Thiếu giáo viên nhưng vẫn phải giảm biên chế: Nghịch lý nan giải

VHO- Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước đang thiếu trên 94.000 giáo viên. Tuy nhiên, trong lộ trình tinh giản biên chế, ngành GD&ĐT vẫn phải bớt đi 45.000 người hưởng lương ngân sách…

Thiếu giáo viên nhưng vẫn phải giảm biên chế: Nghịch lý nan giải - Anh 1

 Cả nước thiếu 48.718 giáo viên mầm non (Ảnh minh họa )

Hai mt ca vn đ

Có một nghịch lý là, tới thời điểm hiện tại, cả nước đang thừa 10.178 giáo viên, trong đó giáo viên tiểu học thừa trên 5.000, THCS thừa trên 4.600. Nhưng số giáo viên thiếu rải rác ở các bậc học, thiếu cục bộ ở nhiều địa phương vẫn trên 94.000 - một con số rất lớn. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất với 48.718, tiểu học thiếu 20.210, THCS thiếu 14.653, THPT thiếu 11.133.

Thừa và thiếu giáo viên luôn là hai vấn đề cùng tồn tại trong nhiều năm qua. Cùng một địa phương có giáo viên môn học này, cấp học này thiếu, nhưng môn học khác, cấp khác lại thừa.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, khi phân cấp quản lý cho địa phương, có nơi điều động, phân công giáo viên không sát với thực tế giữa các khu vực trong địa bàn toàn tỉnh, dẫn đến thừa hoặc thiếu. Cùng với đó, việc dồn dịch, sáp nhập trường lớp theo Nghị quyết số 19-NQ/ TW về giảm biên chế cơ quan sự nghiệp khiến xảy ra tình trạng giáo viên dư thừa cục bộ. Song song đó, việc tăng dân số cơ học, tình trạng di dân, đô thị hóa ở nhiều nơi và những yêu cầu mới của giáo dục làm gia tăng tình trạng thiếu giáo viên.

“Mặc dù con số thiếu giáo viên lên đến 94.000 nhưng Bộ Nội vụ chỉ duyệt trên 65.000, trước mắt sẽ bổ sung trên 27.000 biên chế giáo viên”, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết. Theo bà Trà, cùng với việc bổ sung thêm số biên chế mới trên, ngành GD&ĐT cũng sẽ phải giảm 45.000 người hưởng lương ngân sách. Đó là hai mặt của vấn đề cùng phải song song giải quyết trong thời gian tới.

Đâu là gii pháp căn cơ?

Vấn đề thừa, thiếu giáo viên từng được Bộ GD&ĐT có một loạt hành động trong 2 năm qua. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thì trong năm 2019, Bộ này đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh, thành phố có mức tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế; trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành theo thẩm quyền các quy định về định mức giáo viên/lớp làm căn cứ để các địa phương bố trí, sắp xếp giáo viên, ban hành các văn bản chỉ đạo địa phương về rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên. Từ việc rà soát này mới ra được con số còn thiếu trên 94.000 giáo viên trên cả nước.

Bộ GD&ĐT kiến nghị UBND các tỉnh, thành xem xét thúc đẩy việc ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên đã đạt chuẩn đào tạo, đồng thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, khuyến khích các trường sư phạm đào tạo theo “đặt hàng” của địa phương để đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, để giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên, một việc cấp bách nên làm ngay là Bộ GD&ĐT phải hoàn thiện xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Căn cứ vào đó mới có thể hình dung về nhu cầu nhân lực, phát triển đội ngũ giáo viên để có lộ trình dài hơn, từng bước thực hiện.

Việc cắt giảm số biên chế sự nghiệp đối với ngành giáo dục vẫn phải thực hiện, nhưng bà Trà khẳng định “không có việc cào bằng”. Thực tế thời gian qua có nơi giảm 20%, có nơi đề xuất giảm 50% do họ thực hiện tốt tự chủ, trong khi theo nghị quyết thì chỉ giảm 10% biên chế sự nghiệp ở mỗi địa phương. Bà Trà cũng cho rằng, mặc dù đang trong lộ trình giảm biên chế, nhưng “Thiếu giáo viên thì vẫn phải bù đắp. Yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp cũng là phương châm của Bộ Chính trị. Đó là cơ sở để Bộ Nội vụ xuất bổ sung 27.850 biên chế cho viên chức giáo dục trong thời gian tới, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị”.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và bà Phạm Thị Thanh Trà đều cho rằng, mô hình trường phổ thông liên cấp (sáp nhập nhiều trường học) và đẩy mạnh việc xã hội hóa, tự chủ trong cơ sở giáo dục cũng là giải pháp “giảm biên chế” nhưng vẫn không gây thiếu hụt giáo viên hơn so với thực tại. 

 

Có chính sách đặc thù cho giáo viên ngoài công lập ảnh hưởng bởi Covid-19

Tình trạng giáo viên mầm non, tiểu học phải tìm kiếm công việc khác khi trường học đóng cửa kéo dài; nhiều trường mầm non phải tuyên bố phá sản vì gặp khó khăn, trong đó có việc không giữ chân được giáo viên đang là bất cập rất lớn. Theo số liệu được bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cung cấp thì hiện có ít nhất trên 500 cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải giải thể vì dịch bệnh.

Trong buổi giải trình về tuyển dụng, quản lý giáo viên mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bộ GD&ĐT cũng mong muốn các địa phương chia sẻ bằng những chính sách hỗ trợ ưu tiên hơn cho đối tượng mầm non. Còn bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, sắp tới Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT cần ngồi với nhau để đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách với giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, cần xem xét tính toán có điều chỉnh, bổ sung chế độ hỗ trợ cho nhóm đặc thù là mầm non.

“Trong tình huống có nhiều khó khăn do chưa thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương thì nên chọn một đối tượng ưu tiên trước là giáo viên mầm non để tính toán điều chỉnh phụ cấp, sao cho không sai lệch quá nhiều cả về mức trần và phụ cấp theo lương khi thực hiện chế độ lương mới tới đây”, bà Trà bày tỏ quan điểm.

 K THANH

Ý kiến bạn đọc