Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Xếp tổ hợp môn học lớp 10 năm học 2021-2022: Vẫn còn nhiều khó khăn, bối rối

Thứ Tư 16/03/2022 | 08:50 GMT+7

VHO- Năm học 2021-2022, học sinh lớp 10 sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới. So với các cấp học trước, ở bậc THPT, chương trình sẽ xây dựng theo hướng phân hóa cao và định hướng nghề nghiệp. Đây là điểm rất mới đang khiến các nhà trường bối rối, lo âu.

Theo mục tiêu của chương trình mới, học sinh sẽ được lựa chọn các tổ hợp mình có sở trường, yêu thích hoặc gần với định hướng nghề nghiệp

Có thể sẽ có hàng chục tổ hợp

Chương trình mới ở cấp THPT không học dàn trải 13 môn mà sẽ có các môn bắt buộc và các nhóm môn tự chọn. Trong đó, bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương; tự chọn có Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài ra, học sinh sẽ phải lựa chọn 5/9 môn thuộc các nhóm khác nhau (mỗi nhóm ít nhất 1 môn). Có ba nhóm gồm: Nhóm môn KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Riêng môn Nghệ thuật gồm hai phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì học sinh được chọn 1 trong 2.

Theo tính toán của nhiều nhà trường thì với cách chọn nhóm môn học như thế này, có thể sẽ có hàng chục tổ hợp môn học. Ví dụ, nếu học sinh lựa chọn phương án học 7 môn bắt buộc, cộng với 5 môn lựa chọn (2 môn KHTN, 2 môn KHXH, 1 môn thuộc nhóm Công nghệ - Nghệ thuật), thì đã có đến 27 tổ hợp. Ví dụ cùng với 7 môn bắt buộc, chọn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ (hoặc Tin học, Nghệ thuật), có nghĩa đã có 3 cách, tương ứng với 3 tổ hợp môn. Hay một phương án khác, cùng với 7 môn bắt buộc, lựa chọn 2 môn KHTN, 1 môn KHXH, 2 môn Công nghệ - Nghệ thuật thì cũng sẽ có 3 cách, tương ứng với 3 tổ hợp.

Theo mục tiêu của chương trình mới, học sinh sẽ được lựa chọn các tổ hợp mình có sở trường, yêu thích hoặc gần với định hướng nghề nghiệp để học. Thiết kế chương trình này khiến nhiều trường, nhất là các trường công lập chưa quen với việc xây dựng kế hoạch giáo dục (thiết kế, bố trí nội dung dạy học theo điều kiện, mục tiêu phát triển của nhà trường trên cơ sở chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). “Nhiều tổ hợp như thế này, lấy đâu giáo viên để đảm nhiệm?”, đây là băn khoăn của nhiều trường THPT tại Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… Cùng với đó, giáo viên một số môn ít có khả năng được học sinh chọn như GD công dân, Lịch sử, Địa lý lại lo… thất nghiệp.

Khi áp dụng chương trình GD THPT phân ban (chương trình đang thực hiện), một tình huống cũng đã xảy ra là đa số học sinh chọn các ban A (KHTN), ban D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và ban cơ bản. Thầy Phạm Văn Châu, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Trường A (Nam Định) lo lắng khi học sinh hiện tại chủ yếu chọn ban A, nhưng nếu sau này thực hiện chương trình mới có nhiều tổ hợp thì giáo viên các môn Tự nhiên có thể thừa, giáo viên các môn xã hội, nghệ thuật lại thiếu trầm trọng.

Tại Hà Nội, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà cũng bày tỏ băn khoăn khi tới thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn, tổ chức tập huấn để các trường chuẩn bị phương án bố trí giáo viên phù hợp, xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng thiết kế các tổ hợp… “Chúng tôi phải mời chuyên gia về tập huấn, trao đổi với giáo viên, các tổ bộ môn thảo luận, đề xuất để tập hợp lên trường thành kế hoạch hoàn chỉnh. Đây là quá trình mất nhiều thời gian, nếu không chuẩn bị thì chỉ còn vài tháng nữa tới mùa tuyển sinh sẽ rất rối”, cô Nhiếp cho biết.

Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường, Nam Định) tuy vẫn băn khoăn vì có nhiều tổ hợp, nếu học sinh lựa chọn thì trường sẽ khó đáp ứng, nhưng đã tạm xây dựng 3 phương án (tổ hợp), dựa trên cơ sở dự báo quy mô học sinh lớp 10, hướng lựa chọn môn học/nghề nghiệp. Tuy nhiên, “nếu học hết lớp 10 mà học sinh không thấy phù hợp với tổ hợp đã chọn thì có được đổi tổ hợp khác không? Với việc được sử dụng nhiều SGK và lựa chọn tổ hợp khác nhau thì việc thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới như thế nào?”, là những băn khoăn của thầy Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thuý.

Liệu cơm gắp mắm

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD&ĐT), chương trình thiết kế để có thể áp dụng nhiều tổ hợp môn học, tương ứng với nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, không có nghĩa các trường phải bố trí đủ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng tất cả các nhu cầu đó. “Theo quy định, dựa trên điều kiện hiện có, các trường thiết kế các tổ hợp môn học phù hợp và công bố công khai để học sinh lựa chọn trên cơ sở những tổ hợp trường sẽ tổ chức”, ông Thành cho biết.

Việc công khai sớm các tổ hợp của lớp 10 năm tới cũng là một yếu tố để học sinh lựa chọn phương án phù hợp. Theo Bộ GD&ĐT, các địa phương có thể nghiên cứu theo hướng sử dụng chung tài nguyên (nguồn giáo viên, học liệu) của từng cụm trường, hoặc các trường trên địa bàn quận, huyện để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là đối với môn Nghệ thuật. Việc chia sẻ giáo viên ở các môn đặc thù là giải pháp được khích lệ. Những vướng mắc về pháp lý để thực hiện việc này, nếu chủ động đề xuất, tham mưu sẽ được sớm giải quyết trước khi năm học mới 2022-2023 bắt đầu.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều băn khoăn mà các địa phương cần được hướng dẫn. Ví dụ như việc học sinh được đổi nguyện vọng sau 1 năm học thì cần đảm bảo điều kiện gì? Giữa sự thay đổi chương trình và đổi mới thi có được song song thực hiện?

Ngành GD&ĐT và các địa phương đã có 4-5 năm chuẩn bị, nhưng khi triển khai vẫn quá nhiều khó khăn, bối rối. Một phần do triển khai vào giữa những năm đại dịch, tuy nhiên cũng có những khó khăn xuất phát từ chủ quan. Khi chương trình GD phổ thông 2018 được Chính phủ phê duyệt, đồng thời có 2 đề án khác cũng được triển khai là: Củng cố đội ngũ giáo viên và Xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo để triển khai chương trình mới. Nhưng cho tới hiện nay, các Đề án chưa đạt được mục tiêu. Cả nước còn thiếu trên 94.000 giáo viên, trong đó bậc THPT có tình trạng thừa và thiếu giáo viên ở nhiều địa phương…

TRIỆU ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top