Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trường mầm non tư thục: “Chao đảo” trong đại dịch

Thứ Hai 14/03/2022 | 10:41 GMT+7

VHO- Hơn hai năm sống trong đại dịch, nhiều cơ sở mầm non tư thục chỉ mở cửa hoạt động được vài tháng. Tuyên bố giải thể, bán tống bán tháo tài sản là tình trạng phổ biến khi dịch lan ra phía Bắc và lên đỉnh ở một số địa phương.

 

 Một số trường mầm non tư thục kiến nghị được thí điểm mở cửa vào thời điểm thích hợp

Cuối tháng 2, gần 50 cơ sở mầm non ở Hà Nội đã có thư kiến nghị lên Sở GD&ĐT Hà Nội mong được hỗ trợ trong tình trạng khó khăn đã sắp chạm đáy.

Tuyệt vọng

Đây mới chỉ là những cơ sở còn trường vốn và còn có thể thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, gọi thêm cổ đông để bám trụ. Còn nhiều cơ sở mầm non tư thục quy mô nhỏ, lẻ đã giải thể. Số cơ sở tuyên bố giải thể nhiều nhất vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, khi dịch lan rộng ra các tỉnh phía Bắc, nhất là khi Hà Nội đứng đầu cả nước về ca nhiễm. Dường như sự tuyệt vọng cũng lên đỉnh điểm, nhiều chủ trường không chịu đựng nổi một phần cũng vì phía trước quá mù mờ, không biết phải cố sức đến bao giờ. “Lặng lẽ bán đồ đạc, chuyển nhượng mặt bằng là cách của nhiều chủ trường. Có cơ sở khánh kiệt còn không có tiền để hoàn trả học phí cho phụ huynh đã đóng tiền cả năm”, một chủ trường mầm non chia sẻ.

Những trường mầm non tư thục có nhiều cơ sở, thì thời điểm sau Tết cũng phải co hẹp, giải thể 50-70%. Chị Quỳnh Nga, Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Thơ 2 (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) cho biết, cơ sở mầm non tư thục hiện tại cũng như các cơ sở kinh doanh khác, muốn vay vốn ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp. Chị Nga đã phải thế chấp tài sản và vay thêm ở ngoài, chịu lãi suất hàng chục triệu đồng để xoay sở chi trả tiền thuê mặt bằng. Nhưng chị cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ không trụ được. Hệ thống mầm non Ong Việt (Hà Nội) vừa tuyên bố giải thể 1 trong 2 cơ sở. Theo chị Thanh Huyền, chủ hệ thống này thì trong hai năm qua, mỗi năm phải chi hơn 100 triệu đồng/1 cơ sở để trang trải phí thuê mặt bằng, mặc dù đã được giảm 50% khi phải đóng cửa. Hệ thống này không còn tiền trả cho giáo viên để giữ chân mà chỉ hỗ trợ một phần vào những tháng đầu.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, đến cuối tháng 2.2022, cả nước có trên 500 trường mầm non tư thục giải thể vì khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhưng nếu tính cả các nhóm, lớp mầm non nhỏ lẻ thì con số giải thể lên đến hàng ngàn. Tại Hà Nội, các cơ sở mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu gửi con ở lứa tuổi 3, 4. Có nghĩa trên 60% nhu cầu được các cơ sở tư thục đáp ứng. Nay hệ thống này đổ vỡ hàng loạt, hệ luỵ thấy trước mắt là hàng trăm ngàn trẻ mầm non trên cả nước thiếu chỗ học.

Kiến nghị thí điểm mở cửa

Theo cô Hoàng Thuý Hằng, quản lý hệ thống mầm non Happy time thì điều đau khổ nhất của các trường mầm non chất lượng cao là đội ngũ nhân sự tan vỡ. Cô Hằng cho biết, Happy time có 75 giáo viên nhưng khi học sinh trở lại, không chắc giữ được bao nhiêu. Nhiều giáo viên vẫn còn tìm kiếm công việc tạm thời, chờ trường mở lại nhưng nhiều người đã bỏ nghề. “Lương giáo viên mầm non nói chung vốn rất thấp, kể cả các cơ sở mầm non chất lượng cao cũng không thể trả lương giáo viên cao hơn một số ngành nghề khác. Nên khi thấy bấp bênh, rủi ro quá lớn thì kể cả khi trường mở lại, nhiều người cũng sẽ không quay về”, cô Hằng cho biết.

Theo cô Hằng thì để xây dựng được một đội ngũ giáo viên có tay nghề vững không dễ. Giáo viên mầm non không chỉ dạy học mà điều phải đề cao hơn là khả năng chăm sóc trẻ. Như vậy ngoài kiến thức theo chương trình mầm non, giáo viên phải có kỹ năng về chăm sóc trẻ, hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng, về những bệnh thông thường của trẻ, biết cách sơ cứu khi trẻ gặp nguy hiểm… Tất cả những cái đó, cơ sở mầm non khi nhận giáo viên về phải đào tạo bổ sung. “Chi phí đầu tư cho đội ngũ là chi phí không tính toán được, và khi mất đi, việc khôi phục sẽ không thể làm trong ngày một ngày hai”, cô Hằng cho biết.

Trong thư kiến nghị, các chủ trường mầm non tư thục đề đạt về việc xin được thí điểm mở cửa trước vào một thời điểm thích hợp. “Trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vì thế nếu được mở lại, các trường có thể cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn nhất cho trẻ. Việc mở lại sẽ trên nguyên tắc tự nguyện của cha mẹ học sinh”, cô Hằng cho biết, đó là một trong những những nội dung đã ghi trong kiến nghị.

Theo một số chủ trường mầm non tư thục chất lượng cao ở Hà Nội thì không phải mở lại trường là hoạt động ngay được sau 2 năm tạm dừng. Phải sửa chữa, mua sắm thêm đồ dùng thiết bị, tuyển giáo viên, chuẩn bị mọi việc kích hoạt lại bộ máy quản trị… Và các trường cần có một lộ trình để có thể tính toán những công việc cần cho sự trở lại. Bên cạnh đó, các cơ sở mầm non tư thục cũng kiến nghị được hỗ trợ vay vốn không phải thế chấp tài sản, miễn giảm thuế, giảm bớt các thủ tục phiền hà liên quan tới vay vốn, nhận trợ cấp cho giáo viên... 

KỲ THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top