Phát hiện loài gián "kỳ quái" trong miếng hổ phách 100 triệu năm

VHO - Những loài gián mắt to sống khoảng 100 triệu năm trước này có thể đã không hề sợ ánh sáng.

(Ảnh: Ryo Taniguchi, et al. The Science of Nature)

Ngày nay, gián là một loài sinh vật thường hoạt động ban đêm, nhạy cảm với ánh sáng, dễ bỏ chạy khi có ánh sáng chiếu vào đột ngột. Tuy nhiên, tổ tiên của chúng có thể đối ngược lại hoàn toàn với điểm yếu này nhờ sở hữu đôi mắt to đến mức kỳ dị, giúp chúng đối phó tốt với ánh sáng. Đó là một trong những kết luận rút ra được từ công trình nghiên cứu mẫu hóa thạch gián trong miếng hổ phách có tuổi đời lên tới 100 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết mẫu vật gián này thuộc loài Huablattula hui – một loài gián độc đáo, duy nhất và hiện giờ đã tuyệt chủng. Đây là lần đầu tiên có một mẫu hóa thạch cho phép giới khoa học nghiên cứu đôi mắt của loài này chi tiết đến như vậy. Trưởng nhóm nghiên cứu Ryo Taniguchi – nghiên cứu sinh tại khoa Khoa học Lịch sử Tự nhiên, đại học Hokkaido – Nhật Bản cho biết: “Mẫu vật gián này được bảo quản rất tốt và giữ lại được nhiều đặc điểm hình thái rất chi tiết”.

Được biết, động vật thường sử dụng các cơ quan cảm giác để định hướng môi trường xung quanh, tìm kiếm thức ăn, lẩn tránh kẻ thù và xác định vị trí của bạn tình. Vì các cơ quan này thích nghi với từng lối sống cụ thể, các nhà khoa học có thể phát hiện ra rất nhiều các đặc điểm của động vật bằng cách nghiên cứu chúng.

Tuy nhiên, áp dụng hướng nghiên cứu như vậy với các loài đã tuyệt chủng, đặc biệt là côn trùng thường gặp phải vô cùng nhiều thử thách. Các cơ quan cảm giác của chúng quá nhỏ và quá mỏng để tồn tại được trong trầm tích thời gian dài. Taniguchi nói: “Nội tạng côn trùng hiếm khi bảo quản được trong trầm tích vì chúng nhỏ và dễ vỡ. Cách giải quyết vấn đề này là chuyển hướng sang nghiên cứu các mẫu vật trong hổ phách”.

Phát hiện loài gián kỳ quái trong miếng hổ phách 100 triệu năm - Ảnh 1.

Mắt (bên trái) và râu (bên phải) của loài gián Huablattula hui (Ảnh: Ryo Taniguchi, et al. The Science of Nature)

Hổ phách là một chất bảo quản rất lý tưởng vì nó có thể bảo quản được các mô của côn trùng bị mắc kẹt bên trong. May mắn thay, con gián thuộc loài Huablattula hui này được bảo quản trong một loại vật chất như thế ở khu vực ngày nay là Myanmar.

Taniguchi và các đồng nghiệp của ông từ các trường Đại học Hokkaido và Fukuoka đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như chụp ảnh và CT để kiểm tra các cơ quan cảm giác nguyên vẹn của mẫu vật. Theo đó, những con gián cổ đại này có đôi mắt kép phát triển tốt và có cảm ứng qua râu như loài gián hiện đại. Theo Taniguchi, những đặc điểm này cho thấy loài sinh vật cổ đại này hoạt động giống những con bọ ngựa ở thời điểm hiện tại hơn.

Taniguchi hy vọng rằng các nghiên cứu về đặc điểm thần kinh, cơ quan cảm giác nhỏ bé của côn trùng sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, cung cấp cho các nhà khoa học nhiều manh mối hơn nữa về thế giới cảm giác của côn trùng thời cổ đại.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc