Pháp luật về điện ảnh Việt Nam- Thực trạng và giải pháp

VHO- Ngày 19.2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam – thực trạng và giải pháp”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng khóa XIV chủ trì hội thảo.

Pháp luật về điện ảnh Việt Nam- Thực trạng và giải pháp - Anh 1

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, các ý kiến tại hội thảo đã góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng một hành lang pháp lý thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển

Hội thảo một lần nữa nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, sau 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định không còn tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; thiếu quy định điều chỉnh vấn đề phát sinh trong thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển điện ảnh trong tình hình mới. Bên cạnh đó, thực trạng thi hành Luật và hoạt động điện ảnh những năm qua cho thấy còn không ít khó khăn, bất cập phát sinh từ thể chế và thực tiễn đòi hỏi cần được nghiên cứu, đánh giá để đề xuất xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động điện ảnh, đáp ứng yêu cầu phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

“Để hoàn thiện chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh; hoàn thiện và phát huy các cơ chế trong mọi hoạt động điện ảnh, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam trở thành nền công nghiệp điện ảnh, có vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế... cần phải tiếp cận, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về điện ảnh, từ các khái niệm cơ bản đến một số vấn đề lý luận pháp luật về điện ảnh cũng như kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về điện ảnh ở nước ngoài và trong nước...”, ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh.

Đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” tập trung đánh giá một cách khách quan, khoa học và toàn diện về thực trạng pháp luật về điện ảnh Việt Nam, từ đó đưa ra các kiến nghị giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về điện ảnh.

Pháp luật về điện ảnh Việt Nam- Thực trạng và giải pháp - Anh 2

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định,  đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”  sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi thành công

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất nhận định, đây là đề tài có ý nghĩa cấp thiết khi Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Điện ảnh, đã khái quát vấn đề lý luận, thực tiễn, chính sách pháp luật điện ảnh và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phát triển điện ảnh. Được thực hiện song song với việc sửa đổi Luật, Ban chủ nhiệm đề tài đã có những góp ý cho dự án luật, đồng thời tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các góp ý cho dự thảo Luật. Một số ý kiến tại hội thảo cũng tập trung vào cấu trúc đề tài, đối tượng và phạm vi nghiên cứu; đề xuất bổ sung một số khái niệm, nội dung về pháp luật điện ảnh và thách thức từ công nghệ mới; phân tích làm rõ các giải pháp và kiến nghị đề tài cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nhìn từ góc độ khoa học thì thước đo của một đề tài nghiên cứu chính là việc đánh giá đúng và giải quyết vấn đề thực tiễn. Ở đây, đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”  sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi thành công.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đề tài được thực hiện song song với việc sửa đổi Luật Điện ảnh có ý nghĩa rất lớn khi nhiều nội dung của đề tài đã được chuyển hóa thành các vấn đề trong Luật. Nhờ vậy, đề tài đã gợi mở nhiều vấn đề, giải pháp phát triển điện ảnh Việt Nam gắn với bối cảnh trong nước và quốc tế. “Có thể nói đây là đề tài tham khảo giá trị cho nhà quản lý và nghiên cứu về điện ảnh. Với nội dung đề tài rộng, nhiều câu chuyện của điện ảnh Việt Nam có thể soi chiếu từ nhiều góc nhìn thực tiễn...”, bà Lan nói và cho rằng, chất liệu trong đề tài quá nhiều và phong phú, vấn đề là chế biến "món ngon" như thế nào.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, góp ý của các đại biểu tại đã góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề, nhất là những nội dung chưa có quan điểm chung. Từ những góp ý trên, đề tài cần đi sâu vào lý luận, qua thực tiễn chứng minh, làm rõ những vấn đề mới, trọng tâm; đặc biệt là đưa ra được những kiến nghị, đóng góp thiết thực cho việc sửa đổi Luật Điện ảnh.

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc