Người mẹ chọn “ở lại” để con đi thi không bị kỳ thị

VHO- Khi bệnh viện hết thời hạn phong tỏa, các y bác sĩ vui mừng trở về nhà đoàn tụ với gia đình thì chị Nguyễn Thị Thùy – điều dưỡng Bệnh viện K lại giấu những giọt nước mắt vào trong, ở lại Khoa một mình vì sợ con gái đi thi bị kỳ thị.

Cách đây gần 1 năm, vào tháng 5.2021, là thời điểm khó khăn của Bệnh viện K khi cả 3 cơ sở của bệnh viện cùng phong tỏa để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Hơn một tháng phong tỏa là khoảng thời gian hơn 3 ngàn người bệnh, cùng người nhà và cán bộ y tế đồng hành, sẻ chia với một tinh thần đoàn kết quyết tâm cao cùng vượt qua dịch bệnh.

Người mẹ chọn “ở lại” để con đi thi không bị kỳ thị - Anh 1

Phút thảnh thơi của điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy trong những ngày chống dịch

Khi tình hình dịch đã ổn hơn, các nhân viên y tế được luân phiên trở về nhà, nhưng riêng điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy lại có điều khác biệt. Ít ai nghĩ rằng nữ điều dưỡng có dáng người nhỏ nhắn lại có nghị lực và sức mạnh phi thường đến như thế.

 

Hơn 30 ngày phong tỏa là chừng ấy ngày chị Thùy xung phong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm lên cá Khoa, Phòng. Tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh cần cù của chị được thể hiện trong từng động tác, tay thoăn thoắt xếp đồ, phân loại, khoa này cần thêm bao nhiêu quạt, khoa kia chưa đủ nước, khoa này nhiều bệnh nhân mới mổ cần thêm cháo, sữa...  chị cứ chăm chút và tỷ mỷ như thể chị chăm chính người thân của mình ở bệnh viện.

 

Cùng làm việc với chị, các đồng nghiệp thể hiện cảm phục với biệt danh “Chị Thùy siêu nhân”. Bởi chị mặc trang phục bảo hộ từ sáng sớm đến 5 giờ chiều hằng ngày dưới cái nắng trời gay gắt vận chuyển đồ nhu yếu phẩm lên từng khoa phòng cho người bệnh và đồng nghiệp. Mồ hôi ướt sũng bộ quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn mờ đi và có lẽ đôi lần mỗ hôi lẫn cả những giọt nước mắt vì nhớ nhà thương con, nhưng sau tất cả vẫn là nụ cười động viên, lạc quan của chị khi đến các đơn vị đưa đồ cho người bệnh "các bác cùng cố gắng nhé, sẽ sớm được trở về nhà thôi". 

Người mẹ chọn “ở lại” để con đi thi không bị kỳ thị - Anh 2

Hơn 3 tháng, chị Thùy chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích Covid-19

Rồi cũng đến ngày Bệnh viện chiến thắng, vượt qua tâm dịch. Trong khi các anh chị em đồng nghiệp thu dọn đồ đạc trở về nhà, thì chị lại cần mẫn chăm chút các chậu hoa, cây xanh của cả dãy phòng như che giấu nỗi niềm tâm sự. “Con gái lớn nhà chị chuẩn bị thi rồi, chị mà về thì sợ con tâm lý, con có thể sẽ phải thi riêng phòng với các bạn khác. Đặt mình vào vị trí các bậc phụ huynh khác thì mình cũng sẽ không yên tâm nếu phụ huynh của bạn cùng lớp của con mới trở về từ tâm dịch. Nên thôi để mọi người cùng an tâm, quan trọng nhất là giữ tâm lý cho các con và các bạn không bị ảnh hưởng, chị ở lại đây thêm 1 tuần rồi về...", chị Thùy giãi bày, rồi vội quay đi, lặng lẽ lau những giọt nước mắt nhớ thương gia đình.

 

Người mẹ nào cũng thương con nhưng tình thương của chị thật khác, không ôm ấp vỗ về, không chạy tới ngay với con để cười nói, nô đùa, chị lại thầm lặng hy sinh “để bé con yên tâm thi cùng các bạn”.

 

Sau hơn 40 ngày, chị Thùy mới trở về đoàn tụ cùng gia đình, cả nhà đều mừng rỡ trước sự xuất hiện bất ngờ của chị. “Đấy là lần đầu tiên mình khóc nhiều như thế, khóc vì hạnh phúc, khóc vì thương con, bé út nhà chị còn không tin là mẹ trở về vì chị về cũng không báo trước”, nữ điều dưỡng nhớ lại.

 

Nhưng niềm vui đoàn tụ cũng không được bao lâu, chị vừa trở về nhà ít hôm cũng là lúc “nước sôi lửa bỏng”, căng mình chống dịch của các đồng nghiệp phương Nam. Lại là cánh tay nhỏ bé xung phong đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thùy và các cán bộ y tế trong đoàn công tác số 1 của Bệnh viện K chi viện TP HCM. Trực tiếp nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chị không khỏi xót xa: "Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, chứng kiến nhiều người bệnh không thể qua khỏi, thật sự đau lòng, nghẹn đắng. Nhưng tất cả những ưu phiền ấy đều phải gác lại thật nhanh, phải cùng tập trung cao độ vào mục tiêu lớn hơn đó là giành lại sự sống cho những người bệnh rất nặng đang ở bên cạnh” .

 

Người mẹ chọn “ở lại” để con đi thi không bị kỳ thị - Anh 3

Quan niệm sống của nữ điều dưỡng là "trao đi" để nhận về hạnh phúc, niềm vui

Thời điểm đó, không chỉ chị mà người chồng gắn bó hơn 20 năm qua, công tác tại Nhà máy A45, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tại Đồng Nai. Tưởng là ở rất gần, cùng địa điểm công tác nhưng thực tế chẳng một giây phút nào thấy mặt nhau, mỗi người mang một sứ mệnh thiêng liêng là mang lại sự an toàn cho người bệnh, cho nhân dân. Anh chị đã hy sinh những khoảng thời gian riêng cho gia đình nhỏ bé vì hạnh phúc lớn hơn của mọi nhà. Chỉ đến đêm muộn, khi trở từ nơi làm việc, cả nhà mới có thời gian chia sẻ, tâm sự động viên nhau qua những cuộc gọi video call ngắn ngủi…

 

Sau hơn 3 tháng, dịch ở phương Nam tạm lắng, nữ điều dưỡng mới yên tâm trở về Hà Nội. Cũng như bao người mẹ, người vợ người đồng nghiệp khác đều có niềm vui hay nỗi niềm riêng nhưng có lẽ với chị Nguyễn Thị Thùy, niềm vui lớn nhất của chị là “trao đi”. Chị vui khi chị đổi ca cho đồng nghiệp khác để họ có thêm một chút thời gian tâm sự động viên con trước kỳ thi, chị vui khi mọi người trở về còn chị, chị tiếp tục đi... để cống hiến cho đời, cho người, cho màu áo trắng chị yêu. 

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc