Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nét đẹp văn hóa ẩm thực trong lễ hội xuân

Thứ Ba 15/02/2022 | 09:17 GMT+7

VHO- Trong các lễ hội xuân ở tỉnh ta, văn hóa ẩm thực mang tính đặc trưng bản địa thể hiện qua các vật phẩm dâng các vị thần, thánh. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa tinh thần mà còn thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, công lao của các vị anh hùng dân tộc, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Thổi cơm thi trong lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường)

Theo các bậc cao niên ở xã Nam Mỹ (Nam Trực), lễ hội truyền thống của xã là lễ hội chung của 2 thôn Đồng Phù và Vô Hoạn, diễn ra trong 5 ngày, từ mồng 9 đến 12-3 âm lịch. Là địa phương thuần nông nên lễ vật tế thần, tế mẫu của người dân Nam Mỹ còn giữ được nhiều nét văn hóa ẩm thực bản địa. Trước khi diễn ra lễ hội truyền thống, phụ nữ tập trung thành bản hội theo xóm để sửa soạn các lễ vật hành lễ ở các di tích: Đền Đồng Phù, Đền Đức Ông, Đền - Chùa Vô Hoạn, khu lăng mộ thờ Quế Hoa công chúa Trần Thị Ngọc Trân, Chùa Sùng Khánh. Các lễ vật ở chùa thường chay tịnh như: Oản bột, xôi, hương hoa quả; ở đền, lăng gồm: thịt gà, thịt lợn, xôi nếp, trầu, rượu, hương, hoa quả. Trong đó, gà dâng cúng là gà trống, trọng lượng khoảng 1,5 đến 2kg, mào gà đỏ tươi, nhú cao đều, lông có màu đỏ mật, chân vàng tươi, đuôi dài. Đặc biệt, trong lễ hội, vào buổi chiều muộn ngày 10-3 âm lịch, khi lo xong công việc ở Đền Đồng Phù và Đền Vô Hoạn, nhân dân làm cỗ cúng tổ tiên và Quế Hoa công chúa tại gia đình hoặc nhà thờ họ. Mâm cỗ cúng tại các gia đình ngoài các vật phẩm: thịt gà, thịt lợn, xôi, hương, hoa… còn có chè kho, bánh trôi, bánh chay. Trong đó, chè kho là vật phẩm quan trọng, không thể thiếu trong mỗi mâm cúng. Cách làm chè kho của người dân nơi đây cơ bản giống chè kho truyền thống nhưng vẫn có hương vị riêng của bản địa, nổi bật với màu vàng ươm và mùi thơm của gừng, đỗ.

Trong lễ hội Đền Giáp Tư ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) được tổ chức hàng năm vào ngày 8-2 âm lịch, người dân nô nức chuẩn bị các phẩm vật dâng Thánh Ngọc Hoa Công chúa. Trước đây thôn Tư có 14 giáp, để chuẩn bị cho lễ hội, mỗi giáp sẽ cử 1 gia đình phụ trách việc làm bánh dầy đem ra đền thi trong ngày hội. Trước thời điểm tổ chức lễ hội khoảng 5 ngày, các giáp bắt đầu công đoạn xay thóc. Quá trình xử lý gạo để làm bánh dầy cũng lắm công phu. Gạo được lựa chọn xong ngâm 1 ngày 1 đêm mới tiến hành đồ xôi, giã bánh. Trong quá trình đồ phải giữ lửa cháy đều, đảm bảo đủ nhiệt cho xôi không bị khô. Xôi còn nóng hổi được đưa vào cối. Trong làn khói nóng bốc lên, 3-5 người sẽ cùng phối hợp nhịp nhàng giã xôi sao cho nhuyễn. Mỗi khối xôi được giã nhuyễn vẫn còn nóng chuyển ngay sang cho người ở bộ phận xoa bánh. Đáy bánh được đặt lá chuối cắt hình tròn, từ đó người xoa bánh tiếp tục chỉnh cho bánh tròn theo đáy. Sau khi hoàn thành các công đoạn, bánh sẽ được để ở kiệu và rước ra đền. Tại đền, 14 giáp bốc thăm vị trí để đặt bánh; sau đó làm lễ tế dâng bánh dầy lên Thánh. Ban giám khảo cuộc thi gồm các vị cao niên trong làng sẽ chấm điểm theo các tiêu chí tinh khiết, thơm dẻo, mịn. Theo quan niệm, giáp nào đoạt giải trong cuộc thi bánh dầy thì năm đó cả giáp sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió. Sau cuộc thi, bánh của giáp nào được mang về giáp đó và từng hộ trong giáp thụ lộc. Ngày nay, thôn Tư gồm tổ dân phố số 10 và tổ dân phố số 11 tuy không tổ chức thi bánh dầy nhưng vẫn duy trì mỹ tục của các bậc tiền nhân. Cứ đến dịp lễ hội mồng 8 tháng 2, các hộ dân ở khu dân cư Bắc, tổ dân phố 10 đều bầu một gia đình đứng ra đảm nhận việc giã bánh. Các hộ thổi chung một loại xôi gạo nếp mây truyền thống rồi mang đến nơi giã bánh. Các quy trình để làm bánh dầy truyền thống ở thôn Tư trước đây vẫn được giữ nguyên. Trung bình một mẻ bánh dầy mất khoảng 5kg xôi và giã liên tục trong vòng 45 phút mới nhuyễn; mỗi mẻ nặn từ 15-17 chiếc bánh đường kính 20cm. Những bánh loại nhỏ dành để các hộ dân thắp hương báo cáo gia tiên, riêng chiếc bánh to nặng khoảng 15kg sẽ được cho vào kiệu rước ra đền lễ Thánh; sau đó tất cả tề tựu ở sân đền chia để thụ lộc. 

Ở các vùng quê khác trong tỉnh nét đẹp văn hóa ẩm thực trong các lễ hội mùa xuân vẫn được nhân dân lưu giữ đến ngày nay. Hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được mở từ 12 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Trong đó, độc đáo, sinh động, náo nhiệt nhất là trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên. Trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản) có hội chọn lợn, hội chọn gà và hội chọn cá... Một số lễ hội mùa xuân trong tỉnh đã phục dựng và duy trì nghi lễ rước nước như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), lễ hội Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên), lễ hội Chùa Nhuệ, thôn An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực), lễ hội Đình Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc (Ý Yên), lễ hội Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên)…

Nét đẹp văn hóa ẩm thực trong các lễ hội ở tỉnh ta mang sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là tưởng nhớ công lao của những người có công với quê hương đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều năm qua, tại các địa phương tổ chức lễ hội đều có nhiều hoạt động thu hút thế hệ trẻ tham gia tìm hiều truyền thống cha ông. Lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mồng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Để làm các vật phẩm dâng thánh, trước ngày hội các cụ cao niên thường tập hợp thanh, thiếu niên nhằm truyền thụ kinh nghiệm, giáo dục truyền thống... Nhờ vậy, qua nhiều năm, các vật phẩm truyền thống dâng thánh ở làng Quả Linh vẫn được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Ở huyện Ý Yên, hàng năm, các trường tiểu học: Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng và một số trường học các xã: Yên Nhân, Yên Tiến, Yên Khang, Yên Trị đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu; các vật phẩm truyền thống trong các lễ hội... sau đó các em viết bài thu hoạch. 

Công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương trong tỉnh trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa. Ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn. Các phẩm vật dâng lên các anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng bài học về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống cha ông; từ đó tiếp thêm động lực hăng say học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

BÁO NAM ĐỊNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top