Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Ngày Quốc tế phụ nữ, về tri ân “10 đóa hoa Đồng Lộc”

Chủ Nhật 06/03/2022 | 18:29 GMT+7

VHO- Sáng cuối tuần tháng ba, trời Đồng Lộc lất phất mưa bay, nhưng vẫn không ngăn nổi đoàn người đang lần lượt xếp hàng trật tự, nối đuôi nhau vào Khu di tích, về thăm “10 đóa hoa Đồng Lộc”.

Khu mộ 10 nữ anh hùng TNXP tại ngã ba Đồng Lộc

Từ “tọa độ chết” năm xưa…

Ngã ba Đồng Lộc ngày nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngược dòng lịch sử trở về với những năm tháng hào hùng của cha ông, cùng với “đường Khe Giao, Đèo Ngang, Linh Cảm”, đường Đồng Lộc là ngã ba “giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi”. Nơi đây là tuyến đường 15A, con đường mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Với vị trí chiến lược này, ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục, thành “túi bom” khổng lồ. Thời điểm đó,  mỗi mét vuông đất, nơi đây phải gánh chịu 3 quả bom; không có một bóng cây, ngon cỏ nào có thể sống nổi do bom đạn hủy diệt. Để con đường chi viện cho tiền tuyến lớn luôn được thông suốt, “tim có thể ngường đập nhưng mạch máu giao thông không thể ngừng chảy”, hàng trăm chiến sĩ, thanh niên xung phong (TNXP), dân công... những người con yêu nước đã anh dũng ngã xuống để “quyết thông đường cho những chuyến xe qua”.

Trưa ngày 24-7-1968, nơi đây đã ghi dấu ấn hào hùng của 10 cô gái trẻ trong Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55. Một ngày như mọi ngày, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ; đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Huyền thoại về sự hy sinh oanh liệt của những cô gái sống, chiến đấu, gắn chặt tuổi thanh xuân bên nhau để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch nơi ngã ba Đồng Lộc đã và đang thôi thúc lay động trái tim của muôn người; dù trong cơn đại dịch đầy khó khăn lớp lớp người vẫn dành tình cảm, trở về đây để tri ân các anh hùng liệt sĩ.

… đến “địa chỉ đỏ” để tìm về của nhiều thế hệ

Đồng Lộc hôm nay đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ với ngút ngàn màu xanh, đã là một quần thể di tích, một công trình ý nghĩa để thế hệ hôm nay và mai sau trở về với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Ít ai có thể hình dung được nơi đây, một bên đã từng là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy. Khuôn viên của Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hôm nay bao gồm khu mộ 10 nữ TNXP, nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, mô hình hố bom, cụm tượng 10 nữ TNXP, tháp chuông Đồng Lộc xen kẽ là màu xanh của thông reo, của ngút ngàn cây sim, cây mua… Đồng Lộc hôm nay là biểu tượng, tấm gương của người phụ nữ Việt Nam kiên cường. Những chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành nốt nhạc trầm hùng, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ.  

Trong trang phục chỉnh tề, lấy tay cài lại mũ tai bèo, hướng dẫn viên khu di tích Lê Bá Nam nhanh nhẹn đón đoàn. Hôm nay, anh mặc bộ trang phục của thanh niên xung phong. Sau khi thực hiện các thủ tục về khai báo y tế trong công tác phòng chống dịch, mời mọi người thưởng thức bát nước chè xanh, giới thiệu về khu di tích và chương trình tham quan, xe điện đưa mọi người tiến vào trong. Hơn 12 năm công tác tại đây, nhưng với anh Nam, mỗi lần hướng dẫn, thuyết minh cho du khách vẫn trào dâng một niềm xúc động mãnh liệt như những lần đầu tiên. “Ngã ba Đồng Lộc trở thành nơi mọi người đến viếng thăm vào nhiều dịp trong năm, nhất là những dịp lễ, tết, ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và ngày Thương binh liệt sỹ 27-7… để tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh”, anh Nam chia sẻ.

Hòa vào dòng người về với địa chỉ đỏ thật sâu lắng và nhiều cảm xúc, ngoài những thanh, thiếu niên, những em nhỏ được bố mẹ dắt theo còn có cả cựu chiến binh, những người cũng từng là TNXP đã vào sinh ra tử trên các chiến trường. Họ về đây, kính cẩn nghiêng mình dâng lên những nén hương thơm, những bông hoa cúc trắng tinh khôi, có người còn chu đáo đặt những chiếc nón, chiếc gương, chiếc lược... Khi những vần thơ da diết trong bài thơ “Cúc ơi”  của tác giả Nguyễn Thanh Bính được cất lên cũng là lúc mọi người trong đoàn không ngăn nổi những giọt nước mắt trào dâng. Tất thảy đều lặng đi trước giọng thuyết minh đầy xúc động nhưng cũng không kém phần tự hào khi được nghe kể về chiến công, tinh thần của 10 cô gái TNXP năm xưa - là đại diện cho tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.

 Du khách thắp hương viếng các nữ anh hùng TNXP

Những người về với Đồng Lộc hôm nay như minh chứng rằng, tri ân quá khứ, tri ân những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đã thành trở thành ý thức trong mỗi người dân Việt Nam. Có những người vừa chỉ mới đặt chân đến lần đầu, thế nhưng họ vẫn xem như là chuyến trở về, thăm người thân thuộc. Bà Nguyễn Thị Thanh (du khách Nghệ An) là một trong số đó:  “Ấp ủ mãi hôm nay tôi mới được về đây; dịp cuối tuần lại gần với ngày 8-3, chúng tôi chọn Đồng Lộc trong hành trình về với địa chỉ đỏ để dâng nén hương thơm, cắm một bông hoa để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của các nữ anh hùng TNXP”.

Nán lại một hồi lâu tại khu vực dâng hương, bà Nguyễn Thị Thủy (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), năm nay đã gần 90 tuổi, cũng từng tham gia TNXP, dù không chiến đấu cùng chiến trường; hôm nay về với ngã ba Đồng Lộc để nhớ về những năm tháng gian khó và thắp nén hương tưởng nhớ đến đồng đội, đến những người đã ngã xuống. Bà bồi hồi chia sẻ: “Tôi đi cùng con cháu để thế hệ trẻ được nghe, hiểu hơn về hy sinh của các anh hùng liệt sĩ TNXP, đặc biệt là những câu chuyện xúc động về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Thật sự xúc động bởi trên hành trình xuôi ngược Bắc Nam, nhiều người đã chọn ngã ba Đồng Lộc là điểm đến, điểm dừng chân cần ghé lại để tri ân, tưởng nhớ “10 đóa hoa”. Có lẽ, sau mỗi chuyến về nguồn, được nghe những câu chuyện cảm động mỗi người lại thêm biết ơn những người đã mãi mãi để lại tuổi xuân trên cung đường huyền thoại, quên mình vì Tổ quốc để trân quý hơn giá trị của độc lập tư do.

Rời Đồng Lộc trong gió thoảng thông reo và hương bồ kết bay, nhiều ánh mắt vẫn lưu luyến nhìn lại. Có rất nhiều ngã ba trong cuộc đời mà mỗi người đều đi qua, có thể nhớ và quên, thế nhưng khó có ai một lần đi qua mà quên được ngã ba Đồng Lộc; bởi “…Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống/ Hay bằng đá, bằng đất/ Bằng xi măng cốt sắt/ Bằng vôi trắng, gạch nâu/ Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu/ Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã/ Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu/ Khi con về quê con nhớ viếng thăm…”  như nhà thơ Huy Cận đã nhắn nhủ.

Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc.

Ngày 9-12-2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

 

HẠNH VÕ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top