Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

VHO- Đẩy mạnh hoạt động văn hóa đọc đối với đời sống người dân, hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Sở TTTT Đà Nẵng vừa ban hành công văn đề nghị UBND các địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động văn hóa đọc trên địa bàn bằng hình thức kết hợp online và trực tiếp.

Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Anh 1

Thư viện hạnh phúc ở Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) luôn rộng cửa đón phụ huynh, học sinh và mọi người dân 

Năm nay, các hoạt động hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 4.2022, trong đó, các hoạt động chính diễn ra từ ngày 15.4 đến 1.5. Bên cạnh việc đẩy mạnh hưởng ứng sự kiện ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, Sở TTTT Đà Nẵng cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất bản, in và phát hành chủ động tham gia, tổ chức các hoạt động chào mừng sự kiện; phối hợp với các đơn vị tổ chức hội sách, triển lãm sách tại địa phương. Song song đó đề xuất các chương trình trải nghiệm, khuyến mãi về sách để tri ân khách hàng; khởi động tuần lễ phát hành sách và các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách.

Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Anh 2

Hình thành niềm vui đọc sách mỗi ngày cho trẻ nhỏ là mục tiêu cần thiết và quan trọng

Nhằm phát triển văn hóa đọc cho người dân, trong những năm qua Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi viết truyện, đọc sách, như Ngày hội đọc sách với chủ đề: Sách với tuổi trẻ lập thân, Sách - Hạt giống cho tâm hồn, Từ trang sách đến thực tiễn cuộc đời...; phát động chương trình Mở cổng trường học, thư viện, tủ sách mở để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến tham gia, tiếp cận sách báo, tạo điều kiện cho người học và phụ huynh có điều kiện đọc sách. Hình thành nhiều tủ sách phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa để khơi gợi niềm vui đọc sách cho các em, như Thư viện hạnh phúc ở Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng); câu lạc bộ "Sách và những người bạn" ở trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), thu hút hàng trăm giáo viên, học sinh phụ huynh và học sinh tham gia các hoạt động giới thiệu sách hay, truyền kỹ năng sống, cảm hứng đọc; nhà trường cũng xây dựng Tủ sách lớp học, các lớp đã quyên góp được 1.600 bản sách từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho việc đọc của học sinh. Tại thư viện quận Thanh Khê liên tục đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động như Hội sách Sách - Người bạn đồng hành cùng tri thức nhằm thu hút người dân tìm đến thiết chế văn hóa cơ sở.

Đà Nẵng: Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - Anh 3

Điểm đọc sách tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh với nhiều hình thức

Đề án Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến mục đích khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc nâng cao đời sống văn hóa của người dân, chú trọng nâng cao chất lượng bản sách, chỉnh trang tu bổ cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công cộng theo hướng hiện đại. Theo đó, nhiều địa điểm đọc đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi người dân. Ngoài điểm sáng Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đang phục vụ khoảng 500 độc giả mỗi ngày, cuối tháng 1 năm 2022, Thư viện quận Liên Chiểu cũng được khánh thành khang trang, đẹp đẽ. Trong đó, tầng 1 có phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử và không gian đọc sách ngoài trời. Tầng 2 được bố trí làm phòng đọc, kho sách, không gian thư viên cộng đồng kết hợp khu cà phê sách...

Theo Sở VHTT Đà Nẵng, đơn vị đang tiếp tục đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị  để phục vụ công tác số hóa tài liệu và thư viện điện tử, bố trí thêm phương tiện lưu động đa phương tiện để tăng tần suất luân chuyển sách về cơ sở, đưa văn hóa đọc về với vùng sâu vùng xa. Vận động mọi người duy trì thói quen đọc sách trong điều kiện phù hợp với mỗi cá nhân, tăng cường vai trò phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc duy trì thói quen đọc sách cho trẻ em.

 

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc