Hậu trường chuyện lùm xùm loại ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư: Có ý kiến, sẽ phải xem xét kỹ

VHO- Cuối cùng, việc xét phong Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2021 vẫn nảy sinh những lùm xùm khi nhiều ứng viên bị loại, có ứng viên xin rút vì những nguyên nhân khác nhau.

Hậu trường chuyện lùm xùm loại ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư: Có ý kiến, sẽ phải xem xét kỹ - Anh 1

 Các thầy cô giáo Viện Công nghệ Môi trường đang trao đổi làm việc các kết quả nghiên cứu Ảnh mang tính minh họa

Theo công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính đến ngày 15.2.2022, có 78/451 ứng viên GS, PGS bị loại khỏi danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021.

Nhiều ứng viên bị loại

Ngành Toán là ngành có số ứng viên bị loại đông nhất, gần 60%. GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học khi chia sẻ về điều này cũng cho biết hội đồng ngành vẫn thực hiện quy trình xét hồ sơ như năm trước, nhưng việc bị loại đến gần 60% cũng hơi bất thường.

Ông Hoa cho biết thông thường Hội đồng Giáo sư cơ sở khi xét hồ sơ nghiêng nhiều về tiêu chí hành chính, như văn bản liên quan, thâm niên đào tạo, kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên… Có những ứng viên đảm bảo các tiêu chí, hồ sơ gửi lên hội đồng ngành. Hội đồng ngành, liên ngành sẽ tiếp tục xem xét năng lực chuyên môn, định hướng nghiên cứu của ứng viên và tính điểm quy đổi bài báo khoa học, sách, kết quả ứng dụng khoa học công nghệ… Vì thế trong khâu này nhiều ứng viên bị loại, đó là việc bình thường. Mặt khác, có những trường hợp cách hiểu của hội đồng cơ sở và hội đồng ngành, liên ngành khác nhau. Ví dụ, quy định về giờ dạy, ở hội đồng cơ sở chỉ cần xem xét ứng viên hoàn thành định mức giờ dạy của trường, nhưng ở Hội đồng Ngành sẽ xem xét theo quy định số giờ chuẩn giảng dạy, số công trình nghiên cứu được quy đổi…

Tuy nhiên cũng có ứng viên đợt này bị loại ở Hội đồng ngành do sự thiếu chuẩn chỉ. Ví dụ hồ sơ không có chữ ký ban giám hiệu trường như quy định. Hoặc có ứng viên có điểm nghiên cứu xuất sắc nhưng trên các bài báo khoa học lại không ghi nơi mình công tác. Cùng với ngành Toán, liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa đợt này cũng có 13/26 ứng viên GS, PGS bị loại, trong đó có 4 ứng viên GS và 9 ứng viên PGS (bằng 50%). Theo GS.TSKH Hồ Đắc Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện- Điện tử-Tự động hoá, cho biết những ứng viên bị loại rơi vào 2 tình huống: Chưa đạt điều kiện và chưa chuẩn bị tốt cho phiên báo cáo, trả lời chất vấn nên số phiếu tín nhiệm không đạt.

Theo quy định ở hội đồng ngành, liên ngành, mỗi hồ sơ của ứng viên sẽ được 3 giáo sư cùng chuyên ngành thẩm định. Sau đó, các ứng viên sẽ phải trả lời chất vấn của hội đồng bằng tiếng Anh. Ở phiên chất vấn, nội dung liên quan tới tính liêm chính trong khoa học được hội đồng chú ý nhiều hơn. Đặc biệt khi những vấn đề chưa rõ, gây tranh cãi, có tố giác… sẽ được xem xét kỹ và chất vấn tại phiên báo cáo khoa học của ứng viên.

Bị tố, có ứng viên xin rút hồ sơ

Ồn ào trong những ngày qua còn có trường hợp một ứng viên chức danh PGS bị tố, liên quan tới tính liêm chính trong bài báo khoa học.

Ứng viên này khai có 43 bài báo khoa học trên tạp chí trong ngoài nước, trong đó có 8 bài đăng trên tạp chí uy tín thế giới. Nhưng theo tố giác, cả 8 bài đều không đạt yêu cầu. Người tố giác chỉ rõ có dấu hiệu đạo văn trong một số bài báo khoa học của người này. Và sau khi loại các bài không đạt, người này không đủ điều kiện cứng để phong phó giáo sư. Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc, trong hai năm xét công nhận tiêu chuẩn GS, PGS ông nhận được 4 lần thư tố cáo đối với ứng viên này. Tuy nhiên ông Việt Anh cũng cho hay Hội đồng đã xem xét cẩn trọng, khách quan. Trong số 43 bài báo được ứng viên này kê khai, Hội đồng chỉ chấm điểm 25 bài. Trong đó với 8 bài báo kê khai đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, Hội đồng chỉ chấm 2 bài với số điểm không cao. Tuy nhiên, theo quy định ứng viên này vẫn đủ điều kiện nên Hội đồng liên ngành vẫn gửi hồ sơ lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Một ứng viên chức danh Giáo sư bị hoài nghi khi có bài báo bàn về chính trị, nhưng lại đăng trên tạp chí chuyên về giáo dục Toán học và Máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ. Ứng viên này kê khai 8 bài báo trên tạp chí WoS (ISI) và Scopus. Tuy nhiên, bài báo bàn về chính trị, nhưng lại đăng trên tạp chí chuyên về giáo dục Toán học và Máy tinh đã bị Hội đồng gạt vì chưa phù hợp. Giải thích về việc kê khai bài báo này, ứng viên cho biết trong quy định về chỉ số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế không nói rõ bắt buộc bài báo phải đăng trên tạp chí nào nên có thì kê khai, không phù hợp thì thôi. Tuy nhiên, khi thấy lùm xùm từ việc này, ứng viên đã chủ động xin rút hồ sơ. Việc này đã được GS.TS Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chính trị học- Triết học- Xã hội học, xác nhận và có văn bản giải trình sự việc với Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, trong đợt xét phong GS, PGS đợt này có 20 kiến nghị liên quan tới ứng viên. Trong đó có 2 đơn cụ thể, còn lại là phản ánh nặc danh. So với năm trước thì năm nay ít đơn thư hơn. Nhưng cứ xét là sẽ có ý kiến, chỉ là ít hay nhiều, mức độ thế nào.

Tính liêm chính trong khoa học, theo ông Tuấn vẫn là vấn đề lớn được đề cập trong các đơn thư tố giác, hay ý kiến liên quan tới các ứng viên. Ngoài việc “tố” về những bài báo có dấu hiệu đạo văn, không phù hợp, hay có hiện tượng đăng nhiều bài báo trong một thời gian ngắn..., trách nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước là khi nhận đơn thư, thậm chí là chỉ thấy có ý kiến phản ánh, thông tin lùm xùm trên mạng xã hội cũng sẽ phải đề nghị Hội đồng ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát lại. Hội đồng ngành, liên ngành sẽ phải xác minh từng trường hợp cụ thể, chất vấn ứng viên và có giải trình từng trường hợp với Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Những năm gần đây việc công khai lý lịch khoa học của ứng viên cũng là điểm tốt để xã hội, cộng đồng nghiên cứu khoa học cùng giám sát. Nhiều dấu hiệu bất ổn được phát hiện sau khi công bố. Từ kênh thông tin xã hội về ứng viên, các hội đồng ngành, liên ngành có thêm cơ sở để xác minh những vấn đề được nêu về ứng viên. 

 Vấn đề lớn được đề cập trong các đơn thư tố giác, hay ý kiến liên quan tới các ứng viên. Ngoài việc “tố” về những bài báo có dấu hiệu đạo văn, không phù hợp, hay có hiện tượng đăng nhiều bài báo trong một thời gian ngắn..., trách nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước là khi nhận đơn thư, thậm chí là chỉ thấy có ý kiến phản ánh, thông tin lùm xùm trên mạng xã hội cũng sẽ phải đề nghị Hội đồng ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát lại. Hội đồng ngành, liên ngành sẽ phải xác minh từng trường hợp cụ thể, chất vấn ứng viên và có giải trình từng trường hợp với Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

(Ông TRẦN ANH TUẤN, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước)

 KỲ THANH

Ý kiến bạn đọc