Rối bời khi quá nhiều giáo viên F0

VHO- Không chỉ học sinh mà nhiều giáo viên phổ thông cũng nhiễm Covid-19 với tỷ lệ cao khiến cho kế hoạch dạy học bị đảo lộn, gặp khó khăn.

Rối bời khi quá nhiều giáo viên F0 - Anh 1

 Trong bối cảnh dịch bệnh, giáo viên vất vả hơn khi phải thực hiện cùng lúc nhiều phương thức dạy học, nhiều ca dạy mỗi ngày. (Ảnh minh họa)

 Bị trừ thi đua, bị nhắc khéo

Việc giáo viên trường THCS thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, HN) bị trừ điểm thi đua vì nhiễm Covid-19 phải nghỉ dạy khiến dư luận bất bình vì cách xử lý cứng nhắc, vô cảm. Theo trần tình của bà Trương Thị Quý Hoa, Hiệu trưởng trường này thì có những giáo viên đã nghỉ tới 12 ngày. Ngoài lý do quy định được thống nhất tại Hội nghị công nhân viên chức là nghỉ có phép 1 ngày sẽ trừ 2 điểm thi đua, thì trong tình thế nhiều giáo viên là F0 như hiện nay, nếu ai cũng nghỉ dài ngày thì trường không có giáo viên dạy.

Bà Hoa cho rằng, với những giáo viên nhiễm Covid-19, lãnh đạo trường đã cân nhắc để giảm số điểm trừ so với quy định. Ví dụ nghỉ 12 ngày, lẽ ra trừ 24 điểm thì thực tế chỉ trừ 10 điểm. Dù vậy thì cách làm này cũng vẫn không nhận được đồng tình. Việc “giáo viên nghỉ có phép” do bận việc gia đình khác với lý do họ bị ốm, và càng khác khi họ nhiễm dịch, phải cách ly.

Từ chuyện của trường THCS Văn Điển cũng cho thấy một thực tế nhiều giáo viên đang vướng phải cảnh khó xử khi nhiễm Covid-19 mà không dám nghỉ dạy. “Sếp nhắc nhở thẳng là dịch đã lan ra cả nước, người bị nhiều hơn người không bị và mức độ cũng nhẹ, nên lấy cớ nhiễm mà nghỉ dạy kéo dài là không được”, một giáo viên THCS ở TP Nam Định kể và cho biết thêm, chỉ một lời nhắc nhở đó mà nhiều giáo viên tự hiểu “F0 cũng không có quyền nghỉ, F1 thì lại càng không”.

Trao đổi về việc “bắt giáo viên là F0 làm việc”, một vị Hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội cho biết: Không riêng một trường nào mà hầu hết các trường đều đang đứng trước nguy cơ thiếu giáo viên tạm thời khi dịch xâm nhập vào trường học. “Chúng tôi rất đau đầu về việc này, vì hiện tại nếu đúng ra thì có đến 60% giáo viên trường tôi đều trong diện không được dạy học trực tiếp vì là F0, F1. Trong khi đó, theo quy định những học sinh đủ điều kiện vẫn đến trường, có nghĩa trường vẫn phải dạy học trực tiếp. Nhiều lớp học hiện nay, học sinh thì trực tiếp nhưng giáo viên thì gián tiếp. Giáo viên F0 lại rơi nhiều vào các môn học quan trọng, nhất là số giáo viên đang đảm nhiệm dạy lớp cuối cấp, phải ôn luyện cho học sinh chuẩn bị thi. Vì thế, biết họ khổ mà vẫn phải lờ đi, bởi cho một vài người nghỉ, tất cả những người khác là F0 cũng nghỉ theo thì chắc trường phải đóng cửa”, vị hiệu trưởng trên cho biết.

Trông chờ sự tự giác, nỗ lực của giáo viên

Tuy vậy, đa số giáo viên hiện nay đều tự giác “nhiễm dịch vẫn dạy”. Thầy Trần Văn Huy, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (HN) cho biết: “Nhiều giáo viên nhiễm quá, người này khỏi thì người kia lại bị, nên nếu ai F0 cũng nghỉ thì trường làm gì còn người dạy”. Không chỉ dạy trực tuyến, nhiều thầy, cô đồng thời phải dạy cả trực tuyến lẫn trực tiếp, thầy trò tương tác với nhau qua 3 “điểm cầu”.

Trường THPT Yên Hòa (HN) hiện có 25 giáo viên là F0 và gần 20 giáo viên khác là F1. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường thì nếu cho giáo viên F0 nghỉ dạy thì sẽ rất khó khăn. Người còn khỏe không thể đảm đương được thay người ốm, chưa kể số lượng giáo viên F0 có thể vẫn tiếp tục tăng. “Giáo viên nhiễm Covid-19 vẫn phải dạy bình thường, chỉ những ai không trụ được mới xin nghỉ. Nhiều người sốt, khản giọng, mệt mỏi nhưng vẫn lên lớp. Lãnh đạo trường rất thương nhưng cũng không biết phải làm thế nào, vì mấy chục giáo viên mà nghỉ thì trường cũng không thể duy trì hoạt động. Đành kêu gọi, động viên những người mệt ít đỡ cho người mệt nhiều”, bà Nhiếp chia sẻ.

Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (HN) cũng có 50% số giáo viên ở 2 cơ sở nhiễm Covid-19 và trên 1.000 học sinh là F0, tuy chuyển sang hình thức trực tuyến 100%, nhưng giáo viên nhiễm dịch đều phải dạy.

Còn theo thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (HN) thì trường cũng đang có gần 10 thầy, cô nhiễm Covid-19 và con số này có thể chưa dừng lại. “Tất cả giáo viên F0 đều dạy học bình thường, mặc dù lẽ ra họ cần được nghỉ ngơi. Biết như thế này là không công bằng nhưng giáo viên F0 nghỉ dạy thì không có người thay thế”, thầy Hà cho biết.

Một số trường ở Hà Nội ban đầu bố trí mỗi khối có từ 1-3 lớp học trực tuyến để dồn học sinh F0, F1 vào các lớp này, những học sinh còn lại học trực tiếp nhưng khi số giáo viên nhiễm Covid-19 lên đến mức 2 con số thì kế hoạch dạy học phải thay đổi vì thiếu giáo viên. Mỗi giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm cả trực tiếp và trực tuyến với nhiều ca trong ngày.

Hải Phòng có hơn 1.200 giáo viên là F0 và nhiều giáo viên F1. Theo nhiều hiệu trưởng thì giáo viên F0, F1 đều lên lớp. “Tôi đề nghị giáo viên khỏe đỡ giáo viên F0, người mệt ít đỡ người mệt nhiều hoặc nếu cần thì điều chỉnh thời khoá biểu để giáo viên là F0 tránh phải dạy vào ngày mệt nặng. Trước mắt chỉ có cách đó thôi vì giáo viên nhiễm nhiều quá, chúng tôi không biết xoay xở cách nào khi vẫn phải tổ chức dạy học cả trực tiếp và trực tuyến”, một vị Hiệu trưởng trường THPT ở Hải Phòng cho biết.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp hiện giảm mạnh từ trên 90% xuống 75,4% ở bậc THPT và 77,2% ở bậc THCS. Nhưng các trường vẫn phải song song duy trì cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, vì thế giáo viên vất vả hơn khi phải thực hiện cùng lúc nhiều phương thức dạy học, nhiều ca dạy mỗi ngày. Tình trạng này kéo dài, nhất là khi số giáo viên nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng thì các trường sẽ khó có thể duy trì việc dạy học như hiện nay.

Tại phiên giải trình về tình hình tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc Bộ này chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp mà không tính toán, cân nhắc giữa lợi ích và tác hại, có thể khiến nhiều người, nhiều đơn vị giáo dục phải vất vả, tốn kém kinh phí. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD&ĐT vẫn cho rằng, việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp là một mục tiêu kiên định mà các địa phương phải hướng đến. 

 Trường THCS Thị trấn Văn Điển đã xét thi đua, khen thưởng một cách cứng nhắc

Mấy ngày qua, dư luận khá bất bình khi Trường THCS Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) trừ điểm thi đua của nhiều giáo viên không may bị mắc Covid-19, không thể đến lớp trực tiếp giảng dạy.

Theo phản ánh của giáo viên, Nhà trường đã tính mỗi đợt nghỉ khi mắc Covid-19 của giáo viên là 7 ngày, tương đương 5 ngày nghỉ và bị trừ 10 điểm thi đua. Điều này khiến nhiều giáo viên bất bình vì việc bị mắc Covid-19 là điều không ai mong muốn, thay bằng được động viên để các giáo viên nhanh chóng vượt qua đại dịch thì Nhà trường lại trừ điểm thi đua.

Trước sự phản ứng của giáo viên và dư luận, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Làm công tác thi đua mà không linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể là cứng nhắc, máy móc. Về nguyên tắc, công tác thi đua khen thưởng phải mang tính động viên, khích lệ, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khi các giáo viên phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

Ông Trịnh Xuân Hiếu cũng cho biết, qua làm việc với Trường THCS Thị trấn Văn Điển, nhà trường đã nhận ra cách đánh giá thi đua như vậy là không phù hợp và sẽ có sự điều chỉnh. Mong rằng các nhà trường trên cả nước khi tổ chức đánh giá thi đua sẽ bám sát vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế; lấy tinh thần động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục làm tiêu chí hàng đầu, làm sao để công tác thi đua tạo ra được động lực thiết thực, khuyến khích các thầy cô giáo tích cực cống hiến hơn nữa, nhất là trong thời điểm toàn ngành Giáo dục đang nỗ lực để vừa thích ứng an toàn trong dạy và học, vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục như hiện nay.

Được biết, Trường THCS thị trấn Văn Điển đã áp dụng quy chế thi đua được xây dựng đầu năm và đã thông qua trong Hội đồng sư phạm để đánh giá giáo viên hằng tháng, trong đó có yếu tố về ngày, giờ công. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trong cả nước nên năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục và đào tạo đều phải dạy và học một cách linh hoạt, kết hợp giữ học trực tiếp và học trực tuyến, trong đó học kỳ 1 chủ yếu là học trực tuyến. Do vậy, một số giáo viên mắc Covid-19 vẫn tham gia giảng dạy. Hơn nữa, việc giáo viên mắc Covid-19 là ngoài mong muốn, nên việc áp dụng nguyên quy chế là không linh hoạt, “thiếu tế nhị”, ảnh hưởng đến quyền lợi và tinh thần của giáo viên. HOÀNG HƯƠNG

 

 TRIỆU ANH

Ý kiến bạn đọc