Du lịch Quảng Ngãi tạo sức bật mới

VHO- Tỉnh Quảng Ngãi xác định đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch, xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025.

Du lịch Quảng Ngãi tạo sức bật mới - Anh 1

Khu du lịch Suối Chí hút khách với trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên

Tín hiệu vui là trong những tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc, tính riêng trong tháng 2 doanh thu ước đạt 27 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lượt khách ước đạt 62.000 lượt người, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTTDL, sự khác biệt của du lịch Quảng Ngãi so với các tỉnh khác trong cùng khu vực đó chính là biển, đảo mà Lý Sơn làm đại diện cùng văn hóa Sa Huỳnh với những đặc tính hoang sơ, bình yên, chứa đựng kho tàng giá trị về di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn chưa được biết đến. Điều này sẽ thôi thúc du khách khám phá sự độc đáo, riêng có của điểm đến Quảng Ngãi, nhất là đối với du khách trẻ tuổi, thích khám phá.

Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, ngành VHTTDL và các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và tham quan của du khách, nhất là trong thời điểm thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Trong đó có làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ, trải nghiệm văn hóa dân tộc Hrê (huyện Ba Tơ), du lịch miệt vườn Bình Thành (huyện Nghĩa Hành)... Xu hướng du lịch xanh, trải nghiệm nông thôn dự báo sẽ phát triển mạnh và ngày càng nổi trội trong thời gian tới bởi những yếu tố văn hóa từ kinh tế nông nghiệp, người dân chân thành, mộc mạc, dân dã. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh thì những gì du khách cần là chất thôn quê đó để được thư giãn, thoải mái và vui vẻ.

Đến với làng Bình Thành, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm với nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, chế biến các món ăn dân dã: Bánh xèo, ram bắp, bánh ít, bánh chưng, các món cá lóc nướng trui, nướng muối ớt, cá trê nướng mắm gừng... kết hợp với những vườn trái cây như một miền Tây thu nhỏ ở vùng trung du Nghĩa Hành. Từ đây, các đơn vị lữ hành sẽ xây dựng một tour du lịch kết nối với các vùng khác để tạo nên vòng tròn khép kín trên tuyến du lịch TP Quảng Ngãi - Bình Thành - Suối Chí - KDL Thác Trắng (Minh Long) - Khu bảo tồn văn hóa Hre tại xã Ba Thành (Ba Tơ).

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: “Đến với Bình Thành, du khách sẽ được hưởng không khí bình yên những gì thân thiện nhất của một miền quê. Từ đây sẽ lan tỏa du lịch cộng đồng ở những địa phương khác trên địa bàn huyện. Địa phương cũng đang kêu gọi sự đầu tư về ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Năm 2022 là năm đầy thách thức với lĩnh vực du lịch, vì vậy việc đẩy mạnh các chương trình, giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển là nhiệm vụ được các ngành, các địa phương tập trung thực hiện. Với tiềm năng vốn có cùng với nhiều gói trải nghiệm mới và vô số những chính sách hấp dẫn từ các điểm đến trong năm, Quảng Ngãi đặt mục tiêu sẽ đón 720.000 lượt khách du lịch. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc