Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Người đảng viên với nhóm từ thiện xả thân hỗ trợ người dân (Bài 1): Khơi dậy sự xả thân để chở hàng vào tâm dịch

Thứ Sáu 25/02/2022 | 10:26 GMT+7

VHO-  Trong lá thư gửi Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông Nguyễn Thanh An, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã khen một nhà báo “hết lòng vì nhân dân, không quản gian khó, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là trung tá, nhà báo Lê Văn Chương, hiện đang công tác tại Văn phòng đại diện Báo Biên phòng tại Quảng Ngãi, cộng tác viên của Báo Văn Hóa. Anh đã lập nhóm thiện nguyện Nối vòng tay Việt tại Quảng Ngãi để quyên góp hàng nông sản giúp người dân TP.HCM giữa bão dịch Covid-19 trong năm 2021.

Tháng 7.2021, khi đại dịch bùng phát, phủ bóng tang thương xuống TP.HCM, nhà báo lính Lê Văn Chương đã cùng bạn hữu lập nhóm thiện nguyện, quyên góp hiện vật để gửi vào cho bà con.

 Nhà báo Lê Văn Chương, “mình là đảng viên mà thấy người dân khó khăn thì càng không thể ngồi yên”

 Xót lòng nghe kêu cứu!

“Anh em mình phải làm gì và làm nhiều hơn bình thường để hỗ trợ người dân ở TP.HCM; các chương trình quyên góp của hội, đoàn thể thường sẽ không thể kéo dài, vì mọi người phải quay về việc chuyên môn” - đó là câu chuyện về việc tổ chức quyên góp giúp người dân TP.HCM được nhà báo lính Lê Văn Chương và thầy giáo Phan Ánh Quang thông qua rất nhanh vào ngày 15.7.2021, đó là ngày các tin nhắn xin gạo, rau, củ, quả bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội.

Trung tá Lê Văn Chương kể, vào giờ phút đó, không một tin nhắn nào nhắc đến chữ “cá, thịt, mắm, tôm…”. Mọi người chỉ cần đủ ăn, đủ sống để cầm cự trong những căn nhà trọ, tầng chung cư nơi thành phố đông dân cư nhất nước.

Từ một ngôi nhà chung cư ở quận Gò Vấp, một thanh niên tên Lành, quê ở Quảng Ngãi làm nghề may mặc đã nhắn tin cầu cứu vào lúc nửa đêm và cậu cho biết “em không thể bước ra khỏi phòng, tầng trên bị, mé bên cũng có người bị thì trước sau gì cũng tới em; vì nó (virus) bay trong không khí; em chỉ cần mong một túm đường phèn, gừng, sả, chanh, lá tía tô”.

Kêu cứu, nhiều nhất vẫn là người dân ở xa đến tạm cư, người lao động. Lời nhắn kêu cứu trên mạng xã hội khiến anh em ở điểm cầu cứu trợ chạnh lòng. Nhưng cú điện thoại của nhà báo Nguyễn Duy Trung, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã khiến điểm cầu Quảng Ngãi càng nóng hơn.

Là một người lính, một người đảng viên, anh Chương tâm sự, mình không thể nào ngồi yên nhìn đồng bào trong cảnh tang thương, nên phải cố gắng thật nhiều, làm lan tỏa tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng điều lo lắng nhất là tìm kiếm phương tiện.

“Ai sẽ tình nguyện lái xe vào tâm dịch”, dòng status ngắn gọn trên trang cá nhân của nhà báo Lê Văn Chương, cùng với đó là hình ảnh quyên góp, phương châm hành động vì người dân miền Nam đã lập tức được hai bạn trẻ Nguyễn Hoàng Lê Nguyên và Trương Quang Trí, từng là quân nhân xuất ngũ ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ, tham gia.

 Bộ đội Biên phòng TP.HCM mang trái cây của nhóm thiện nguyện Nối vòng tay Việt gửi tặng các bệnh viện tuyến đầu

Lên dây cót tinh thần

Khi dịch vừa bùng phát, xe chở hàng cứu trợ của rất nhiều tỉnh, thành treo băng đỏ với nội dung hướng về TP.HCM nối đuôi nhau. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam… đều lập điểm cầu cứu trợ. Mặc dù hàng đi vào Nam với số lượng lớn, nhưng hàng tới nơi và chẻ nhỏ, đi vào từng ngách phố là bài toán không đơn giản và không phải lái xe nào cũng đủ bản lĩnh, chấp nhận rủi ro. “Chốt dày đặc, qua chốt nào cũng xét giấy tờ, mỗi lần cầm giấy cất vào ca bin, em lại lạnh người vì không rõ virus có dính theo hay không”, anh Duy lái xe tâm tình.

Chuyến xe đầu tiên rời Quảng Ngãi vào TP.HCM ngày 18.7, do hai lái xe Trương Quang Trí và Nguyễn Hoàng Lê Nguyên điều khiển. Trên đường đi, cứ qua một chốt thì xe phải chờ 40- 60 phút. Hình ảnh các lái xe gửi về là đoàn xe dài hàng km và lái xe phải bước xuống để làm thủ tục khai báo y tế thấy rất vất vả, trung tá Chương đã động viên anh em và tiếp thêm sinh lực cho họ.

Những chuyến đi tiếp theo, ông Hà Văn Bảy (cựu chiến binh) đã được các nhà báo kết nối, tình nguyện tham gia; Công ty vận tải Phạm Gia cũng đồng hành chở hàng vào những khu vực sâu hơn trong nội thành. Nơi có rất nhiều người dân lao động tạm trú và gửi đi nhiều tiếng kêu cứu như quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân…Và những tình nguyện viên lái xe đã chấp nhận dấn thân, đi qua nhiều chốt để tiếp cận sâu hơn.

Tình nguyện viên tham gia nhiều nhất là Công ty vận tải Ba Thanh, đơn vị này liên tục hỗ trợ chuyến xe 0 đồng, đưa xe đi qua những “vùng đỏ” đầy rào chắn, những ngôi nhà thấp thoáng chiếc rổ chờ đợi.

 Bà Nguyễn Thị Thanh (thứ hai từ phải), Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải chi nhánh Quảng Ngãi; nhà báo Trần Cao Tánh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tặng quà cho lái xe trước giờ vào TP.HCM

Đồng cảm tạo nỗ lực

Vào một ngày đầu tháng 8.2021, trên con đường dẫn từ quận 12 TP.HCM vào nội thành, một chiếc xe mang biển kiểm soát của Công an TP.HCM chở chuyến hàng từ xe tải 76 H-010.08 đi qua chốt để về trụ sở Báo Công an TP.HCM ở địa chỉ 110 Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM. Từ địa chỉ này, các nhóm thiện nguyện tới tiếp nhận một ít hàng của nhóm Nối vòng tay Việt để mang đi san sẻ cho bà con ở các khu phố, phần còn lại là Báo Công an TP.HCM điều phối, hỗ trợ cho bà con nghèo ở các con hẻm đặt rổ trước nhà.

Được sự động viên của nhà báo Lê Văn Chương, những chuyến hàng đột phá sâu vào vùng nội thành và vượt qua muôn trùng giăng dây có khi phải vận dụng các loại xe như vậy. Có nhiều chuyến, các tài xế: Huỳnh Công Phụng, Trịnh Hoàng Vỹ, Phan Văn Lâm, Nguyễn Tấn Hùng, Đặng Quang Tùng, Bùi Thế Lạc… đã lái xe vào sâu trong nội thành. “Nhìn chung là cũng lo, nhưng nghe bà con kêu quá nên anh em chấp nhận dấn thân, đi vô vùng nguy hiểm để hỗ trợ cho bà con mình…”, các lái xe đều chia sẻ.

Những chuyến đi vào đầu tháng 8.2021, các xe chở hàng vào thẳng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM ở quận 1, là “vùng đỏ” để giao hàng. Khi xe vừa lọt qua khỏi cánh cổng thì cửa khép chặt và những người lính ra tham gia bốc hàng. Đó là vùng an toàn, thậm chí khá an toàn đang nằm giữa bão dịch.

“Chúc mừng anh em trở về, cảm ơn mọi người đã xả thân vì đồng bào”, trung tá Chương thường gửi lời nhắn nhủ khi các lái xe trở về an toàn và bắt đầu cho một chuyến đi mới. 

 Ai cũng nói rằng, mấy vụ từ thiện của giới văn nghệ sĩ đang đầy tai tiếng thì tại sao lại tham gia từ thiện? Nhưng nếu mình sợ hãi quá thì ai sẽ cứu giúp bà con. Đảng viên thì phải dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì dân.

(Trung tá, nhà báo LÊ VĂN CHƯƠNG)

 

 SÔNG THAI - HÀ ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top