Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Băn khoăn những quy định "tuýt còi"

VHO- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa tổ chức Hội nghị Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại TP.HCM với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà làm chính sách, người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và nhiều cá nhân quan tâm…

Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Băn khoăn những quy định

 Các ý kiến tại Hội nghị tập trung nhiều vào quy định về hành vi bị nghiêm cấm

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đồng chủ trì. Đây là Hội nghị lấy ý kiến lần cuối trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, tổ chức vào tháng 5 tới.

Cần cụ thể hơn những điều cấm

Tại Hội nghị, ông Phan Viết Lượng đã báo cáo một số nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đến ngày 18.2.2022. Hầu hết ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất cho rằng Dự thảo Luật đã có sự lắng nghe, thay đổi mang tính toàn diện hơn so với các dự thảo trước đó. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh cần thiết phải bổ sung và cụ thể một số nội dung. Trong đó, các góp ý tập trung nhiều vào quy định về hành vi bị nghiêm cấm; việc cấp phép, thẩm định, phân loại phim; kiểm duyệt phim…

Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Dự thảo sửa đổi đến thời điểm này ông rất nhất trí, đặc biệt là Điều 5 và Điều 6 về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên Điều 9 về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm vẫn còn chung chung. Điều 17 về xuất khẩu phim, ông Kim đề nghị có thêm quy định khống chế số lượng phim nhập khẩu. Theo ông, nếu không hạn chế thì sẽ nảy sinh hai vấn đề: Không nâng đỡ được phim nội địa và kinh doanh sẽ yếu thế hơn. Do đó, việc khống chế, quản lý số lượng phim nhập khẩu hằng năm là cần thiết, nếu không hạn chế được số lượng cụ thể thì hãy hạn chế thể loại.

Cùng mối quan tâm về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo Luật, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói: “Tôi nhất trí với hầu hết Điều 9, tuy nhiên, tôi băn khoăn quy định “tiết lộ bí mật đời tư cá nhân” (tại Điểm e Khoản 1) còn mơ hồ, và điều này vô hình trung sẽ hạn chế quyền tự do sáng tác. Trên thực tế, điện ảnh vốn là hiện thực của đời sống nhưng nó được nghệ thuật hóa, được hư cấu, xây dựng theo cấu trúc hợp lý, nó có thể giống bất cứ một trường hợp nào đó ngoài đời. Điều này đã xảy ra ở các hội văn học nghệ thuật địa phương, một số anh em bị khai trừ chỉ vì làm tác phẩm văn học, tiểu thuyết… giống một nhân vật là lãnh đạo địa phương, theo chúng tôi đó là điều đáng tiếc”.

“Khi đọc Dự thảo Luật, tôi thấy nội dung về quản lý, kiểm soát được đẩy mạnh hơn trong khi các quy định lại không cụ thể, khó cho người làm phim. Ví dụ, làm một bộ phim về đề tài Bạch Đằng giang chẳng hạn, chắc chắn sẽ rất tốn tiền nhưng các nhà đầu tư lại luôn ngại liệu phim có được duyệt hay không, vì Luật đang quy định không được làm phim gây thù hằn, kích động chiến tranh, trong khi đây rõ ràng là phim đề tài chiến tranh”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh băn khoăn.

Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Băn khoăn những quy định

 Phim “Ròm” có số phận long đong nhưng cái kết lại “có hậu”

Địa phương này cấp phép thì địa phương kia có ý kiến khác?

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ, Điều 27 về thẩm quyền cấp phép phân loại phim, nhiều ý kiến khác nhau cho rằng năng lực, tổ chức thực hiện nội dung này ở từng địa phương có khác nhau, có thể dẫn đến bất cập khi địa phương này thì cấp phép, địa phương kia lại có ý kiến khác. “Kể cả trong quá trình xây dựng Nghị định 144 vừa rồi, chúng tôi cũng tham gia góp ý rất nhiều, ở góc độ TP.HCM sôi động, có nhiều tiềm năng, sức sáng tạo mạnh mẽ, cần một sự “cởi trói” cơ chế để có thể phát huy vai trò, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Và chúng tôi hoàn toàn thực hiện quyền tự quyết của địa phương trong thẩm quyền của mình”, bà Thúy nói và cho rằng việc phân cấp cho các địa phương để tạo điều kiện trong định hướng đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh cho lĩnh vực điện ảnh.

Lãnh đạo Sở VHTT TP.HCM ủng hộ việc thẩm định phân cấp phân loại phim. “Hiện Hội đồng nghệ thuật trong các lĩnh vực khác đều vận dụng sức sáng tạo và cả tư duy, khả năng rất lớn của các thành phần trong xã hội, đó là đại diện các hội văn học - nghệ thuật, các chuyên gia, thì đối với điện ảnh, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc phải có những hội đồng tư nhân thẩm định, phân loại phim, làm nhiệm vụ tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước”, vị này nói.

Đạo diễn Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, đang có sự quá tải trong công tác duyệt phim. “Nên chăng các hội nghề nghiệp với rất nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về lý luận phê bình… có thể đủ các điều kiện về thời gian và trình độ để tham gia giúp cho Hội đồng duyệt”, ông Tú nói.

Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đồng nhất việc mở rộng, xã hội hóa để cho các thành phần tham gia, không có sự can thiệp nào. “Chúng tôi rất cố gắng làm sao có được Quỹ phát triển điện ảnh; có những ưu đãi về thuế; hoàn thuế đối với các đoàn làm phim nước ngoài để khuyến khích đầu tư, phát triển điện ảnh tại Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Về thành lập Hội đồng duyệt phim, Thứ trưởng cho rằng, lâu nay quan niệm Hội đồng này toàn “những người của nhà nước” là không đúng. Trong Hội đồng duyệt phim chỉ có 3 người ở Cục Điện ảnh là thư ký và 1 chuyên gia, còn lại 8 người là của các đơn vị không làm cho nhà nước. Chức năng của Hội đồng chỉ là xác định vai trò nghệ thuật, còn phim được phổ biến hay không là do Cục Điện ảnh quyết định dựa trên ý kiến Hội đồng nghệ thuật. Vì thế, việc thành lập Hội đồng là trách nhiệm UBND TP, của Sở, các Bộ, ban, ngành theo đúng luật… “Chúng tôi rất mong có thêm nhiều thành phần tham gia trong Hội đồng, nhưng hiện nay duyệt phim là trách nhiệm rất nặng nề, mất thời gian và không có nguồn kinh tế, vì thế không có nhiều người muốn ngồi. Qua đây, tôi mong muốn các địa phương tự lập Hội đồng của mình, tự phân loại, tự xét cho phim phổ biến hay không, còn địa phương nào không có khả năng thì chúng tôi có phương án 2, quay lại Hội đồng của Cục. Hiện Hà Nội đã xin rút, tôi mong muốn TP.HCM sẽ đảm đương một phần”, Thứ trưởng bày tỏ.

Thứ trưởng cũng cho hay, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xây dựng với mục đích hỗ trợ cho nền điện ảnh phát triển, do đó các quy định, điều khoản đều hướng tới việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhà làm phim chứ không hề bó hẹp hay mở rộng việc quản lý. 

 THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc