Ngẫm nghĩ từ lũy tre làng đến chung cư cao tầng

VHO- Trên mọi miền đất nước ngày nay, những “lũy tre làng” đang ít dần và những “chung cư cao tầng” đang mọc lên ngày càng nhiều. Điều đó không chỉ phản ánh sự chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông sang nền kinh tế công nghiệp, đô thị hóa mà còn là sự chuyển đổi của văn hóa cư trú, lối sống và ý thức cộng đồng.

Ngẫm nghĩ từ lũy tre làng đến chung cư cao tầng - Anh 1

Một góc lũy tre làng

 Sự biến đổi đó đang diễn ra theo từng năm tháng nhưng nó không như những “lát cắt salami” mà như sự giao thoa giữa dòng nước sông và nước biển giống như vùng “nước lợ”. Vậy trong những chung cư cao tầng còn lưu giữ được những gì của văn hóa lũy tre làng và bên trong những lũy tre xanh ấy, “hương đồng gió nội có bay đi ít nhiều”?

Lũy tre làng đang nhiều thay đổi?

Trong lũy tre làng ngày xưa, từ nhà này sang nhà kia chỉ cách nhau “một rặng mùng tơi xanh rờn”. Họ chia sẻ với nhau từng đấu gạo, mượn nhau cái cày, cái cuốc, cho nhau củ khoai, củ sắn... Gặp nhau ở đâu người ta cũng chào hỏi nhau theo thứ bậc tuổi tác, nên trong làng, ngoài xã đều quen biết nhau. Đó là văn hóa “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”.

Nhưng ngày nay có những ngôi làng chưa lên thành phố nhưng người ta đã thay rặng mùng tơi bằng những bức tường gạch đúc có cắm mảnh thủy tinh sắc nhọn. Ngày nay người ta ít gặp nhau ở “cây đa, giếng nước, sân đình...” vì nhà nào cũng có đèn điện, có ti vi, điện thoại, có nước máy... nên ít phải nhờ vả nhau hơn và hàng xóm láng giềng không còn gần gũi như xưa. Vì thế có người cho rằng, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao hơn thì tình làng nghĩa xóm sẽ phai nhạt đi? Cảm giác đó là từ cách nhìn vào hành vi ứng xử cụ thể nhưng “tình làng nghĩa xóm” còn nằm trong những giá trị văn hóa “phi vật thể” nên trong hoàn cảnh mới sẽ có hình thức biểu hiện mới. Đó là tinh thần đoàn kết trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng nhau đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường, xây trường... Những bức tường gạch không làm mất đi tình làng nghĩa xóm trong các dịp lễ hội, hiếu hỷ mà mặt khác nó còn làm giảm bớt những mâu thuẫn hiểu lầm trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy, cho dù các lũy tre làng có ít đi nhưng cái hồn văn hóa tình làng nghĩa xóm vẫn còn, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

Ngẫm nghĩ từ lũy tre làng đến chung cư cao tầng - Anh 2

 Một khu chung cư hiện đại

Chung cư cao tầng có còn tình làng nghĩa xóm?

Các khu chung cư cao tầng không còn giữ được nét cảnh quan nào của những lũy tre làng, lối sống của cư dân chung cư cũng đã đổi thay khác hẳn: Người ta vẫn gặp mặt nhau ở hành lang, thang máy nhưng hầu như rất ít khi chào hỏi nhau, dù ở cùng một chung cư nhưng không biết ai ở block nào, ở cùng một tòa nhà nhưng không biết ai ở tầng nào, kể cả những căn hộ sát vách, đối diện cũng không biết tên nhau.

Nếu chỉ nhìn từ những hiện tượng ấy thì có thể cho rằng, chung cư cao tầng không còn chỗ cho “tình làng nghĩa xóm” vì “hương đồng gió nội đã bay đi hết rồi”? Nhưng không phải hoàn toàn như thế, dường như từ khi đại dịch bùng phát, cuộc sống ngày càng khó khăn đã đánh thức những ký ức văn hóa về tình làng nghĩa xóm tưởng chừng như đã lãng quên vì quá quen với đời sống chung cư. Đến khi phải thực hiện giãn cách, phong tỏa, không đợi chính quyền phải vận động, tổ chức mà người dân chung cư đã tự lập ra các “nhóm zalo” để hình thành những phiên “chợ online”. Chỉ cần mở điện thoại di động, chọn hàng, chuyển tiền vào tài khoản và xuống sảnh nhận các túi hàng đã ghi tên người mua và địa chỉ. Họ không cần gặp mặt nhau nhưng mua bán rất sòng phẳng, không nhầm lẫn, rất thân thiện và không ồn ào như chợ truyền thống, thậm chí có ai lỡ quên chưa chuyển tiền vẫn nhận được hàng.

Đó là “văn hóa chợ thời 4.0” đang hình thành từ những khu chung cư cao tầng, tuy hình thức thể hiện hoàn toàn khác nhưng vẫn thấm đậm nét văn hóa trong các lũy tre làng xưa. Nói cách khác, tuy chung cư không có “hương đồng gió nội” nhưng “tình làng nghĩa xóm” vẫn theo con người từ các lũy tre làng về các chung cư cao tầng hiện đại và sáng tạo ra những giá trị, những hình thức mới. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc