Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng

VHO- Sáng 22.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Điều hành phiên họp là Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự còn có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo các Bộ, ngành; các thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Đa số ý kiến đồng tình với phương án hậu kiểm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2021), các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các hội nghị, gửi văn bản xin ý kiến một số Bộ, ngành, cơ quan về dự thảo Luật; tổ chức Hội nghị Thường trực Ủy ban mở rộng; gửi xin ý kiến, tiếp thu góp ý của Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3.2022.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 2

Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vào sáng nay 22.3

Về một số vấn đề giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, các ý kiến đã tập trung góp ý vào chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; về phổ biến phim trên hệ thống truyền hình; về phổ biến phim trên không gian mạng; cấp giấy phép phân loại phim; về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; phim tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài; về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Trong đó về phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 3

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra

Thường trực Ủy ban xin được tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

“Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở từng cấp; cơ chế phối hợp trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt, cảnh báo, công cụ cho người xem báo cáo vi phạm, công cụ kiểm soát dành cho trẻ em; xây dựng bộ máy hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong thực hiện hậu kiểm. Thường trực Ủy ban xin được tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, bổ sung các quy định tại điểm g, h, i khoản 2 Điều 21. Về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật Điện ảnh được ban hành”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật

Báo cáo giải trình trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 21.3, Chính phủ đã có báo cáo số 91 gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong đó đã giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và ý kiến của cơ quan soạn thảo. Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan soạn thảo về cơ bản đồng tình với nội dung thẩm tra của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và đề xuất thêm 2 vấn đề.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 4

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật

Thứ nhất, Điều 41, dự thảo Luật qui định về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam trong đó qui định rõ, tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam.

Về quy định này, quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần xem xét cả 2 phương án (giữ và bỏ qui định tại Điều 41). Tuy nhiên quan điểm của cơ quan soạn thảo là giữ nguyên qui định tại điều này. Lý do là bởi việc giữ nguyên quy định sẽ thu hút được các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim, sản xuất phim. Từ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và các dịch vụ liên quan; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh Việt Nam. Qua đó giúp chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài.  Vì vậy cần có chính sách ưu đãi, thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam sử dụng dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 5

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 6

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự án Luật

Bộ trưởng cũng đề nghị khi cần đưa vào qui định, các đoàn làm phim khi vào Việt Nam cần phải cung cấp kịch bản phim chi tiết để các cơ quan có thể thẩm định. Bởi nếu chỉ là kịch bản tóm tắt, sẽ không thể hiện được hết nội dung trong đó có thể những vấn đề liên quan đến chính trị, an ninh. Thực tiễn đối chiếu với qui định của một số nước lân cận như Trung Quốc hay Thái Lan cũng đưa ra yêu cầu đối với các đoàn làm phim nước ngoài là phải đưa ra kịch bản chi tiết để có thể kiểm soát được về nội dung trong đó có thể có vấn đề liên quan đến chính trị, chủ quyền đất nước.

Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ Điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là mong muốn được giữ lại qui định này bởi điện ảnh là ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư. Do đó Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ là công cụ để hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu chỉ vì lý do trước qui định này cũng đã có trong luật nhưng cho tới giờ vẫn chưa thực hiện được mà xoá bỏ thì không nên bởi nay đã có đủ thiết chế, hành lang pháp lý có thể thực hiện được.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý, phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Tạ Quang Đông

Đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng - Anh 7

Phát biểu góp ý tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội vào sáng nay, đa số các ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao Ban soạn thảo, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã tiếp thu các ý kiến đóng góp, thẩm tra dự án Luật hoàn thiện theo đúng qui trình. Các ý kiến cũng góp ý cụ thể vào một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và cho rằng để tránh tình trạng luật khung, luật ống thì cần phải có những qui định cụ thể, khả thi hơn nữa và cần phải rà soát lại toàn bộ các luật có liên quan để các quy định trong dự án Luật có sự đồng bộ với các Luật khác…

Góp ý cho dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng sửa đổi bổ sung Luật điện ảnh, nhằm tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh phát triển chính là việc thể chế quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hoá. Tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế và chính trị. Điều đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng đây là lĩnh vực khó bởi vừa liên quan đến văn học nghệ thuật lại vừa là một ngành kinh tế. Vì thế cần nghiên cứu kỹ lưỡng, học tập kinh nghiệm của các nước để đưa ra các quy định cụ thể, phù hợp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến các uỷ viên chuyên trách trước khi hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

 

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc