Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tín ngưỡng văn hóa độc đáo ở làng biển

Thứ Hai 28/02/2022 | 11:07 GMT+7

VHO- Vào dịp đầu Xuân, nhiều địa phương vùng biển Quảng Bình đã tổ chức lễ hội cầu ngư - đây là loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang yếu tố tâm linh, là lễ hội quan trọng không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn tạo tâm thế vững tin trước khi vào vụ mới đánh bắt hải sản.

 Lễ hội cầu ngư ở làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình)

 Trong tín ngưỡng của người dân miền biển Quảng Bình, cá Ông là một vị thần hộ mệnh, là chỗ dựa tinh thần, nơi để ngư dân gửi gắm niềm tin khi gặp bão to gió lớn giữa trùng khơi. Ngư dân ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) kể lại rằng: Trước đây, trong một lần gặp bão trên biển, bất lực trước thiên nhiên, họ đã cầu khấn mong được chở che, được an toàn trước cuồng phong. Và điều kì diệu đã xảy ra khi cá voi xuất hiện tựa vào mạn thuyền để giúp ngư dân và con thuyền vượt qua bão tố. Xuất phát từ niềm tin cá voi giúp tai qua nạn khỏi nên ngư dân đã tôn kính và sùng bái đối với loại cá này.

Có lẽ đây cũng là một cách lý giải mối quan hệ giữa ngư dân với cá voi để từ đó cá voi được thần linh hóa trong tâm thức của ngư dân vùng ven biển. Sách Địa chí Đồng Hới của tác giả Nguyễn Tú có đề cập đến việc cư dân miền biển Đồng Hới có tập quán tôn thờ cá voi. Và tập quán này đã có từ rất lâu đời và được duy trì tới tận ngày nay. Nhân dân thường gọi cá voi là “cá Ngài”, “cá Ông”. Cá voi đực to lớn gọi là “cá Cố”, con cái gọi là “cá Bà”, những con nhỏ hơn thì gọi “cá Cô”, “cá Cậu”...

Thông thường lễ hội cầu ngư của cư dân vùng biển Quảng Bình được tổ chức hằng năm gắn với lễ xuất quân đánh bắt hải sản hoặc 2 năm tổ chức một lần. Ngư dân các làng chài thường lấy ngày tế cá Ông làm ngày cầu mùa và là ngày lễ trọng bậc nhất trong năm.

Đơn cử như ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới), xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội cầu ngư vào dịp rằm tháng Giêng. Trong khi đó ở thôn Thanh Danh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), thôn Xuân Lộc (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), thôn Tân Xuân (phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) luân phiên 3 năm tổ chức lễ hội cầu ngư một lần vào dịp rằm tháng Giêng.

Với ngư dân làng Quy Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), lễ hội cầu ngư được tổ chức vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư (âm lịch). Riêng các xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) tổ chức lễ hội cầu ngư vào dịp rằm tháng Tư âm lịch. Còn với ngư dân làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), lễ hội cầu ngư được tổ chức vào dịp rằm tháng Sáu âm lịch.

 Đội thuyền đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Quảng Bình

Lễ hội cầu ngư ở các làng biển Quảng Bình mang tính cộng đồng cao và có 2 phần lễ và hội. Riêng phần lễ rất được chú trọng bởi các nghi thức lễ vọng (có ý nghĩa báo cáo về việc cúng giỗ), lễ nghinh ông (lễ rước kiệu), lễ tế cô hồn và lễ chánh tế. Hình thức tế lễ là hoạt động nghệ thuật thông qua hoạt động múa hát để thể hiện cảnh sinh hoạt của ngư dân trên biển như chèo thuyền, kéo lưới…

Trong lễ hội cầu ngư, các địa phương tổ chức trang trọng như đối với vị Thành Hoàng của làng. Thông thường lễ cúng Đức Ông Nam Hải diễn ra vào lúc nửa đêm tại các đền thờ (hay tại các lăng, miếu thờ) Đức Ông. Đặc biệt, các chủ thuyền đều có lễ cúng tế tại thuyền và ở nhà với nghi lễ trang trọng nhất để tỏ lòng thành kính tôn thờ và biết ơn Đức Ông, họ cầu mong cho một vụ mùa bội thu, con người khỏe mạnh, bình yên...

Đặc biệt, từ xưa đến nay, người dân vùng biển Quảng Bình luôn luôn tuân thủ tập tục: “Hễ thấy cá voi chết trôi dạt vào bờ biển đều được dân làng chăm lo mai táng, thờ tự chu đáo”. Dọc dài theo bờ biển từ Quảng Trạch vào đến Lệ Thủy vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về cá voi chết sau đó hài cốt được đưa về thờ tại các lăng, miếu trong vùng. Cụ thể như các làng chài như: Cảnh Dương, Di Luân, Quảng Tùng, Quảng Phú, Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch); Thanh Trạch, Hải Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành (thành phố Đồng Hới); Hải Ninh (huyện Quảng Ninh; Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) đã lập đền thờ cá Ông và tổ chức lễ hội cầu ngư.

Phần hội của lễ hội cầu ngư mang tính cộng đồng cao thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Các trò chơi dân gian mang tính gắn kết cộng đồng được tổ chức như đua thuyền, kéo co, múa bông chèo cạn được diễn ra…

Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là hoạt động văn hóa độc đáo, nơi để ngư dân các làng biển và cộng đồng gắn kết, giao lưu sau một năm bận rộn với công việc đánh bắt hải sản trên biển. Các hoạt động tại lễ hội góp phần mang lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt hải sản bình yên, cá được ruốc dày... 

PHẠM PHÚ - TÂN BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top