Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chờ thời điểm “lịch sử ”

Thứ Sáu 11/03/2022 | 10:49 GMT+7

VHO- Đã bắt đầu đưa những đoàn khách đầu tiên ra nước ngoài và tiếp tục phục vụ các đoàn khách ở trong nước nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hồi hộp chờ đợi thời điểm mở cửa hoàn toàn Du lịch Việt Nam vào ngày 15.3.

 Việc mở cửa du lịch cần có những quy định rõ ràng, thuận tiện Ảnh: ĐÌNH KIÊN

 Sở dĩ các doanh nghiệp nóng lòng muốn đến thời điểm ngày 15.3 vì tin rằng các điều kiện du lịch tại Việt Nam sẽ rõ ràng, thuận lợi hơn. Ví dụ như việc test nhanh Covid-19 được chấp nhận, khách du lịch đi bằng đường hàng không được đưa về nơi cư trú mới test Covid-19 (không phải chờ đợi test ngay tại cửa khẩu).

Mở cửa khách cũng chưa vào ngay

Theo đó, trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính thì được tham gia các hoạt động du lịch ngay. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong đợi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020 để thu hút khách quốc tế...

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, đang rất háo hức vì đã có khách trở lại. Công ty ông đã có mấy đoàn khách ở cả trong nước và nước ngoài. Đây là những tín hiệu vui trước thềm mở cửa ngày 15.3. Thời điểm 15.3 có thể nói sẽ đi vào lịch sử của ngành Du lịch, đánh dấu sự hồi sinh sau hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành và với doanh nghiệp không khác gì “hạn hán gặp mưa rào”. “Để chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn Du lịch Việt Nam từ ngày 15.3, chúng tôi đã có tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị các nguồn lực về tài chính, con người, bộ máy, phương pháp điều hành, bộ sản phẩm phù hợp với tình hình mới”, ông Phạm Duy Nghĩa nói.

Với dòng sản phẩm inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), Vietfoot Travel cũng đã làm việc với các đối tác để xây dựng các bộ sản phẩm có giá phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay, gửi cho đối tác ở nước ngoài chào khách. “Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2022, đầu năm 2023 thị trường inbound sẽ phục hồi. Thực ra, việc công bố mở cửa từ 15.3 là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch lên kế hoạch thu hút khách trở lại, xây dựng các bộ sản phẩm và giá bán phù hợp thôi chứ không phải tuyên bố mở cửa là khách vào ngay đâu. Với những thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... để có một chuyến đi, khách phải mất từ 6 tháng đến cả năm để chuẩn bị”, ông Nghĩa chia sẻ.

Nên tập trung vào thị trường có khả năng phục hồi

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã nhận được đặt chỗ của khách châu Âu, trong đó, một số khách Đức muốn đến Việt Nam trong tháng 6. Tuy nhiên, khách đang băn khoăn không biết sắp tới có được miễn visa tiếp không. Doanh nghiệp thì vẫn đang chờ phương án mở cửa cụ thể để thông báo với khách. Tình trạng như hiện nay, doanh nghiệp chưa dám đầu tư nhiều và không dám chắc chắn điều gì với đối tác vì lo quyết định mở cửa thay đổi vào phút chót”.

Phân tích về thị trường khách, ông Phạm Hà cho rằng, con số đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 của Việt Nam là không hề nhỏ. Thị trường Trung Quốc vẫn đang “đóng băng”, thị trường Nga đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine. Các thị trường nguồn khác là Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang bị kiểm soát bởi dịch bệnh nên khó có thể thu hút ngay. Khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng nhưng chi tiêu trên đầu khách không cao, sức mua giảm. Các doanh nghiệp hiện nay đang đặt hy vọng vào thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc nhưng tình hình chiến sự và giá cả tăng, dịch bệnh nhiều, những thị trường này cũng không dễ thu hút và phải cạnh tranh khá gắt gao với những nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...

“Thời điểm này, ngành Du lịch nên tiếp cận thị trường trực tiếp và hiệu quả hơn, tập trung vào các thị trường ngách và du lịch mùa hè. Thực tế các công ty du lịch nước ngoài vẫn đang tìm kiếm các điểm đến mới, sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp, những nhóm khách năng động, du lịch gia đình, thiết kế tour riêng. Hàng không mở đường bay đến đâu cần hình thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách ngay tới đó. Không có chuyện cứ tuyên bố mở cửa là khách quốc tế ào ào tới Việt Nam nên muốn mở cửa thành công phải tập trung vào thị trường có khả năng phục hồi trước”, ông Hà gợi ý.

Sau 2 năm dịch hoành hành, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt nhân sự lành nghề, chất lượng cao. Nhiều lao động trong ngành Du lịch đã chuyển nghề, tìm được công việc mới và không dám mạo hiểm quay lại vì chưa đoán trước được tương lai ngành Du lịch sẽ thế nào. Trong khi đó, công việc mới đang nuôi sống họ tốt hơn. Sự sẵn sàng của các nhân sự mới lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của công việc và của ngành. Hiện nay, nguồn tài chính của doanh nghiệp cũng rất khó khăn, vì thế việc bỏ ra số tiền lớn để “ôm vé máy bay” hay “ôm phòng khách sạn”, tạo ra seri tour cũng rất mạo hiểm, khó thực hiện. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng vào cuộc của các đơn vị cung ứng dịch vụ tại điểm đến hiện nay cũng chưa cao. Nhiều nơi còn hoạt động cầm chừng, có khách thì mở, không có khách thì đóng, nhân sự thiếu, nhiều nơi chất lượng không đảm bảo như trước khi dịch xuất hiện...

Vì thế, các doanh nghiệp du lịch rất kỳ vọng việc mở cửa lần này sẽ không bị đóng lại dù có xảy ra chuyện gì. Việc mở cửa sẽ diễn ra một cách tự tin, đàng hoàng với các điều kiện rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách mà vẫn đảm bảo an toàn. 

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top