Chương trình nghệ thuật "Khát vọng - Tỏa sáng" chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, ngày 2-2-2021 _Ảnh TTXVN
Tiếp sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện thành công chương trình hành động phát triển văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 chính là một điểm nhấn trong triển khai nghị quyết Đại hội Đảng.
Chúng ta đang trải qua một quãng thời gian dài chống chọi với bệnh dịch Covid-19 và vừa chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chưa kể tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa số khiến bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp, khó lường cùng rất nhiều thay đổi, đòi hỏi cần có sự cập nhật trong tư duy và kế hoạch phát triển văn hóa. Chính vì thế, việc ban hành Chiến lược càng trở nên cần thiết. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, kế hoạch phù hợp thì những cơ hội sẽ qua đi nhanh chóng, thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn. Ngược lại, nếu tận dụng được cơ hội, vượt qua được thách thức, Chiến lược sẽ giúp ngành văn hóa tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chiến lược đã đưa ra 5 quan điểm cùng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cùng nhiều chương trình, dự án cụ thể, tạo tiền đề cho chúng ta phát triển văn hóa có kế hoạch, lộ trình phù hợp trong thời gian sắp tới. Trên thế giới, kể từ sau Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, nhiều quốc gia đã tiến hành xây dựng luật, chương trình, đề án phát triển văn hóa, nhưng Việt Nam là số rất ít các quốc gia có được một chiến lược rõ ràng để phát triển văn hóa của mình. Việc đi đầu, vượt trước chứng tỏ tầm nhìn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với việc phát triển bền vững đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc bằng và từ văn hóa.
Tuy nhiên, ban hành Chiến lược mới chỉ là bước khởi đầu của việc xây dựng và phát triển văn hóa. Đây là cả một quá trình đòi hỏi việc triển khai phải hết sức kiên trì, thận trọng và cụ thể. Chúng ta hy vọng rằng, cùng với việc nhận thức ngày càng tốt hơn về văn hóa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và việc ban hành Chiến lược, đầu tư nguồn lực cho văn hóa sẽ được tăng cường, đạt được mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, với các thiết chế văn hóa xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh, với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, hiểu biết sâu sắc và khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa của dân tộc. Những chương trình, dự án, đề án trong Chiến lược được triển khai cụ thể, có lộ trình, từ đó tạo điều kiện cho văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc. Tất cả chúng ta đều mong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 sẽ giúp đất nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh từ văn hóa.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN