Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ

VHO- Sáng 11.3 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức buổi họp ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”. Buổi làm việc nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan trong việc xây dựng Đề án.

Mục đích của việc xây dựng Đề án nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả và tác động của Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” giai đoạn 2014 - 2020 . Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB đến năm 2030. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và các tổ chức cùng tham gia đóng góp; tạo động lực và khuyến khích mọi cá nhân trong xã hội tích cực tham gia học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ - Anh 1

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết khi xây dựng, Đề án phải giúp việc phát triển văn hóa đọc đi sâu hơn vào thực tế. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện. Để làm được điều này, các thành viên trong tổ soạn thảo, biên tập xây dựng Đề án cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Thẳng thắn nhìn nhận những tồn đọng để có được những giải pháp, đưa vào Đề án lần này, khắc phục triệt để vấn đề.

Theo dự thảo đề cương, đề án sẽ gồm 3 phần. Phần mở đầu gồm các nội dung về bối cảnh và sự cần thiết xây dựng Đề án, căn cứ để xây dựng Đề án. Phần I: Đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014 - 2020”. Trong đó, tập trung vào các nội dung công tác chỉ đạo, kết quả hoạt động triển khai tại các bộ, ngành và địa phương; kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân.

Ngoài ra, phần II sẽ đề cập đến đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030 gồm các nội dung quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, kinh phí và tổ chức thực hiện Đề án.

Cũng trong cuộc họp, các thành viên của ban soạn thảo là đại diện đơn vị thuộc Bộ VHTTD, Bộ GD&ĐT đã cho ý kiến góp ý về xây dựng Đề án. Đại diện các bên đều nhất trí cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện do khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, đẩy nhanh tốc độ nhưng không được phép quên đi mục tiêu về chất lượng. Nội dung trong đề án phải chặt chẽ, đảm bảo được các mục tiêu đặt ra về đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và CLB.

Theo tiến độ đề ra, Bộ VHTTDL sẽ tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ Đề án và hoàn thành các thủ tục liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án và phổ biến nội dung Đề án vào tháng 12-2022.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc