị cho World Cup, tưởng dễ nhưng theo tôi là cực khó bởi vì chúng ta đến được với World Cup là thành tích đáng ghi nhận, là sự tưởng thưởng cho cả quá trình phấn đấu lâu dài của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá nữ nói riêng. Thành tích đó có sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ nhưng chúng ta phải nhìn rõ rằng giành vé đến được World Cup thì không có nghĩa trình độ của chúng ta đã ở tầm World Cup. Nhìn từ bóng đá thế giới cũng có thể thấy những đội đến từ những nền bóng đá có xuất phát điểm thấp thì khi đến với World Cup sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế chúng ta phải lên kế hoạch và có sự chuẩn bị kỹ càng cho đội nữ khi đến với đấu trường này. Còn nhiệm vụ lâu dài là làm sao để bóng đá Việt Nam không chỉ có lần này mà còn có những lần khác đến được với World Cup thì phụ thuộc vào cả một quá trình xây dựng tổng thể của một nền bóng đá. Làm sao để bóng đá nữ phát triển bền vững cũng không khác gì câu hỏi dành cho bóng đá nam, tức là phải có kinh phí, phải đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ, huấn luyện bài bản, có giải vô địch quốc gia mạnh. Đội tuyển quốc gia phải có HLV giỏi, các cầu thủ được thi đấu ở trình độ cao, ra nước ngoài thi đấu, học hỏi, đến được với những nền bóng đá văn minh hơn, va chạm với những nền bóng đá tốt hơn. Sự đầu tư và các điều kiện khác phải tương thích, đồng bộ hơn. Nhưng đó là những vấn đề mang tính lý thuyết còn việc quan trọng nữa là cách ứng xử với bóng đá nữ như thế nào để niềm vui hôm nay sẽ là câu chuyện được đầu tư bài bản, lâu dài, chứ không phải sau ít ngày nữa chúng ta lại quên đi”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nói.

Mỗi CLB chuyên nghiệp có thêm đội bóng đá nữ?

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, nếu muốn bóng đá nữ phát triển thì trước hết phải giải quyết được bài toán về kinh phí, trong đó vai trò của ngân sách nhà nước vẫn là chủ đạo. Tiếp theo là huy động thêm các nguồn lực xã hội khác. Tuy nhiên, do sức hút của bóng đá nữ không thể như bóng đá nam, vì thế theo bình luận viên Ngô Quang Tùng: “Có người nói với tôi ý tưởng này và tôi thấy rất hay là việc ở một số nền bóng đá phát triển trên thế giới, người ta khuyến khích các CLB đã có đội nam rồi thì phải có thêm đội nữ. Thực ra việc nuôi một đội nữ không quá tốn kém, chắc kinh phí có thể chỉ như để duy trì một đội hạng Nhì của bóng đá nam. Nhưng nếu các CLB bóng đá chuyên nghiệp phát triển thêm được một đội nữ thì các đội nữ sẽ được sử dụng chung một hệ thống, từ điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo trẻ đến các vấn đề về chuyên môn, huấn luyện”, bình luận viên Ngô Quang Tùng phân tích.

Cũng theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, nếu ý tưởng trên thành sự thật thì bóng đá nữ cũng sẽ có giải vô địch quốc gia mạnh, không chỉ quanh đi, quẩn lại chỉ vài địa phương như suốt mấy chục năm qua. Từ giải vô địch quốc gia mạnh, chúng ta sẽ có một đội tuyển mạnh, không phải lo về lực lượng kế thừa. Việc các cầu thủ nữ được đào tạo có lớp nang, hệ thống cũng sẽ giúp cho trình độ được cải thiện, nâng cao. Các tài năng bóng đá nữ sẽ được phát hiện từ sớm hơn chứ không phải đến tầm U14 như bây giờ. Tuy nhiên để làm được điều đó, chúng ta cần phải tạo hành lang pháp lý, phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ các CLB, các doanh nghiệp phát triển bóng đá nữ. Một việc quan trọng nữa là phải gây dựng được phong trào bóng đá nữ mạnh mà muốn vậy thì phải chú trọng đến bóng đá học đường.

Mong rằng với cú hích mang tên World Cup này sẽ khích lệ được niềm say mê bóng đá của nhiều em học sinh, sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như sự chung tay góp sức của các nhà tài trợ để thành tích của bóng đá nữ không chỉ là tia nắng lóe lên rồi vụt tắt. (Còn tiếp)

 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc