Hội An: Phát triển hoạt động du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời

VHO- Hội An, vùng đất có nhiều dấu ấn với sự giao thoa của nhiều nền văn hoá, có những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc, hệ thống đình, chùa, hội quán, nơi thờ tự,…linh thiêng, phong phú. Theo định hướng, từ năm nay, thành phố sẽ chú trọng hướng tới phát triển du lịch tâm linh.

Hội An: Phát triển hoạt động du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời - Anh 1

Du khách viếng thăm các hội quán, di tích tín ngưỡng tại Hội An trong những ngày đầu năm mới

Trước mắt, từ 14 - 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần (nhằm ngày 14 - 16.2), thành phố sẽ tổ chức các hoạt động Hội Tết Nguyên Tiêu để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, du khách, đồng thời cũng là cơ hội để hướng tới phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới. 
Từ sáng sớm ngày 16 Tháng Giêng, người dân và du khách đã xếp hàng trật tự tại Chùa Ông để cầu bình an, tài lộc đầu năm. 
Đây là một lễ hội mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân Hội An nói riêng nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền hiền, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Du khách đến Hội An dịp này cũng có thể tìm hiểu các văn hoá dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, cầu an, cầu phúc cho một năm mới đầy thuận lợi, cũng là cách để tìm về cội nguồn. 
Tại một số di tích tín ngưỡng ở Hội An, cộng đồng cư dân địa phương cũng cùng nhau tổ chức lễ cúng cầu an và lễ cúng đất nhằm cầu mong trời đất, các chư thần phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt, nhân dân no ấm, mạnh khỏe.

Hội An: Phát triển hoạt động du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời - Anh 2

Lễ cúng cầu bông tại làng rau Trà Quế

Nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian, tế lễ, cầu an,… cũng được người dân Hội An trang trọng tổ chức theo truyền thống tại các làng nghề như: lễ cúng Cầu Bông Trà Quế (Mồng 7 tháng Giêng Âm lịch), lễ tế Tiền hiền Kim Bồng (12 tháng Giêng Âm lịch), lễ cúng Thần nông (16 tháng Giêng Âm lịch), … Những hoạt động tâm linh là một trong những nền tảng để thành phố định hướng phát triển du lịch trong thời gian đến, vừa tạo ra lợi thế bảo tồn và phát huy những giá trị lâu đời của địa phương; vừa là nơi để người dân và du khách hướng về những giá trị tâm linh, giá trị tinh thần tốt đẹp.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết các hoạt động được tổ chức trên tinh thần vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách; vừa đảm bảo an toàn, các quy định về phòng chống dịch Covid 19, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. 

Hội An: Phát triển hoạt động du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời - Anh 3

Du khách thực hiện các quy định về phòng chống Covid-19 khi tham gia các hoạt động 

Với sự phong phú về tập quán, tín ngưỡng, mỗi ngôi chùa, hội quán nơi đây mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng nền văn hoá về cả kiến trúc, cách thờ tự cũng như lễ cúng bái. Và điều đặc biệt đó đã giúp Hội An trở thành điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến….
Thời gian qua, thành phố Hội An cũng phát động cộng đồng  giữ gìn, phục dựng những văn hóa truyền thống đẹp như phục dựng cây nêu ngày Tết, hỗ trợ một phần chi phí để thực hiện dựng nêu ngày Tết tại các di tích, các điểm sinh hoạt văn hóa thôn/khối phố, tham gia chấm chọn cây nêu đẹp,…

Hội An: Phát triển hoạt động du lịch tâm linh, bảo tồn các giá trị văn hóa lâu đời - Anh 4

Di tích đình Hội An được tu bổ để đưa vào điểm tham quan của thành phố

Bên cạnh đó, cũng chú trọng công tác quản lý, bảo tồn các di tích, di sản để phát huy lợi thế theo định hướng hoạt động du lịch tâm linh. Trong năm vừa qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã hoàn thành 100% công tác vẽ ghi kiến trúc Hội quán Ngũ Bang; trình hồ sơ xin xếp hạng di tích cấp Tỉnh đối với đình Hội An; hoàn thành lý lịch di sản Tết Nguyên tiêu để bổ sung hồ sơ trình công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong thời gian đến; sưu tầm tư liệu để tham mưu phương án phục hồi và phát huy hoạt động tống Long Chu; triển khai thực hiện Phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích đình Hội An, tổ chức Lễ an vị tại di tích,… 
Qua đó góp phần bảo tồn giá trị của các di tích nói riêng và cảnh quan, kiến trúc khu phố cổ nói chung, đáp ứng nhu cầu về địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, đồng thời tạo thêm các điểm tham quan gắn với điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng về truyền thống văn hóa Hội An cho du khách đến Hội An,..
“Thời gian đến, thành phố cũng định hướng phát triển hoạt động du lịch tâm linh, phát huy lợi thế là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều các đình, chùa, hội quán, nơi thờ tự … linh thiêng. Đồng thời cũng là cơ hội để bảo tồn và phát huy những giá trị lâu đời của địa phương”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin thêm. 

THU HOÀI
    

Ý kiến bạn đọc