Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nguy cơ kép của nền kinh tế Mỹ

Thứ Hai 14/03/2022 | 10:16 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tiếp tục gia tăng đạt mức cao nhất trong 40 năm qua, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga có thể làm tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mối lo lạm phát kèm suy thoái của nền kinh tế Mỹ Ảnh: REUTERS

Tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát của Mỹ đã chứng kiến mức tăng cao nhất kể từ tháng 1.1982. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cho thấy, trong 12 tháng tính đến tháng 2 vừa qua, CPI của Mỹ tăng 7,9%. Mức tăng này được cho là không nằm ngoài dự báo, nhưng là chỉ dấu cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở. Trước đó, CPI tháng 1 của Mỹ tăng 7,5% và là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 6%. Như vậy, lạm phát của Mỹ đã vượt xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Dự trữ trung ương Mỹ (FED) đề ra. Dự kiến, ngày 16.3, ngân hàng này sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Các nhà kinh tế dự đoán FED sẽ có 7 lần tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể làm tổn hại đến hoạt động kinh tế và tăng trưởng nói chung, vì nó khiến các khoản vay và đầu tư bị gián đoạn.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2022, và cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng trong quý 1 năm nay. Giới chuyên gia cho rằng, các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19. Mặc dù kinh tế Mỹ ít chịu tác động hơn so với châu Âu từ sự gia tăng mạnh của giá dầu và khí đốt, nhưng cũng không phải là “miễn nhiễm”. Giá hàng hóa tăng có thể cản trở chi tiêu tiêu dùng, khi các gia đình, nhất là những người có thu nhập thấp, buộc phải chi phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm và khí đốt. Hơn nữa, các điều kiện tài chính bị thắt chặt, có thể khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận tiền mặt hơn. Đồng thời, những lo ngại ở châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty Mỹ, thông qua các chuỗi cung ứng và các hoạt động toàn cầu. Nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs nhận định, khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là 35%.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ cũng đang dự kiến tăng giá bán hàng trong vòng 6 tháng tới, do ảnh hưởng bởi đại dịch và “thảm họa” chuỗi cung ứng. Ngân hàng PNC của Mỹ đã tiến hành cuộc khảo sát các chủ doanh nghiệp nhỏ và 51% trong số họ tiết lộ có thể sẽ tăng giá bán hàng trong thời gian tới. 1/3 số doanh nghiệp được hỏi cho biết, các vấn đề về chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Theo nhà kinh tế trưởng PNC Gus Faucher, các vấn đề về chuỗi cung ứng là nguyên nhân lớn dẫn đến mức lạm phát cao nhất ở Mỹ hiện nay. Nhưng điều tích cực là hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều tin tưởng rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt trong những tháng tới. “Vấn đề quan trọng hiện tại là giá năng lượng cao sẽ kéo dài bao lâu và các yếu tố thúc đẩy lạm phát khác, bao gồm cuộc khủng hoảng Ukraine khi nào mới chấm dứt”, ông Gus Faucher lo ngại. Số liệu của Morning Consult và Ipsos cũng cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Thực tế, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến giá dầu tăng đột biến trong nửa đầu tháng 3 này. Điều đó không chỉ khiến lạm phát tăng cao mà còn có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, do giá năng lượng làm tăng chi phí của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và người tiêu dùng. Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, lạm phát cao kèm suy thoái kinh tế là tình trạng tồi tệ nhất mà họ phải đối mặt. Bởi nếu tăng lãi suất thì có thể giúp giảm lạm phát, nhưng lại làm tổn hại đến nền kinh tế, và ngược lại, khi nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các gói kích thích hoặc giữ lãi suất ở mức thấp có thể sẽ đẩy lạm phát cao hơn. Nói cách khác, nguy cơ kép stagflation (lạm phát kèm suy thoái) đang là thách thức không nhỏ đối với giới hoạch định chính sách của nền kinh tế đầu tàu thế giới. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top