Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát( Nam Định)​​​​​​​: Hé lộ những sự thật... bất ngờ (Bài cuối): Không lẽ “nhắm mắt” làm ngơ ?

VHO- Đã gần 3 tuần kể từ khi Bảo tàng tỉnh Nam Định có văn bản Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát gửi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, trong đó có những kết luận như: Ngụy tạo sắc phong, đưa nhiều hiện vật mới vào di tích…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy, nhưng đến nay, các bên có liên quan vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu những hiện vật tại di tích Phủ Vân Cát( Nam Định)​​​​​​​: Hé lộ những sự thật... bất ngờ (Bài cuối): Không lẽ “nhắm mắt” làm ngơ ? - Anh 1

Một trong những động thái đầy bất ngờ mà chúng tôi mới nhận được là ngày 2.3 vừa qua, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản đã ký văn bản số 55/VHTT-VH gửi ông Trần Văn Cường, Thủ nhang Phủ Vân Cát về việc trả lời đơn kiến nghị của ông này. Lưu ý, văn bản trên còn được gửi đến Sở VHTTDL Nam Định, UBND huyện để báo cáo.

Cảm ơn rồi để đó…

Trong văn bản, với thẩm quyền là đơn vị quản lý di sản văn hóa trên địa bàn huyện, ông Trung đã dùng những lời “hoa mỹ” để “tặng” ông Cường mà không hề đưa ra bất cứ biện pháp xử lý hay đề nghị nào theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa: “Ngày 22.2.2022, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã có văn bản số 26/BT-NCST gửi kèm theo Báo cáo số 21/BC-BT ngày 15.2.2022 của Bảo tàng tỉnh về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại Phủ Dầy - Vân Cát gửi UBND huyện Vụ Bản, Phòng Văn hóa và TT, UBND xã Kim Thái. Tuy nhiên không gửi về ông Trần Văn Cường. Phòng Văn hóa và TT trân trọng kính gửi ông Trần Văn Cường Báo cáo số 21/BC-BT ngày 15.2.2022 của Bảo tàng tỉnh về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại Phủ Dầy - Vân Cát thay cho việc trả lời kiến nghị của ông”.

Như đã đề cập từ những bài trước, căn cứ văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản, Biên bản làm việc giữa lãnh đạo Phòng VHTT huyện Vụ Bản với Thủ nhang Phủ Vân Cát Trần Văn Cường và đơn kiến nghị của ông Cường, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã thành lập Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, và đi đến một số kết luận quan trọng: Theo kết quả nghiên cứu, 18 “đạo sắc phong” hiện đang được lưu giữ tại di tích Phủ Vân Cát không phải là bản gốc mà chỉ là các tờ tư liệu viết chữ Hán, Nôm được ngụy tạo, làm nhái, làm giả sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn vào những thập niên đầu thế kỷ XXI. Nội dung của các tờ tư liệu này có nhiều điểm sai lệch, không có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Tiếp đến, căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu, có thể khẳng định đến thời điểm tháng 1.2022 tại di tích Phủ Vân Cát không có văn bia năm 1916 ghi nội dung “Phủ Dầy bắt nguồn từ Vân Cát” như Phòng VHTT huyện Vụ Bản nêu. Và thêm nữa, tự ý đưa thêm nhiều hiện vật mới vào di tích khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép…

Là một trong những thành viên trong Tổ công tác, ông Vũ Quang Trung, Phó trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản đã biết quá rõ những kết luận trên, đồng thời còn cho biết tại biên bản của Tổ khảo sát: “Tôi nhất trí với kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát… Tôi cảm ơn các nhà khoa học ở Trung ương và Tổ công tác của Bảo tàng đã khảo sát, nghiên cứu làm sáng tỏ những nội dung kiến nghị để Phòng VHTT huyện Vụ Bản tham mưu với chính quyền quản lý di tích được tốt hơn”. Thế nhưng, đến thời điểm này, ông Trung không mảy may có kiến nghị, đề xuất gì với lãnh đạo chính quyền địa phương để xử lý những tồn tại và cả những vi phạm tại di tích Phủ Vân Cát mà Tổ công tác cũng như Bảo tàng tỉnh đã chỉ ra.

Đáng lẽ, với chức năng và trách nhiệm của mình, ông Trung sẽ viện dẫn các quy định pháp luật về Di sản văn hóa, quy chế quản lý di tích trên địa bàn huyện để tham mưu với cấp có thẩm quyền xử lý những sắc phong ngụy tạo, làm nhái, làm giả, đồng thời chấn chỉnh việc đưa hiện vật mới vào di tích Phủ Vân Cát, thì ông lại chuyển Báo cáo của Tổ công tác đến ông Cường với sự “trân trọng”. Khôi hài hơn, trước đó trong văn bản do mình ký, ông Trung còn “ca ngợi” Thủ nhang Trần Văn Cường là “thể hiện trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích cũng như việc thực hiện tốt Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phù Dầy của huyện đã ban hành…”. Có ý kiến cho rằng, đây chẳng khác nào là hành vi “tiếp tay” cho việc làm sai lệch giá trị lịch sử của di tích, cũng như vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Không thể xử lý được sao?

Đến đây chúng tôi tự hỏi, nếu không có những lá đơn kiến nghị của ông Trần Văn Cường và văn bản của Phòng VHTT huyện Vụ Bản theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” thì liệu cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa cấp tỉnh Nam Định có biết được những sự thật… bất ngờ tại di tích Phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy?

Khi những thông tin xung quanh việc khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát được đăng tải, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa đã gọi điện trao đổi với chúng tôi, bày tỏ thái độ bức xúc trước hành vi ngụy tạo, làm nhái, làm giả tới 18 sắc phong. Vì, “hành vi ngụy tạo sắc phong là phá hoại yếu tố gốc của di sản văn hóa, làm biến chất, làm sai lạc giá trị lịch sử”, cần phải được xử lý nghiêm dù nó xuất phát từ động cơ gì đi chăng nữa. Không những vậy, người trông coi Phủ Vân Cát đã tự ý đưa nhiều hiện vật vào di tích khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, dẫn đến làm sai lệch giá trị lịch sử, văn hóa của di sản. Đó còn là chưa nói đến việc “tạo dựng” văn bia rồi đi đến nhận định “Phủ Dầy bắt nguồn từ Phủ Vân Cát”, gây ảnh hưởng đến hồ sơ đã xếp hạng.

Một chuyên gia nhấn mạnh, “những tồn tại, hạn chế, vi phạm mới phát hiện tại di tích Phủ Vân Cát là nghiêm trọng cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý di sản từ cấp tỉnh đến cấp xã để xử lý nghiêm, bởi nơi đây không chỉ là di tích cấp quốc gia mà còn là không gian văn hóa thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đã được UNESCO đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Còn ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định thì cho biết: Có thể nói, quá trình lập hồ sơ di tích đã làm sáng tỏ các giá trị vật thể và phi vật thể của quần thể di tích Phủ Dầy, đồng thời cũng là quá trình tư liệu hóa thông tin về di tích để lưu giữ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Di tích Phủ Dầy với những giá trị đặc sắc đã trở thành tài sản quốc gia và là một bộ phận di sàn văn hóa của nhân loại. “Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải trên cơ sở khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng di sản để trục lợi cũng như tuyên truyền sai lệch bản chất của di sản, nhất là việc làm giả mạo các tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của di tích, tự ý đưa các yếu tố mới vào di tích khi chưa được phép của cơ quan văn hóa có thẩm quyền”, ông Thư nói.

Thế nhưng, không hiểu vì sao đến thời điểm này, Sở VHTTDL Nam Định vẫn chưa có bất kỳ động thái nào trong việc đề nghị các cấp chính quyền huyện Vụ Bản vào cuộc, xử lý nghiêm, ngoài việc yêu cầu Bảo tàng tỉnh gửi Báo cáo của Tổ công tác về kết quả khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát về huyện, xã… để biết. Phải chăng vì đã có quyết định phân cấp quản lý di tích về huyện, thành phố nên Sở không cần phải “đụng tay” giám sát, kiểm tra, xử lý những tồn tại, vi phạm tại di tích? Nếu quả thật điều này là đúng, thì trong chừng mực nào đó, cơ quan chức năng cấp tỉnh chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng của những tồn tại, hạn chế đã, đang xảy ra tại di tích Phủ Vân Cát.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có những thông tin mới. 

 Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải trên cơ sở khoa học và tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Cần xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng di sản để trục lợi cũng như tuyên truyền sai lệch bản chất của di sản, nhất là việc làm giả mạo các tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa của di tích, tự ý đưa các yếu tố mới vào di tích khi chưa được phép của cơ quan văn hóa có thẩm quyền.

(Ông NGUYỄN VĂN THƯ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định)

 VŨ DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc