“Làng di sản” bên bờ sông Cái

VHO- Làng Phú Lộc ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) là ngôi làng cổ với hơn 20 di tích đã được xếp hạng. Vì vậy, làng Phú Lộc còn được gọi là làng di sản. Dù trải qua hàng trăm năm nhưng nhiều nghề truyền thống như đúc đồng, làm bánh, bún… vẫn còn được người dân lưu giữ đến ngày nay.

“Làng di sản” bên bờ sông Cái - Anh 1

 Di tích quốc gia Văn Miếu Diên Khánh

Đến Phú Lộc những ngày này được tận mắt chứng kiến làng quê yên bình với đường sá khang trang, những ngôi nhà cổ xưa soi bóng xuống lòng sông Cái. Ven làng người dân vẫn trồng ngô, đậu, cây ngắn ngày, trồng lúa nước… tạo nên một làng quê thật yên bình.

Theo lời ông Đỗ Tám - người cao niên trong làng, xưa làng quê rất trù phú, người dân làm nhiều nghề thủ công để phát triển kinh tế. Dọc đôi bờ sông Cái nhiều bến đò ngang chở khách qua lại, giao thương phát triển và đông vui, thương lái cũng đổ về đây buôn bán giao thương. Cuộc sống người dân luôn tươi vui, tình làng nghĩa xóm luôn gắn bó nồng hậu. Ngày nay, dù trải qua bao thăng trầm, nhưng làng quê Phú Lộc vẫn giữ được vẻ đẹp thuần hậu với hàng cau, vườn dừa thẳng tắp. Những đêm trăng, dưới ánh sáng huyền ảo, hình ảnh những linh vật long, lân, quy, phụng… trên những mái đình, mái chùa như tăng thêm vẻ cổ kính, linh thiêng.

Theo tài liệu sử sách từ giữa thế kỷ XVII, cư dân từ Huế theo chân Chúa Nguyễn đến định cư ở đất Khánh Hòa và sau đó hình thành ngôi làng Phú Lộc. Làng quê Phú Lộc đất không rộng, nhưng lại tập trung đông dân cư. Và cư dân nơi đây đã tạo nên bề dày văn hóa với hơn 20 di tích vẫn còn phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân. Nhiều người còn gọi làng Phú Lộc là làng di sản văn hóa. Nơi đây có Di tích cấp quốc gia Văn miếu Diên Khánh; di tích cấp tỉnh Đình Phú Lộc; hệ thống di tích Miếu thờ Thiên Y A Na với 4 ngôi miếu Tam Tòa, Cây Ké, Cổ Chi, Tứ Chánh...

“Làng di sản” bên bờ sông Cái - Anh 2

 Nghề đúc đồng ở Phú Lộc

Trong làng có đến 4 ngôi chùa lớn với kiến trúc, hoa văn, họa tiết nghệ thuật điêu khắc tinh xảo; 24 nhà thờ họ. Tất cả những di tích, di sản văn hóa đó đều có số lượng lớn so với quy mô của một làng quê.

Dân làng Phú Lộc bao đời nay cũng nổi danh với những nghề thủ công truyền thống. Nghề đúc đồng Phú Lộc với sản phẩm chủ yếu là các loại đèn thờ, lư hương, chuông, linh vật phục vụ cho nhu cầu tâm linh.

Ông Biền Ngọc Triều (55 tuổi), đời thứ 5 của dòng họ Biền chuyên đúc đồng kể: “Ông nội tôi năm nay đã 95 tuổi, là người chỉ dạy cho chúng tôi gắn bó với nghề đúc đồng này, không biết nghề đúc đồng nơi đây có từ bao giờ, chỉ biết trước ông nội tôi đã có nhiều thế hệ gắn bó với nghề này”. Cũng theo anh Triều, các sản phẩm đồng ở làng Phú Lộc khá đa dạng: Từ khay đồng, mâm đồng, chum đồng cho đến các loại dàn đèn đồng. Những năm qua các sản phẩm đúc đồng tiêu thụ nhiều nên không khí làm việc tại làng đúc đồng rất gấp gáp, hối hả. Người từ các địa phương kéo nhau đến đặt mua các loại lư hương, dàn đèn đồng về trưng lên bàn thờ. Những sản phẩm có giá khác nhau tùy thuộc vào kích thước, hoa văn. Loại ít tiền cũng cỡ 1 triệu đồng/bộ, loại lớn hơn thì khoảng 10 triệu đồng/bộ, trừ đi chi phí năm nào gia đình anh Triều cũng thu về trên 100 triệu đồng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, người dân nơi đây đã chế tạo vũ khí cho nghĩa quân đánh giặc. Còn nghề làm nón tuy chỉ có vài chục gia đình theo đuổi, nhưng hình ảnh những người bà, người mẹ cặm cụi chằm nón, đan nón với đôi tay thoăn thoắt cũng mang đến những nét đẹp riêng. Ngoài ra còn có nghề làm bánh tráng, làm bún, làm phở cũng góp phần tạo nên sắc màu cho làng quê nơi đây…

 XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc