Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lấy đất làm đường mà không đền bù cho dân

Thứ Tư 02/03/2022 | 09:53 GMT+7

VHO- Thời gian qua, người dân ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ (Bình Định) bức xúc trước việc chính quyền địa phương thông báo các gia đình sống dọc hai bên tuyến đường đoạn từ quốc lộ 1A thôn Tân Lộc đến Trường tiểu học thôn Tân Ốc phải di dời, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc nhưng không đền bù khiến bà con bất bình, phản đối gây ồn ào dư luận...

 Tường rào của nhà dân xây dựng kiên cố lâu nay, nhưng khi làm đường giao thông nông thôn thì UBND xã Mỹ Lộc không chịu đền bù, hỗ trợ kinh phí

 Các hộ dân đã làm đơn kiến nghị yêu cầu UBND xã phải bồi thường và phản ánh đến các cơ quan báo chí sự việc trên. Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã về địa phương xác minh thực hư câu chuyện.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương trú tại thôn Tân Lộc bức xúc kể: “Gia đình tôi sinh sống trên mảnh đất này đã hơn 100 năm. Tầm 20 năm về trước, khi làm đường bê tông nông thôn, gia đình tôi đã tự nguyện hiến hơn 1 mét đất bề ngang rồi. Tuy nhiên, bây giờ lại yêu cầu chúng tôi hiến thêm đất để làm đường mà không đền bù thì thật quá vô lý. Chúng tôi sẵn sàng hiến đất vì mục đích chung, nhưng không thể không hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi”. Cách đó không xa, bà Trần Thị Quê cũng cho hay, chính quyền xã dựa vào cơ sở nào để lấy đất của dân mà không hỗ trợ kinh phí vật tư, kiến trúc, hoa màu… Đặc biệt hơn, xã lại còn ra thông báo buộc người dân phải tự tháo gỡ hoặc bỏ tiền túi thuê nhân công đến tháo dỡ.

Được biết, UBND xã Mỹ Lộc đang thực hiện thi công nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn khiến 42 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Thông tin từ người dân cho hay, từ ngày 6.10.2021, UBND xã đã mời một số hộ đến thông báo về chủ trương nâng cấp mở rộng tuyến đường và thống kê diện tích hoa màu, cây cối, tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc. Đồng thời yêu cầu các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để tổ chức thi công theo mốc giới đã được cắm cọc và quét sơn (tim đường ra mỗi bên 4m).

“Để tổ chức thi công đảm bảo theo kế hoạch, ngày 14.2 vừa qua, UBND xã Mỹ Lộc tiếp tục gửi thông báo và yêu cầu các hộ gia đình hai bên tuyến đường khẩn trương di dời, tháo dỡ cây cối, hoa màu, tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Thời gian di dời, tháo dỡ đối với tuyến đường từ quốc lộ 1A thôn Tân Lộc đến Trường tiểu học thôn Tân Ốc đến hết ngày 16.2; riêng tuyến đường từ quốc lộ 1A đến nhà ông Kiểm thôn Tân Lộc đến hết ngày 19.2. Nếu hết thời hạn trên mà các hộ dân không thực hiện thì UBND xã sẽ tiến hành giải tỏa mặt bằng tổ chức thi công. Mọi khiếu nại hay thắc mắc về sau, UBND xã không xem xét giải quyết”, một người dân bức xúc kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc phân trần: Chủ trương nâng cấp bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn là Nhà nước và nhân dân cùng làm, cho nên chúng tôi kêu gọi người dân với tinh thần tự nguyện hiến đất. Nói “hiến đất” là để cho người dân “mát lòng” tự nguyện tháo dỡ, chứ thực tế, diện tích đang thống kê chuẩn bị thi công nâng cấp mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 1A thôn Tân Lộc đến Trường tiểu học thôn Tân Ốc và tuyến đường từ quốc lộ 1A đi nhà ông Kiểm thôn Tân Lộc thuộc về chính quyền xã quản lý và đã có quy hoạch từ năm 1993. “Xã cũng sai vì để buông lỏng trong một thời gian dài khiến người dân lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất công”, ông Nhanh thừa nhận.

Theo ông Nhanh, tuyến đường chuẩn bị thi công có chiều dài 700m, do UBND xã Mỹ Lộc làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng hơn 900 triệu đồng và đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trần Châu. Đây cũng là chủ trương chỉnh trang diện mạo nông thôn mới nên thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Nếu người dân chưa đồng tình “hiến đất” thì chính quyền xã tạm dừng chưa thi công, khi nào người dân đồng tình mới tiến hành. Đến nay, xã vẫn chưa thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân.

Về câu hỏi: “Người dân gửi đơn khiếu nại tập thể việc làm đường giao thông nông thôn, trong đó ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu, tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc… mà không được chính quyền xã đền bù. Thế nhưng sau đó, UBND xã chỉ đạo công an mời từng hộ lên làm việc, vậy việc này là như thế nào?” thì ông Nhanh lý giải: “UBND xã muốn xác minh lại cho đúng, bởi trong đơn có chữ ký của một số cán bộ, đảng viên, giáo viên… Đồng thời, đây cũng là cách để xã vận động tuyên truyền, giải thích rõ hơn cho người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới theo tinh thần giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, cũng như mong muốn người dân ủng hộ”. 

 PHAN HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top